Hiện nay, có nhiều người ở Hải Dương học ngành này nhưng sau khi tốt nghiệp ra trường lại làm nghề khác. Có người tìm được công việc phù hợp nhưng cũng có người tiếc nuối.
Áp lực làm trái ngành
Chị Nguyễn Thị Thu Hằng (sinh năm 2000), quê ở thị trấn Nam Sách, từng theo học Khoa Quản trị nhân lực, Trường Đại học Công Đoàn. Lúc đăng ký đại học, chị gần như không có định hướng nghề nghiệp gì, chỉ căn cứ vào lực học của bản thân. Áp lực phải học đại học của gia đình đã khiến chị Hằng không do dự cầm bút lựa chọn một ngành nghề, một trường đại học mà mình chắc chắn sẽ đỗ.
Suốt quá trình học, chị Hằng cũng không thực sự đam mê và không hoạch định được sau khi ra trường mình sẽ làm gì, ở đâu? Vì vậy, sau khi ra trường, chị đã bươn chải mất mấy tháng ở Hà Nội tìm việc. Chị không dám đặt mục tiêu là xin được việc đúng ngành mà chỉ cần có việc làm phù hợp là được. Sau đó, chị chấp nhận làm nhân viên kinh doanh cho một cửa hàng thời trang.
Sau đó, chị Hằng càng tỏ ra chán nản, bởi công việc đã không phù hợp với chuyên môn mà thu nhập chỉ đủ chi tiêu tằn tiện qua ngày. Thậm chí chị còn phải ở trong một nhà trọ chật chội cùng người bạn để giảm bớt gánh nặng chi tiêu. Đã có lúc chị Hằng thử về quê xin việc. Tuy nhiên, với ngành học của mình, chị Hằng gần như không thể tìm được việc ở đơn vị nào, ngoại trừ vào doanh nghiệp làm công nhân. Vì vậy, chị vẫn chấp nhận với công việc trái ngành hiện tại.
Khi học THPT, thấy trường có bộ môn tiếng Pháp, chị Nguyễn Thị Hồng Vinh (sinh năm 1988, ở huyện Kim Thành) đã đăng ký theo học. Chị nghĩ đơn giản rằng tiếng Anh đã có nhiều người học nên học tiếng Pháp biết đâu sẽ có nhiều cơ hội hơn.
Sau khi tốt nghiệp THPT, chị Vinh thi đỗ Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Pháp của Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội. Học được 1 năm, chị Vinh lại nhận thấy ngành học của mình ít có “đất diễn” nên chị lại đầu tư thời gian, công sức thi chuyển sang ngành sư phạm tiếng Nhật ở cùng trường.
Ra trường, chị Vinh về làm cho một công ty chuyên môi giới, đào tạo tiếng Nhật cho người sang Nhật Bản làm việc. Thời điểm này, chị Vinh vẫn có điều kiện sử dụng chuyên ngành đã học của mình là tiếng Nhật. Tuy nhiên, ít lâu sau đó, chị quyết định nghỉ việc cùng chồng buôn bán ở ngoài.
Hiện chị Vinh đang quản lý một cửa hàng ăn uống ở TP Hải Dương. Mọi công việc của chị không liên quan gì đến chuyên ngành mà chị đã bỏ công sức ra học suốt 4 năm ở Hà Nội. Thời điểm này, công việc làm ăn không mấy thuận lợi nên chị Vinh khá áp lực, mệt mỏi. Nguyên nhân một phần cũng vì chị không có nhiều kinh nghiệm và chưa từng học qua quản lý nhà hàng cũng như chế biến món ăn.
Làm việc trái ngành, trái nghề, đặc biệt là với những người từng học đại học không phải là hiếm. Tuy nhiên, đáng nói là có những người sau khi học đại học xong lại không xin được việc làm đúng chuyên môn mà chấp nhận làm những công việc giản đơn, dành cho lao động phổ thông. Một cán bộ làm ở bộ phận đào tạo của Công ty TNHH May Tinh Lợi cho biết, trong công ty có rất nhiều người từng học đại học nhưng làm công nhân ở các bộ phận như may, là, cắt… Hầu hết khi xin việc vào những bộ phận này, họ sẽ không khai đã từng học đại học, có thể do e ngại về vấn đề bằng cấp, tâm lý...
Định hướng chưa đúng
Chị Nguyễn Thị Xiêm, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên tỉnh Hải Dương phân tích một số nguyên nhân sinh viên sau khi ra trường làm việc trái ngành, trái nghề. Đó là một số ngành xã hội chỉ cần một lượng nhân lực nhất định, tuy nhiên các trường đào tạo cung cấp hằng năm ra thị trường lao động nhiều hơn nhu cầu xã hội cần.
Một số lượng lớn sinh viên ra trường trong quá trình chờ cơ hội tìm được việc làm phù hợp đúng ngành nghề đào tạo thì cần có việc làm ngay để kiếm thêm thu nhập nên cũng chấp nhận làm trái ngành nghề. Và khi cơ hội việc làm không nhiều khiến họ rơi vào vòng luẩn quẩn của việc làm trái ngành không dứt ra được.
Một trong những nguyên nhân khiến người lao động sau khi học đại học, cao đẳng xong phải chấp nhận làm trái ngành nghề là do định hướng nghề nghiệp chưa đúng. Học sinh trong quá trình chọn trường, chọn ngành nghề học thì chọn theo trào lưu, theo bạn bè, theo ngành học đang hot. Sau 4 - 5 năm đào tạo ra trường thì lại không thấy phù hợp với sở thích, sở trường hoặc không thấy hứng thú với công việc nên cũng chuyển đổi công việc và làm trái ngành nghề đào tạo.
