Chiều 10.7, các đại biểu HĐND tỉnh chia 4 tổ thảo luận. Vấn đề hỗ trợ nông dân sản xuất nông sản sạch được nhiều đại biểu quan tâm.
Đại biểu Phạm Mạnh Hùng (Nam Sách). Ảnh: Thành Chung
500m2 nhà màng, nhà lưới/huyện là quá thấp
Đại biểu Phạm Mạnh Hùng (Nam Sách) đánh giá mức tăng trưởng ngành nông nghiệp của tỉnh 6 tháng đầu năm 2018 sau nhiều năm tăng trưởng thấp, thậm chí tăng trưởng âm. Trong đó, cây vụ đông, chăn nuôi, cây vải mang lại hiệu quả kinh tế khá. Theo đại biểu Hùng, để sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, tỉnh cần tiếp tục quan tâm hơn nữa đến hỗ trợ bà con nông dân.
Theo đại biểu Hùng, đề án của tỉnh về sản xuất hàng hóa tập trung nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững được triển khai từ năm 2016 đang phát huy hiệu quả rất tốt. Mô hình sản xuất nông nghiệp bằng nhà màng, nhà lưới mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Tuy nhiên, mức hỗ trợ của tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu. Mỗi năm, tỉnh chỉ bố trí kinh phí hỗ trợ mỗi huyện 500m2 nhà màng, nhà lưới với mức 100.000 đồng/m2 nhà màng và 500.000 đồng/m2 nhà lưới là quá thấp. Chỉ tính riêng năm 2017, nông dân Nam Sách đã phát triển tới 3.000m2 nhà màng, nhà lưới. Đến nay, toàn huyện có 30.000m2 nhà màng, nhà lưới. Đại biểu Hùng đề nghị tỉnh cần hỗ trợ nhiều hơn nữa cho nông dân sản xuất nông nghiệp sạch, mang lại hiệu quả kinh tế cao, qua đó khắc phục tình trạng nông dân bỏ ruộng.
Cùng quan điểm với đại biểu Hùng, đại biểu Nguyễn Khắc Toản (Gia Lộc) cho biết nguyện vọng của cử tri và nhân dân đề nghị tỉnh tiếp tục có cơ chế hỗ trợ tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, chất lượng cao. Đại biểu Toản cho rằng sản xuất manh mún, quy mô gia đình như hiện nay kéo theo giá trị thấp do chất lượng nông sản không bảo đảm.
Đại biểu Phạm Thị Thanh Tâm (Bình Giang) nêu thực trạng giá vật tư nông nghiệp tăng khiến chi phí sản xuất lớn. Việc tái đàn lợn chậm vì nông dân vẫn còn lo lắng giá lợn tăng ảo, khó khăn vay vốn. Đại biểu Tâm đề nghị tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Cần có cơ chế khuyến khích, đẩy mạnh công tác nghiên cứu tạo ra những tiến bộ khoa học chuyển giao cho nông dân, sớm đưa ra những cảnh báo về thời tiết để nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất trong tình hình biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng mạnh mẽ.
Đại biểu Phạm Văn Khảnh (Ninh Giang) đề nghị tỉnh cần quan tâm tạo cơ chế tốt hơn cho các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản. Để phục vụ tưới tiêu ở khu vực phía tây của Ninh Giang, đại biểu Khảnh đề nghị tỉnh bố trí kinh phí cải tạo cống Bùi Cao nối liền với hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải. Quan tâm cấp giấy chứng nhận sử dụng đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa để bà con yên tâm sản xuất.
Đề nghị hỗ trợ xi măng làm đường
Đại biểu Nguyễn Khắc Toản (Gia Lộc). Ảnh: Thành Chung
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sẫm (Tứ Kỳ) đề nghị tỉnh tiếp tục hỗ trợ xi măng cho người dân làm đường giao thông nông thôn với cả những xã chưa được hỗ trợ lần 1 và cả những xã được hỗ trợ lần 1 nhưng đường nhỏ hẹp, xuống cấp. Theo đại biểu Sẫm, trước kia, đường nhỏ hẹp phù hợp ở thời điểm đó nhưng đến nay, đường sá vừa xuống cấp lại nhỏ trong khi một độ ô tô, xe máy gia tăng đã không còn phù hợp, cần phải nâng cấp, mở rộng.
Cùng quan điểm với đại biểu Sẫm, đại biểu Phạm Mạnh Hùng đề nghị tỉnh tiếp tục có chính sách hỗ trợ xi măng cho nông dân làm đường, qua đó động viên khích lệ người dân thi đua sản xuất, xây dựng quê hương.
Làm rõ thêm vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Hưng, Giám đốc Sở Tài chính chia sẻ với những khó khăn của các địa phương. Ông Hưng cho biết đề án hỗ trợ 20% xi măng làm đường giao thông nông thôn giai đoạn 2011-2015 của tỉnh hết gần 1.000 tỷ đồng. Mặc dù đề án kết thúc vào cuối năm 2015 nhưng trước đề nghị của các địa phương, năm 2017, tỉnh tiếp tục thực hiện đề án trên. Mỗi năm, tỉnh chi 70 tỷ để thực hiện đề án. Đến nay, tỉnh nợ Công ty Xi măng Phúc Sơn 250 tỷ đồng.
Để chia sẻ khó khăn với tỉnh, ông Hưng đề nghị các địa phương rà soát nếu xã nào chưa được hỗ trợ xi măng đợt 1 thì có danh sách để UBND tỉnh bố trí hỗ trợ còn hỗ trợ đợt 2 để mở rộng đường và làm lại những con đường xuống cấp, trước mắt UBND tỉnh chưa bố trí được kinh phí.
Ngày 11.7, HĐND tỉnh tiếp tục làm việc tại hội trường và bế mạc.
NHÓM PV