Đời sống văn hóa

Hoa Tết xưa - hoa Tết nay

CẨM GIANG 04/02/2024 14:00

Khoa học kỹ thuật phát triển, công nghệ cao được ứng dụng đã cho ra đời hàng loạt giống hoa, cây cảnh đẹp - độc - lạ. Cùng với đó, đời sống kinh tế của người dân cũng dồi dào hơn trước, làm cho ngày Tết bây giờ giống như một bức tranh đủ màu sắc, hình hài.

Từ đồng tiền, thược dược...

img_4409-1-.jpg
Chợ hoa Tết có thược dược, đồng tiền... dành cho những người hoài niệm

Chỉ chừng 20 năm về trước, khi đời sống xã hội còn chưa phát triển mạnh mẽ như bây giờ, cái Tết của nhiều gia đình hầu như bó hẹp trong thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ, "đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết" là đã đủ đầy, chứ nói gì đến chơi hoa.

Hồi ấy, cứ thấy thược dược, đồng tiền là thấy Tết. Cùng lắm có thêm chậu cúc vạn thọ hay sắc đỏ của những chậu cây sống đời. Hoa đồng tiền ngày ấy cũng không nhiều màu sắc vàng, đỏ, trắng, cánh kép như bây giờ, mà hầu như chỉ có đồng tiền đỏ cánh đơn. Đến cả thược dược cũng vậy, vốn là một loại cây dễ trồng, dễ sống nhưng không phải nhà nào cũng có để trưng vào mùng 1 Tết. Còn nhớ hồi ấy, thược dược, đồng tiền nhà ai có vài khóm thì cũng cố chờ đến tinh mơ mùng 1 Tết mới cắt, cắm vào lọ rồi đặt lên ban thờ, cũng chính là mặt của hòm thóc ở gian giữa nhà. Bởi lẽ, cắt sớm thì hôm sau hoa đã héo queo, vì các loại hoa này thường không bền, nhất là trong tiết trời giá rét.

Rồi đến hoa đào - loài hoa biểu tượng của mùa xuân nhưng không phải Tết nào cũng có, nhà nào cũng có, cả ở phố chứ chẳng phải ở quê. Hồi tôi còn bé, cả làng mấy trăm nóc nhà nhưng không nhà ai có nổi một gốc đào. Có nhà ông cụ Nhũ ở làng bên trồng một cây đào to, cụ rất quý bố tôi nên có năm cho một cành nhỏ về trưng Tết. Đó là những cành rất nhỏ, chứ chẳng có dáng thế gì. Nhưng vậy là tốt lắm rồi. Được ngắm hoa đào ngày Tết đã là sang lắm. Để cho cành đào được thắm và bền, cành đào phải được bôi vôi hoặc hơ lửa ở chỗ vừa cắt ra rồi cắm vào nước ấm, để đào nở đúng vào ngày Tết.

img_4385(1).jpg
Hoa bây giờ không còn bó hẹp trong dịp Tết mà ngày thường cũng xuất hiện ở khắp nơi trên phố

"Tết khi xưa chỉ lo cơm, áo, gạo, tiền đã mệt, chỉ cần có bánh chưng là mừng lắm rồi, ai còn tâm trí đâu để chơi hoa hay cây cảnh. Nhà tôi nhiều đời ở phố cũng vậy, dù ngày Tết có đủ đầy hơn ở quê, song hoa cũng chỉ là thứ yếu. Thay vì mua cành đào hay bình hoa về cắm Tết thì mua thêm cân thịt lợn cho các con. Khi đó, đa phần gia đình nào cũng thiếu thốn nên ưu tiên hàng đầu phải là thực phẩm", ông Lê Thanh Hải, nhà ở phố chợ Con (TP Hải Dương) nhớ lại.

Cũng theo ông Hải, Tết ngày nay mang tính hình thức nhiều hơn, thể hiện ở việc chợ hoa xuất hiện ở khắp các tuyến đường của thành phố, địa phương nào cũng có. Nhưng điều này cho thấy đời sống nhân dân đã khá giả hơn nhiều, có những gia đình sẵn sàng chi tiền triệu, thậm chí vài chục triệu để sắm hoa, cây cảnh chơi Tết. Hoa bây giờ cũng không còn bó hẹp trong dịp Tết mà ngày thường cũng xuất hiện ở khắp nơi trên phố.