Thực tế hiện nay có nhiều trường đại học được mở ra. Để đáp ứng nhu cầu tuyển sinh, nhiều trường đã hạ thấp chỉ tiêu đầu vào. Bởi vậy, có nhiều học sinh chỉ cần tốt nghiệp THPT với lực học trung bình cũng có cơ hội học đại học. Nhiều gia đình với tâm lý muốn con cái học đại học nên không ngại đầu tư cho con theo học. Điều này khiến số người học đại học ngày càng nhiều.
Nhu cầu nhân lực của thị trường lao động trên thực tế lại trái ngược với điều trên. Hiện nay, các doanh nghiệp chỉ cần nhiều lao động phổ thông, lao động đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp. Nhu cầu tuyển dụng lao động có bằng đại học trở lên rất ít. Theo đánh giá nhu cầu tuyển dụng của cơ quan chức năng, thời gian gần đây, mỗi năm các doanh nghiệp ở Hải Dương chỉ tuyển khoảng 2.000 người có trình độ từ đại học trở lên. Và doanh nghiệp chỉ tuyển người theo tiêu chí cụ thể, đáp ứng được công việc chứ không phải dựa vào bằng đại học. Như vậy, cơ hội việc làm đối với người tốt nghiệp đại học ít, khiến tỷ lệ người phải làm trái ngành học sau khi ra trường càng tăng lên.
Học hỏi và thích nghi
Nhìn vào thực tế hiện nay, để kiếm tìm được một công việc chuyên môn phù hợp với người học sau khi ra trường là khá khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước đang tinh gọn bộ máy, nhân lực, các doanh nghiệp chỉ tuyển dụng nhiều lao động phổ thông, người học nghề. Do đó, bên cạnh yếu tố định hướng nghề nghiệp đúng đắn thì người học sau khi ra trường cần biết cách học hỏi thêm và thích nghi để có công việc phù hợp với nhu cầu bản thân.
Tốt nghiệp ngành ngôn ngữ Anh tại Trường Đại học Thăng Long nhưng anh Bùi Bá Long (24 tuổi, ở huyện Ninh Giang) lại không làm việc đúng chuyên ngành. Hiện anh Long làm lập trình viên phần mềm tại Công ty TNHH Just.Engineer.
Thời điểm còn là sinh viên, khi đi thực tập tại một số công ty, anh Long nhận thấy những công việc liên quan đến ngành ngôn ngữ Anh không phù hợp với bản thân, còn nếu làm dịch thuật tiếng Anh lại hơi quá sức với anh. Đúng lúc đó, được tiếp xúc với nhiều bạn bè làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin nên anh Long hứng thú theo công việc này.
Anh Long cho biết: “Tôi bắt đầu công việc này từ con số 0, học hỏi dần qua đồng nghiệp và tự học trên mạng. Kiến thức ngành công nghệ thông tin rất rộng nhưng chỉ tập trung vào một mảng nào đó để học và làm theo yêu cầu công việc thì học sẽ nhanh hơn”.
Hiện tại, sau hơn 1 năm làm việc, thu nhập của anh Long được hơn 10 triệu đồng/tháng. Tại Công ty TNHH Just.Engineer, mức lương không phân biệt theo đúng bằng cấp hay trái ngành mà dựa trên thâm niên và trình độ, khả năng đáp ứng công việc. “Công ty tôi có nhiều người tốt nghiệp các ngành tài chính, kinh tế, thương mại… làm lâu năm và mức thu nhập cũng khá tốt. Tôi nghĩ làm trái ngành cũng không sao nhưng phải biết học hỏi thêm và thích nghi tốt”, anh Long cho biết thêm.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Thanh Thanh (26 tuổi, ở thị xã Kinh Môn) dù có 2 bằng đại học vẫn đi làm trái ngành. Tuy nhiên, biết năng lực bản thân và nỗ lực thích nghi, chị Thanh đã tìm được công việc khá hài lòng về cả chuyên môn và niềm yêu thích.
Chị Thanh tốt nghiệp đồng thời ngành kế toán và kinh tế luật tại Học viện Tài chính vào năm 2020. Sau khi ra trường, đi làm ở một số nơi, đến năm 2021, chị quyết định về quê xin việc để được ở gần gia đình. May mắn chị Thanh xin được công việc liên quan đến hoạt động Đoàn Thanh niên ở địa phương.
So với các bạn thời đại học đi làm đúng chuyên ngành thì thu nhập hiện nay của chị Thanh thấp hơn nhiều. Tuy nhiên, chị Thanh hiểu rằng sự lựa chọn của mình do nhiều yếu tố và chị đã không ngừng nỗ lực học tập thêm những kỹ năng phục vụ công việc, do đó mọi thứ đều trôi chảy. Và chị đã tìm được niềm vui, không đặt nặng vấn đề làm trái ngành.
LINH THANHMột số gợi ý để định hướng nghề nghiệp đúng đắn, gồm: Vượt qua định hướng nghề nghiệp của gia đình và không chạy theo trào lưu; tìm hiểu thông tin về nhiều nghề nghiệp khác nhau; xác định thế mạnh của bản thân; liệt kê các yếu tố ảnh hưởng đến nghề nghiệp của bạn; tìm hiểu các kỹ năng cần thiết cho nghề nghiệp và không ngại tìm kiếm cơ hội trải nghiệm.