Trong khi cơ quan công an đang truy tìm tung tích người đàn ông mặc đồ đen đi lang thang ăn xin, thì mạng xã hội lại xuất hiện những hình ảnh “người mặc đồ đen” phiên bản nhái, khiến dư luận bức xúc.
Nam ca sĩ Chi Dân cũng vừa nhận rất nhiều “gạch đá” vì hoá trang nhân vật mặt đen gõ cửa các phòng khách sạn. Trước phản ứng của cộng đồng mạng, cùng ngày hôm đó, Chi Dân đã lên tiếng giải thích rằng đó chỉ là hành động “mua vui”. Dù nam ca sĩ đã lên tiếng xin lỗi và khoá trang Facebook cá nhân nhưng cộng đồng mạng vẫn bày tỏ sự phẫn nộ khi anh là người của công chúng mà vô ý thức. Nữ diễn viên Midu cũng nhận phải phản ứng tương tự khi trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh được cho là cô đang hóa thân thành nhân vật cầm đầu gà.
Cái kết nào cho “hội chứng đám đông”
"Trong khi mọi người đang hoang mang sợ hãi thì đi đùa cái kiểu này để ra đường doạ trẻ con à? Chưa biết chừng nhiều người không hiểu lại lôi ra đánh cho" - Facebooker có tên H.N bình luận trước trào lưu hoá trang người mặc đồ đen.
Đó không phải là dự đoán thiếu căn cứ, khi mà khắp cõi mạng đang hô hào nhau: thấy đối tượng mặt đen là “phải đánh”, “phải xử, “phải táng cho không trượt phát nào”... Và đó cũng không phải là lời “chém gió”, bởi đã rất nhiều vụ việc thương tâm xảy ra khi đám đông bị kích động nghi ngờ ai đó định bắt cóc trẻ con hay trộm cắp.
Trao đổi với phóng viên, trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tâm lý tội phạm học (Bộ Công an) phân tích: “Trước tiên, cần khẳng định đối tượng mặc đồ đen, hoá trang mặt đen đi ăn xin là không có thiện ý. Nếu bình thường đi ăn xin, khai thác lòng trắc ẩn của người khác thì sẽ không cố tạo ngoại hình kỳ quái như vậy. Chính họ cũng đang trục lợi trên nỗi sợ hãi của người khác. Cơ quan chức năng cần điều tra và nếu có dấu hiệu đe doạ, đánh đập người khác, chiếm đoạt tài sản như các clip trên mạng thì cần phải xử lý nghiêm”.
Ông cũng cho rằng, việc hoá trang thành những người mặc đồ đen trong lúc dư luận đang hoang mang như thế này là rất nguy hiểm. “Khi đám đông sợ hãi, họ sẽ dễ bị kích động và manh động, sẵn sàng trút giận lên kẻ có thể gây nguy hiểm cho mình. Rất nhiều vụ đánh oan thậm chí chết oan vì bị nghi bắt cóc trẻ em, là những ví dụ điển hình. Người Việt đang ngày càng nóng nảy, thiếu kiềm chế, sống vô cảm, sẵn sàng dùng bạo lực để giải quyết vấn đề. Điều này cũng thể hiện ý thức pháp luật của một bộ phận người dân còn rất kém”, trung tá Đào Trung Hiếu nhận định.
Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty luật Minh Bạch cũng cho biết hình phạt nếu tham gia hành hung người khác: nhẹ thì xử lý hành chính, nặng hơn thì có thể chịu trách nhiệm hình sự đối với trường hợp gây thương tích hoặc vu khống người khác. Theo Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009, người nào gây tổn hại sức khỏe, tính mạng của người khác tỉ lệ thương tật từ 11% trở lên thì hình phạt nặng nhất là chung thân.
Theo Nghị định 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, người có hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác… sẽ bị phạt tiền từ 10- 20 triệu đồng.
Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân thực hiện hành vi tung tin bịa đặt, thất thiệt trên mạng xã hội có thể bị xử lý hình sự. Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015 về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông nêu rõ, người nào thực hiện một trong các hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật nhằm thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này. Tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi mà người phạm tội trên có thể bị phạt tiền từ 30-200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng - 7 năm.
Theo Tiền phong