... đến "kỳ hoa, dị thảo"

img_4392(1).jpg
Mỗi chậu nhất chi mai có nguồn gốc bản Tả Phìn, Sa Pa (Lào Cai) có giá khoảng 6 triệu đồng

Cách đây cả chục ngày, các chợ hoa ở TP Hải Dương và nhiều địa phương trong tỉnh đã bắt đầu tấp nập. Thay vì áp Tết các gia đình mới đi sắm sang thì nay cứ chợ họp là đã rinh hoa về. Có gia đình trong dịp năm mới có đến mấy lần sắm hoa đào, cả trước, trong và sau Tết.

Để phục vụ Tết Nguyên đán 2024, TP Hải Dương mở 3 chợ hoa, song có nhiều điểm bán hoa, cây cảnh nhỏ lẻ ở nhiều tuyến đường. Chợ hoa đường Trường Chinh, đoạn từ vòng xuyến Trường Chinh - Thống Nhất - Lê Thanh Nghị đến vòng xuyến Trường Chinh - Ngô Quyền giống như một vườn bách thảo khổng lồ, với đủ các loại "kỳ hoa, dị thảo". Từ đồng tiền, thược dược, sống đời... dành cho những người hoài niệm, thì hàng loạt loại hoa và những giống cây cảnh đẹp - lạ phục vụ nhu cầu người dân chơi Tết.

img_4404(1).jpg
Đào thất thốn có nguồn gốc Trung Quốc dành cho những người có sở thích sưu tầm giống hoa độc - lạ

Cách đây nhiều năm, các nhà khoa học, các nhà vườn của Việt Nam đã chủ động được nguồn cung hoa, cây cảnh phục vụ Tết, song với yêu cầu ngày càng cao, những năm gần đây, các loại hoa ngoại nhập được đưa về ngày càng nhiều. Thu hải đường, anh thảo, lan tuyết, lan đuốc, lan nến, mai đỏ, đào thất thốn... là những giống ngoại nhập, chủ yếu có nguồn gốc Trung Quốc dành cho những ai có sở thích chơi hoa lạ. Với những người kỹ tính hơn, đã có bích đào, đào phai, đào thất thốn Nhật Tân, mai vàng Nam Bộ hay nhất chi mai (Tả Phìn, Sa Pa)... Giá của mỗi loại hoa, cây cảnh cũng vô cùng, tùy vào màu sắc, loại hoa hay thời điểm, song dao động từ vài trăm nghìn cho đến vài chục triệu. Những loại bình dân, không liên quan nhiều đến Tết như đỗ quyên cũng được chủ hàng ra giá 2 triệu đồng một chậu.

img_4402(1).jpg
Mai vàng Nam Bộ cũng xuất hiện trong ngày Tết ở miền Bắc trong những năm gần đây

Anh Phạm Văn Thành có một gian hàng ở chợ hoa đường Trường Chinh (TP Hải Dương) cho biết nhiều người đến chợ hoa chỉ với mục đích tìm được một chậu hoa, cây cảnh ưng ý, còn không quá nặng nề về giá cả, nhưng có những người thì ngược lại. Hiện nay gian hàng của anh Thành đang trưng hơn chục chậu nhất chi mai (Tả Phìn, Sa Pa), giá cao nhất 6 triệu đồng/chậu. Các gốc nhất chi mai đã được anh Thành đặt trực tiếp tại nhà vườn ở Sa Pa trước Tết khoảng 3 tháng. Đây đều là những cây thế, có rêu phủ kín thân, hoa trắng cánh hồng nên được ưa chuộng. Cùng với bán hoa, cây cảnh, anh Thành kết hợp trưng bày và bán đá phong thủy với giá rất cao, ví dụ bức tượng Di Lặc lên tới 200 triệu đồng.

img_4403(1).jpg
Chợ hoa Tết ở đường Trường Chinh giống như một vườn bách thảo khổng lồ, với đủ các loại hoa, cây cảnh từ truyền thống đến độc - lạ

Đời sống xã hội phát triển, nhà nhà đã không còn loay hoay với câu hỏi "Tết này ăn gì", mà thường quan tâm đến "Tết này chơi gì, ở đâu". Thị trường hoa, cây cảnh ngày Tết trước kia và bây giờ đang phản ánh bức tranh đời sống kinh tế, tinh thần của người dân đã đổi thay rõ rệt.

Nhìn chợ hoa ngày Tết bây giờ lại thương nhớ Tết xưa!

CẨM GIANG
(0) Bình luận
Hoa Tết xưa - hoa Tết nay