Góc nhìn

Hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng

PHAN ANH 02/10/2024 09:38

Một số chính sách, quy định về bồi thường, hỗ trợ chưa được hoàn thiện đồng bộ đang gây khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng tại một số nơi ở Hải Dương.

13b79ad4c9de6d8034cf.jpg
Luật Đất đai mới và các quy định mới của tỉnh liên quan chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng có những thay đổi mang lại nhiều lợi ích lớn cho người dân (ảnh minh họa)

Thời gian qua, quá trình triển khai giải phóng mặt bằng của nhiều dự án trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn, vướng mắc. Một trong những nguyên nhân là do việc thay đổi chính sách, cơ chế bồi thường, hỗ trợ theo quy định của Luật Đất đai năm 2024, có hiệu lực từ ngày 1/8/2024.

Để thực hiện Luật Đất đai năm 2024 về nội dung bồi thường giải phóng mặt bằng, Chính phủ ban hành Nghị định số 88/2024/NĐ-CP ngày 15/7/2024 quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành Quyết định số 28/2024/QĐ-UBND ngày 9/8/2024 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Khi Luật Đất đai năm 2024 đi vào cuộc sống, nhiều vướng mắc trước đây đã được tháo gỡ. Luật Đất đai mới và các quy định mới của tỉnh liên quan chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng có những thay đổi mang lại nhiều lợi ích lớn cho người dân.

Đơn cử như từ ngày 9/8/2024, tiền bồi thường, hỗ trợ đối với đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng cao. Trước đây, tổng tiền bồi thường, hỗ trợ đối với đất nông nghiệp bằng 4 lần (1 lần bồi thường và 3 lần hỗ trợ) đơn giá đất quy định tại bảng giá đất thì nay đã tăng lên thành 6 lần (1 lần bồi thường, 5 lần hỗ trợ). Cùng với đó, cơ chế về mức bồi thường đối với tài sản xây dựng trên đất theo quy định mới cũng cao hơn trước đây.

Những chính sách trên sẽ góp phần tạo thuận lợi trong giải phóng mặt bằng, giúp nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh các chính sách có lợi hơn cho người dân, một số thay đổi theo hướng loại trừ vi phạm hoặc chưa sửa đổi kịp thời. Ví dụ, với tài sản xây dựng trên đất không được phép xây dựng (tài sản không hợp pháp), theo quy định của tỉnh trước đây người dân vẫn được hỗ trợ từ 60%-80% mức bồi thường tùy theo thời điểm hình thành tài sản. Đến nay, theo quy định mới chưa có chính sách hỗ trợ. Đối với đất vườn ao trong cùng thửa đất có nhà ở nhưng không được công nhận là đất ở, theo quy định cũ của tỉnh thì được hỗ trợ bằng 25% hoặc 50% giá đất ở của vị trí liền kề tùy theo thời điểm tạo lập đất trong khi quy định hiện hành chưa có chính sách hỗ trợ này...

Chính sách bồi thường, hỗ trợ giữa quy định theo Luật Đất đai mới và cũ chưa đồng bộ khiến công tác giải phóng mặt bằng một số dự án chưa nhận được sự đồng thuận hoàn toàn từ người dân dẫn đến bị chậm tiến độ; một số nơi lúng túng, gặp khó khăn khi thực hiện.

Giải phóng mặt bằng là một khâu quan trọng trong đầu tư phát triển. Các cơ chế, chính sách cần sớm được hoàn thiện, đồng bộ bảo đảm có sự tiếp nối giữa các quy định mới với các quy định cũ theo hướng tiến bộ, bảo đảm quyền lợi chính đáng người dân. Việc tháo gỡ bất cập trong chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng kịp thời, đúng hướng sẽ góp phần tạo sự đồng thuận của người dân, đẩy nhanh được tiến độ thực hiện các công trình, dự án, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương và của cả tỉnh.

PHAN ANH
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng