Sáng 31.5, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Theo Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đây là dự án Luật khó, chuyên môn sâu. Việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật đã được tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng trên cơ sở xem xét, đánh giá toàn diện tác động của chính sách, bám sát và kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Những vấn đề đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh, có sự thống nhất cao sẽ quy định trong Luật. Những vấn đề mới, chưa được kiểm nghiệm hoặc cần phải có sự điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn, Luật xác định một số nguyên tắc chung để giao Chính phủ quy định chi tiết.
Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 103 điều của Luật Sở hữu trí tuệ (tăng 10 điều so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2), có 12 điều chỉ sửa đổi, bổ sung về kỹ thuật, bãi bỏ một số quy định tại 05 điều; đồng thời sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giá, Luật Hải quan, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Quang cảnh phiên họp sáng 31.5
Một điểm đáng chú ý là dự thảo Luật không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ (để chuyển sang chỉ giải quyết theo trình tự, thủ tục tố tụng dân sự như một số ý kiến đề nghị).
Ủy ban Pháp luật cho rằng, ưu điểm của việc xử lý vi phạm bằng biện pháp hành chính là hồ sơ, thủ tục đơn giản, nhanh chóng, chi phí thấp nhằm kịp thời ngăn chặn, chấm dứt hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ trật tự quản lý hành chính nhà nước trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Biện pháp này có tính chất, phạm vi áp dụng riêng và không loại trừ quyền của các bên khởi kiện ra Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự để yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây ra.
Việc chuyển một số hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp sang chỉ giải quyết theo trình tự, thủ tục tố tụng dân sự sẽ kéo dài thời gian, gây tốn kém chi phí, làm giảm sức thu hút và khả năng cạnh tranh của môi trường đầu tư kinh doanh, đồng thời có nguy cơ dẫn đến gia tăng các hành vi vi phạm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
Liên quan đến việc bổ sung quy định Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca trong dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, Chính phủ đề nghị bổ sung sửa đổi khoản 2 Điều 7 của Luật Sở hữu trí tuệ quy định: “Việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca theo quy định của pháp luật; tổ chức, cá nhân thực hiện quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca”.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca nước Việt Nam đã được quy định tại Điều 13 của Hiến pháp năm 2013. Điều 351 của Bộ luật Hình sự, Điều 16 của Luật An ninh mạng đã có quy định cụ thể về xử lý tội phạm, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm trong việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ
Việc tiếp tục hoàn thiện quy định của pháp luật về việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca là rất cần thiết. Từ đó, đáp ứng yêu cầu vừa bảo đảm sự tôn nghiêm của các biểu tượng quốc gia trong đời sống xã hội, vừa bảo đảm quyền thụ hưởng của người dân.
“Do đó, để bảo đảm phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật cũng như nội dung và phạm vi quy định của Điều 7 (Giới hạn quyền sở hữu trí tuệ), đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý khoản 2 Điều 7 như sau: “Việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ không được xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và quy định khác của pháp luật có liên quan. Tổ chức, cá nhân thực hiện quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca”, ông Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hoàng Thanh Tùng, việc không kiểm soát an ninh đối với sáng chế “được tạo ra một phần tại Việt Nam” là chưa bảo đảm chặt chẽ, dễ bị lợi dụng. Quy định “sáng chế thuộc các lĩnh vực kỹ thuật có tác động đến an ninh, quốc phòng” có phạm vi rất rộng, nếu không quy định cụ thể sẽ gây khó khăn cho chủ thể phát minh sáng tạo. Do đó, đề nghị bổ sung kiểm soát đối với “sáng chế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội” để bảo đảm phù hợp với quy định tại điểm a khoản 7 Điều 7 của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, biện pháp kiểm soát an ninh được quy định trong dự thảo Luật là biện pháp bổ sung bên cạnh quy định của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước nhằm kiểm soát việc đăng ký các sáng chế có khả năng được xác định là sáng chế mật ra nước ngoài theo cơ chế sáng chế thông thường.
Việc xác định phạm vi kiểm soát an ninh đối với sáng chế cần phải được cân nhắc kỹ để tránh ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học, công nghệ. Tránh ảnh hưởng giữa tổ chức, cá nhân nước ngoài với Việt Nam, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy chuyển giao công nghệ vào Việt Nam. Hơn nữa, việc này không nên quy định cứng trong Luật mà cần được điều chỉnh linh hoạt bằng văn bản dưới Luật theo từng thời kỳ, sẽ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
“Trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng: chỉnh lý khoản 1 Điều 89a để xác định các nguyên tắc và phạm vi kiểm soát an ninh đối với sáng chế và giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này (khoản 2 Điều 89a); việc xử lý đơn đăng ký đối với sáng chế mật được thực hiện theo quy định của Chính phủ (khoản 3 Điều 108)”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ.
Theo VOV