Trong nhiều cuộc vui, không ít người bị ép uống rượu bia, dẫn tới những hậu quả đáng tiếc.
Uống nhiều rượu bia có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe
Mặc dù hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu bia sẽ bị phạt tiền nhưng sau gần 1 năm ban hành, Nghị định 117/2020/NĐ-CP vẫn khó có thể áp dụng vào thực tế.
Cả nể
Đã hơn 1 tuần nay, anh Nguyễn Văn T., công nhân một công ty may ở phường Thạch Khôi (TP Hải Dương) phải nghỉ làm vì bị gãy chân. Anh T. cho biết chỉ vì ham vui, cả nể và do khích bác của bạn nhậu mà anh cố uống cả chục chén rượu. “Say quá, tôi ngồi sau xe bạn chở không vững nên bị ngã xuống đường đúng lúc có một chiếc xe máy khác đi tới đâm phải. May chỉ gãy chân chứ mất mạng thì khổ vợ, khổ con", anh T. nói.
Còn đối với anh Nguyễn Văn H. ở xã Yết Kiêu (Gia Lộc) thì bị ép rượu đã trở thành nỗi ám ảnh. Cuối tháng 10 vừa qua, bố vợ anh tổ chức tiệc chiêu đãi về nhà mới. Anh H. vừa ngồi vào bàn, chưa kịp ăn gì đã có vài người trong họ hàng đến chúc rượu. Vốn không uống được nhiều, lại có tiền sử đau dạ dày nên anh đã khéo léo từ chối nhưng vẫn không được. Đêm đó, anh H. nôn ra máu phải vào viện cấp cứu.
Không ít người rơi vào tình cảnh như anh T., anh H. dù không muốn uống rượu bia hoặc không uống được nhiều nhưng vì nể nang mà cố uống. Không ít trường hợp uống theo kiểu gạ ép, cà khịa, khiêu khích đã gây ra những hậu quả xấu như cãi vã, đánh nhau, tai nạn giao thông, bạo lực gia đình, thậm chí mất mạng. Nhiều người còn ép cả phụ nữ uống rượu. Ở nhiều nơi, cũng chỉ vì chén rượu rồi lời qua tiếng lại dẫn đến tình cảm họ hàng, người thân bị sứt mẻ.
Có chế tài vẫn không sợ
Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Y tế, bình quân mỗi năm cả nước có gần 1.000 ca tử vong, gần 30% số vụ gây rối trật tự xã hội có liên quan đến rượu bia. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là lạm dụng rượu bia, nhất là ép nhau uống say tại các cuộc nhậu.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Gia Lộc cho rằng ép uống rượu bia là hành vi không tốt, cần được chấn chỉnh và xử phạt nghiêm minh. Điều 30 Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ nêu rất rõ: phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với cá nhân uống rượu bia tại địa điểm không được uống rượu bia theo quy định của pháp luật (cơ sở y tế, cơ sở giáo dục trong thời gian giảng dạy, học tập, làm việc); xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu bia. Nếu tổ chức vi phạm thì sẽ bị phạt tiền gấp đôi so với cá nhân.
Tuy nhiên theo anh Khuất Duy Hưng ở xã Tân Việt (Thanh Hà), chế tài đã có nhưng khó áp dụng trong thực tế. Uống rượu bia rồi lái xe thì xử phạt dễ dàng hơn vì chỉ cần đo nồng độ cồn của lái xe nhưng xúi giục, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu bia khó có những bằng chứng cụ thể để làm cơ sở xử lý vi phạm. Không người nào lại đi tố cáo bạn nhậu ép uống rượu rồi để bạn bị phạt. Chủ quán nhậu tố cáo thì lại càng khó vì họ sợ mất khách, ảnh hưởng đến doanh thu. Lực lượng chức năng thì không thể đi kiểm tra tại các cuộc nhậu để phát hiện, xử lý hành vi ép rượu bia.
HẢI MINH