Thiệp đã gửi, khách đã mời, cỗ đã đặt… nhưng nhiều cặp đôi trong tỉnh vẫn quyết định hoãn cưới vào phút chót để cùng chung tay phòng chống dịch.
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh phường Hải Tân (TP Hải Dương) vận động gia đình hoãn cưới cho con để phòng dịch
Chung tay “giải cứu” cỗ
Chuẩn bị nguyên liệu để nấu 60 mâm cỗ cho đám cưới của con gái đầu lòng diễn ra vào ngày 9.5, ông Nguyễn Văn Kiên ở xã Hồng Hưng (Gia Lộc) chia sẻ: "Gia đình phải nhờ họ hàng, người dân tiêu thụ giúp 30 kg tôm, nửa tạ mực đã đặt không thể hủy. Rất may được bà con ủng hộ, cuối cùng gia đình cũng tiêu thụ hết số này".
Để chuẩn bị đám cưới cho con gái, gia đình ông đã cất công chuẩn bị trước cả tháng. Hằng trăm thiệp cưới đã gửi đi, khách hai bên họ hàng đã mời, cỗ bàn, phông bạt loa đài… đều chuẩn bị xong thì dịch ập đến. “Những ngày đầu có thông tin ca nhiễm trong nước, gia đình cũng nghe ngóng thấp thỏm, nhưng đến ngày 5.5 thấy diễn biến dịch phức tạp, chúng tôi quyết định hoãn dù đây là lần hoãn thứ hai”, ông Kiên nói.
Tất bật mời khách, cỗ bàn nay lại tất tả báo hủy. Người trong thôn xóm thì ông nhờ người này báo tin cho người kia biết, người ở xa thì điện thoại báo khất nhưng ông bảo ai cũng thông cảm. Ngay cả thợ phông bạt, loa đài, hay thợ mổ lợn cũng đều là người địa phương, chẳng ai gây khó dễ vì dịch thì dừng cưới là việc không thể đừng.
Tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Tính ở phường Hải Tân (TP Hải Dương) cũng đã hai lần hoãn cưới cho con trai. Đầu năm 2020, gia đình ông đã định tổ chức nhưng do dịch phải dừng lại. Lần này, kế hoạch tổ chức lễ cưới cho con vào 2 ngày 8-9.5, ông đã đặt 50 mâm cỗ. Ông bảo nhà hàng không làm khó nhưng những nguyên liệu nhà hàng đã chuẩn bị không thể hủy buộc gia đình phải khắc phục thiệt hại bằng cách đem về nhờ họ hàng tiêu thụ giúp. “Ban đầu gia đình cũng do dự vì đã khất với nhà gái một lần rồi, giờ chả lẽ lại lỡ lần nữa. Nhưng được địa phương vận động, cộng với việc nghĩ rằng phòng dịch để giữ an toàn cho mọi người nên chúng tôi lại quyết định hoãn”, ông Tính vui vẻ nói.
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Kiên ở Hồng Hưng (Gia Lộc) thu dọn bát đĩa đã chuẩn bị cho đám cưới của con gái
Vì mục tiêu chung
Là cô dâu hy hữu đến 3 lần phải hoãn cưới vì dịch, chị P.Q.M. (23 tuổi, ở phường Tân Hưng, TP Hải Dương) cho biết: "Chúng tôi dự định tổ chức đám cưới vào ngày 8.5. Họ hàng hai bên đang rất háo hức vì đám cưới đã hoãn từ tháng 4.2020 tới tháng 1.2021, thế mà nay lại phải hoãn tiếp. Một số người góp ý đám cưới có thể tổ chức gọn nhẹ nhưng hai gia đình đều thống nhất “quá tam ba bận” thì… để đến lần thứ tư. Với hơn 100 mâm cỗ, chúng tôi phải đền bù thiệt hại khoảng 30 triệu đồng nhưng giữ an toàn cho mọi người là trên hết".
Còn cô dâu N.T.T. ở thị trấn Thanh Miện cũng hai lần hoãn cưới vì dịch thì cho rằng: “Tình hình dịch đang diễn biến ngày càng phức tạp, không ít người có tâm lý lo lắng. Mong muốn ngày vui phải thực sự trọn vẹn nên chúng tôi quyết định hoãn cưới dù gấp gáp”.
Đợt dịch lần này diễn biến nhanh và bất ngờ nên với nhiều cặp đôi phải hoãn đám cưới khá gấp. Tuy nhiên theo khảo sát tại một số địa phương, các gia đình tổ chức đám cưới cho con đợt này đều nhất trí hoãn khi được tuyên truyền. Riêng TP Hải Dương, ngay khi có thông báo của UBND tỉnh về tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, trong đó có nội dung tuyên truyền, vận động nhân dân hoãn tổ chức việc cưới, địa phương đã lập tức triển khai thực hiện. Chị Phạm Thị Vân Anh, cán bộ văn hóa phường Hải Tân cho biết riêng dịp cuối tuần trong khu có 4 gia đình dự định tổ chức đám cưới cho con vào ngày 8-9.5 thì cả 4 nhà đều nhất trí hoãn. “Có gia đình được vận động ngay từ khi ra đăng ký kết hôn tại UBND phường, gia đình nào còn do dự chúng tôi đến tận nhà vận động. Sau khi được khuyến cáo, người dân đều đồng tình ủng hộ hoãn cưới để chống dịch”, chị Vân Anh nói.
Đám cưới là một sự kiện trọng đại của đời người. Nhiều cặp đôi đã tạm hoãn đám cưới để chung tay phòng chống dịch là việc làm đáng hoan nghênh.
HUYỀN HÒA