“Mộng mị” đáng chú ý bởi đây là cuộc triển lãm của riêng một nhóm họa sĩ từ "tỉnh lẻ" được tổ chức tại Hà Nội.
PGS.TS Bùi Quang Thắng, Giám đốc Vicas Art Studio (thứ ba từ phải) giới thiệu 6 họa sĩ Hải Dương tại buổi khai mạc triển lãm “Mộng mị”
“Mộng mị” là tên cuộc triển lãm của nhóm 6 họa sĩ Hải Dương diễn ra tại Hà Nội từ ngày 14 - 31.3. Triển lãm đang thu hút sự chú ý từ những người trong giới đến công chúng yêu hội họa và truyền thông.
Đưa tranh lên mạng
Khoảng 3 - 4 năm về trước, có lẽ những cái tên Nguyễn Tiến Quân, Văn Trọng, Phạm Đình Tùng, Nguyễn Hùng Cường, Phùng Văn Tuệ, Vũ Văn Long chỉ được biết đến trong giới hội họa Hải Dương hoặc cùng lắm là tham gia triển lãm khu vực đồng bằng sông Hồng. Họ chẳng dám mơ tới một ngày tranh của mình có người mua với giá hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng hay được triển lãm tranh giữa đất Hà thành.
Mấy năm gần đây, các trang mạng xã hội chuyên về hội họa ra đời đã hội tụ họa sĩ khắp cả nước gửi tác phẩm để đăng lên trang. Nhờ có các sân chơi này, nhiều họa sĩ, trong đó có 6 họa sĩ người Hải Dương dần được công chúng yêu hội họa trong và ngoài nước biết đến. Có bức được bán với giá lên tới cả nghìn đô la. Tranh của họa sĩ Phùng Văn Tuệ còn lọt vào “mắt xanh” của nhà sưu tập nước ngoài.
Họa sĩ Văn Trọng từng chia sẻ: “Trước đây, năm chỉ vẽ được vài ba bức thôi. Từ khi tham gia sân tranh trên mạng và bán được tranh, anh em tôi rất vui, có động lực, kích thích chúng tôi vẽ nhiều hơn”.
Ra Thủ đô
“Mộng mị” đáng chú ý bởi đây là cuộc triển lãm của riêng một nhóm họa sĩ từ "tỉnh lẻ" được tổ chức tại Hà Nội. 6 họa sĩ đã lao động nghệ thuật miệt mài trong nhiều tháng trời để có gần 50 bức tranh trưng bày tại triển lãm. PGS.TS Bùi Quang Thắng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển nghệ thuật đương đại (Vicas Art Studio - đơn vị tổ chức triển lãm), Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết: “Khi chọn tranh để làm triển lãm này, tôi rất bất ngờ bởi sự lột xác của các họa sĩ. Mỗi người một vẻ đều thể hiện các tác phẩm của mình bằng phong cách biểu hiện hoặc biểu hiện trừu tượng rất mới mẻ và đa dạng. Chủ đề sáng tác của các tác giả lại rất gần nhau. Đó là những kỷ niệm xa xưa trong ký ức cá nhân, những câu chuyện huyền thoại của loài người, con người, cảnh tượng trong những giấc mơ… Tất cả dường như đều đắm mình trong thế giới tưởng tượng. Vì thế tôi lấy trạng thái chung nhất của họ để đặt tên cho triển lãm là Mộng mị”. Tuy chỉ là cuộc triển lãm của một nhóm họa sĩ đến từ "tỉnh lẻ" nhưng đã thu hút khá đông họa sĩ Hà Nội và một số tỉnh, thành phố ở miền Bắc cùng công chúng yêu hội họa, nhà sưu tập tranh trong và ngoài nước đến dự khai mạc và thưởng lãm tranh.
Tham gia triển lãm, họa sĩ Phạm Đình Tùng thả trí tưởng tượng của mình với những huyền thoại của loài người, đó là “Vườn địa đàng”, là chốn “Thiên thai”. Sự hòa quện giữa các vệt màu, sự ẩn hiện của hình gây nên hiệu quả thị giác lạ (độ nhòe) và chính vì thế nó tải được các nội dung huyền ảo.
Còn tranh cũng như phù điêu (sơn mài trên gỗ) của họa sĩ Nguyễn Hùng Cường về các gương mặt “người dưng” hay những tay phù thủy trong trí tưởng tượng được làm theo cách bóp méo, dị dạng, ma mị nhưng không vì thế mà chúng làm cho người xem có cảm giác xa lạ, sợ hãi, ngược lại rất đời thường và thân quen.
Họa sĩ Vũ Văn Long thì vẽ những giấc mơ của mình bằng cả tranh trừu tượng lẫn tranh biểu hiện.
Tâm điểm trong tranh của họa sĩ Văn Trọng là những bộ ngực phồn thực và làn da óng ả của những người đàn bà. Cái hay trong bộ tranh phụ nữ này công chúng có thể cảm nhận được là sự xung đột tâm lý giữa một bên là mơ ước dục tính trực diện của một người nghệ sĩ và một bên là sự rụt rè, yếu bóng vía của một con người xã hội.
Còn mỗi bức tranh của Nguyễn Tiến Quân là một kỷ niệm xa mờ về một nơi chốn, một người tình cũ. Anh vẽ sơn mài nhưng theo phong cách biểu hiện, một sự đột phá đối với chính anh. Sự ẩn hiện, đan xen giữa các lớp màu, giữa màu sắc với những đường cong thân thể đàn bà, lại được điểm thêm những bông hoa bưởi cho người xem cảm giác mơ màng, lãng mạn.
Tranh của Phùng Văn Tuệ lại là một sự kết hợp khéo léo giữa biểu hiện trừu tượng và tối giản. "Những modul hình của anh được kết nối với nhau tạo nên những mảng màu lớn, tạo ấn tượng thị giác tức thì và cảm tính, cái mà hội họa biểu hiện trừu tượng rất mạnh. Ở Việt Nam anh ấy là người vẽ kiểu này đầu tiên”, ông Thắng đánh giá.
Tin vui đầu tiên đã đến với cuộc triển lãm nói chung và cá nhân họa sĩ Phùng Văn Tuệ nói riêng khi PGS.TS Bùi Quang Thắng thông báo trên trang Facebook cá nhân rằng: 3 bức tranh “Vô đề 1”, “Vô đề 2”, “Vô đề 3” của họa sĩ Phùng Văn Tuệ đã được một nhà sưu tập chọn mua với giá 22 triệu đồng/bức.
NGUYỄN VIỆT