Hầu hết các trường học ở Bình Giang đã và đang tích cực sưu tầm, đưa trò chơi dân gian vào kế hoạch hoạt động ngoại khóa hoặc nhân các ngày lễ kỷ niệm hằng năm.
Học sinh Trường THCS Vũ Hữu chơi trò ô ăn quan trong giờ ra chơi
Trò chơi dân gian được các trường học ở huyện Bình Giang đưa vào nhiều hoạt động của nhà trường không chỉ nâng cao ý thức giữ gìn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống của dân tộc cho thế hệ trẻ mà còn đem lại nhiều lợi ích thiết thực.
Hứng thú
Tiếng trống báo hiệu giờ ra chơi vang lên, hàng trăm học sinh Trường THCS Vũ Hữu (xã Thái Học) từ trong lớp chạy ùa ra ngoài, rủ nhau tìm chỗ thích hợp để chơi trò ô ăn quan, nhảy dây, chơi chuyền... Các em không phân biệt gái, trai, chia nhau thành từng đội, tranh tài sôi nổi. Em Nguyễn Thu Hương, học sinh lớp 8B rất hăng hái chơi trò ô ăn quan cùng nhóm bạn của mình. Hương chia sẻ: "Trò chơi dân gian giúp chúng em có những khoảng thời gian giải trí rất lý thú. Mọi căng thẳng, mệt mỏi sau những tiết học gần như tan biến. Riêng em từ ngày tham gia các trò chơi dân gian đã ít chơi điện tử trên điện thoại hơn. Bố mẹ em rất vui vì điều này".
Học sinh Trường THCS Vũ Hữu đã quen với những trò chơi dân gian trong giờ ra chơi từ nhiều năm nay. Việc nhà trường thường xuyên tổ chức cho các khối lớp thi đấu kéo co, bịt mắt đập niêu, đi cầu cạn, bắt chạch trong chum, nhảy bao bố... nhân dịp khai giảng năm học mới hay dịp kỷ niệm các ngày lễ làm cho học sinh rất hứng thú và nhiệt tình tham gia. Mỗi năm trường có thay đổi các trò chơi, thậm chí đưa cả trò pháo đất vào hoạt động ngoại khóa. "Chúng tôi phân công nhiệm vụ cho từng bộ phận để tìm hiểu, lựa chọn trò chơi, luật chơi, xây dựng kịch bản, bố trí người dẫn chương trình. Các thầy cô và phụ huynh học sinh cũng được huy động tham gia để khuyến khích các em", Hiệu trưởng Trường THCS Vũ Hữu Phạm Đức Thắng nói.
Trường THCS Tân Hồng (xã Tân Hồng) cũng đã và đang chú trọng đưa trò chơi dân gian vào các hoạt động ngoại khóa. Thầy giáo Vũ Đình Hào, Tổng phụ trách Đội cho biết hầu hết học sinh trong trường đều rất hứng thú với các trò chơi truyền thống như bịt mắt bắt dê, kéo co, đá cầu, nhảy lò cò, đi chân trong bao... Các trò tương đối dễ chơi nên chỉ cần giáo viên hướng dẫn 1-2 lần là các em đã tiếp thu được. "Đáng mừng là không chỉ những lần trường tổ chức cuộc thi các em mới tham gia đông mà ngay trong những giờ ra chơi hoặc khi được nghỉ ở nhà thì nhiều em vẫn thích chơi các trò chơi dân gian", thầy Hào nói.
Nhiều tác dụng
Hầu hết các trường học ở Bình Giang đã và đang tích cực sưu tầm, đưa trò chơi dân gian vào kế hoạch hoạt động ngoại khóa hoặc nhân các ngày lễ kỷ niệm hằng năm. Tùy vào điều kiện thực tế, mỗi trường có cách thức, quy mô, thời gian tổ chức khác nhau. Không giống như các sự kiện khác, tổ chức các trò chơi dân gian trong trường học rất đơn giản, dễ thực hiện, ít tốn kém và cũng không kén địa điểm.
Trò chơi dân gian không chỉ giúp học sinh được rèn luyện thể chất mà còn góp phần giáo dục kỹ năng sống. Đa số giáo viên ở huyện Bình Giang khi được hỏi đều cho biết việc học sinh tham gia trò chơi dân gian thường xuyên giúp các em có kỹ năng giao tiếp, hợp tác, tổ chức, tư duy nhanh nhạy hơn. Một số học sinh vốn sống khép mình, ít giao tiếp nhưng khi thường xuyên chơi trò chơi dân gian đã mạnh dạn, tự tin hơn...
Ở Trường THCS Vũ Hữu, thầy giáo Trương Đức Quân được giao sưu tầm các trò chơi dân gian, lên kế hoạch tổ chức các cuộc thi liên quan. Thầy Quân cho rằng các trò chơi dân gian mà người xưa nghĩ ra đều mang tính sáng tạo rất cao. Những trò chơi đó không chỉ giúp người chơi nâng cao thể chất mà còn rèn đức tính cần cù, chịu khó, xây dựng được tình đoàn kết, gắn bó, chia sẻ, giúp đỡ nhau... Cái hay ở hầu hết các trò chơi dân gian là phần kết thúc bao giờ cũng mang lại tiếng cười sảng khoái cho cả người chơi lẫn người xem. Nhờ đó, những căng thẳng, mệt mỏi trong việc dạy và học của giáo viên, học sinh sẽ giảm bớt.
Việc nhiều trường học ở Bình Giang tổ chức trò chơi dân gian có sự tham gia của cả giáo viên, học sinh còn làm cho khoảng cách giữa thầy và trò thêm gần lại. Học sinh dễ bộc bạch những tâm tư, tình cảm, hoàn cảnh gia đình với giáo viên. Qua đó, thầy cô có thể nắm được tâm lý của từng học sinh và có phương pháp giáo dục hiệu quả hơn. Hơn nữa, hoạt động này còn góp phần bảo tồn di sản, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ.
TIẾN MẠNH