Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh cho biết sẽ xem xét xử lý hoa hậu Phương Lê vì sửa lời Quốc ca khi livestream, gây dư luận ồn ào.
Giữa tháng 8, trong buổi livestream trò chuyện với khán giả, Phương Lê sửa câu đầu của Quốc ca, hát với giọng đùa cợt. Nhiều khán giả bức xúc, nhận xét hành vi của cô thiếu chuẩn mực.
Trong cuộc họp thường kỳ tại Trung tâm Báo chí TP Hồ Chí Minh chiều 22/8, bà Võ Thị Thu Sương - Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông - cho biết đang phối hợp các cơ quan chức năng làm việc với bà Lê Thị Hậu Phương (tức hoa hậu Phương Lê). "Chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý theo đúng quy định pháp luật đối với sự việc liên quan bà Phương", đại diện sở cho biết.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vốn có văn bản hướng dẫn sử dụng Quốc ca. Theo đó, tác phẩm được sử dụng trong các buổi lễ chào cờ tại công sở nhà nước, trường học, nghi lễ sinh hoạt chính trị, lễ hội quốc gia, sự kiện thể thao cấp nhà nước và quốc tế...
Việc sử dụng Quốc ca không đúng hướng dẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 351 Bộ luật Hình sự năm 2015. Người cố ý xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Tiến quân ca ra đời tháng 10/1944, khi nhạc sĩ Văn Cao mới 21 tuổi. Ngày 22/12/1944, bài hát được sử dụng làm bài ca chính thức của 34 chiến sĩ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Ca khúc được chọn làm Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa năm 1946. Đến nay, nhạc phẩm đồng hành dân tộc Việt Nam trong suốt quá trình đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước cũng như trong thời kỳ hòa bình, xây dựng phát triển và bảo vệ Tổ quốc, được nhiều thế hệ ca sĩ biểu diễn ở các sự kiện long trọng.
Hôm 16/8, Phương Lê xin lỗi về sự việc, cho rằng không cố ý chế lời hay xúc phạm Quốc ca. "Tôi xin lỗi mọi người vì đã gây ra sự khó chịu này và sẽ rút kinh nghiệm để không dùng từ ngữ gây hiểu lầm về sau", cô nói. Phương Lê cho biết sẵn sàng phối hợp với cơ quan chức năng để làm rõ vấn đề.
Phương Lê, 45 tuổi, quê Trà Vinh, được biết đến khi đoạt Á hậu Doanh nhân người Việt thế giới 2016. Năm 2017, cô đăng quang Hoa hậu Quý bà hòa bình thế giới. Ngoài hoạt động showbiz, cô là vlogger ẩm thực, có kênh YouTube riêng.
Liên quan đến ồn ào Phương Lê, nghệ sĩ cải lương Vũ Luân cũng bị chỉ trích khi ngồi cạnh cô trong buổi livestream. Trên fanpage Chuông vàng vọng cổ 2024, nhiều khán giả đề nghị anh rời khỏi vị trí giám khảo mùa giải năm nay. Chiều 22/8, đại diện chương trình cho biết nghệ sĩ Vũ Luân đã rút khỏi chương trình vì "lý do cá nhân", Ban tổ chức mời nghệ sĩ Kim Phương thay thế.
Thời gian qua, theo nhà quản lý, nhiều sao cố tình tạo scandal, chấp nhận bị phạt để thu hút chú ý livestream, bán hàng. Ông Nguyễn Thanh Hòa - Trưởng Phòng Thông tin điện tử, Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh - cho rằng tình trạng này xuất phát từ mô hình "kinh doanh dựa trên sự chú ý". Người nổi tiếng nghĩ ra một sự kiện gây sốc, sau đó lập ra hai nhóm fan và anti-fan, để hai đối tượng tranh cãi. Tiếp đó, họ tìm luật sư, làm việc với cơ quan chức năng, chấp nhận đóng phạt hành chính, rồi tiếp tục livestream bán hàng. Sắp tới, cơ quan chức năng sẽ làm việc, xử lý từng vụ việc cụ thể để răn đe.
TB (theo VnExpress)