Hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp sạch

12/12/2017 19:00

Đại biểu Phạm Mạnh Hùng (Nam Sách), Nguyễn Ngọc Sẫm (Tứ Kỳ) đề nghị tỉnh hỗ trợ nông dân vốn, công nghệ để sản xuất nông nghiệp sạch.

Đại biểu Phạm Mạnh Hùng (Nam Sách)

Thảo luận tại hội trường sáng 12.12 về lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, các đại biểu Phạm Mạnh Hùng (Nam Sách), Nguyễn Ngọc Sẫm (Tứ Kỳ) đề nghị tỉnh cần hỗ trợ nông dân vốn, công nghệ để sản xuất nông nghiệp sạch.

Đại biểu Hùng cho biết, từ năm 2016, UBND tỉnh đã ban hành đề án Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016-2020. Qua đó, đã có nhiều cơ chế hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp, trong đó một số chính sách có hiệu quả rõ như:  hỗ trợ vùng sản xuất hàng hóa gắn với bao tiêu sản phẩm; hỗ trợ hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm cho vừng sản xuất rau màu, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...

Tuy nhiên, theo kế hoạch thực hiện đề án, mỗi năm chỉ hỗ trọ 6.000m2 nhà màng, nhà lưới với mức 100.000 đồng/m2 nhà màng và 50.000 đồng/m2 nhà lưới. Mức hỗ trợ này so với thực tiễn sản xuất còn thấp. Trong khi thực tế nhu cầu của các địa phương không giống nhau, nơi có nhu cầu cao, nơi có nhu cầu thấp. “Năm 2018, huyện Nam Sách có nhu cầu khoảng 4.000m2 nhà màng, nhà lưới, trong khi UBND tỉnh chỉ phân bổ theo kế hoạch có 500m2”, đại biểu Hùng dẫn chứng.

Đại biểu Hùng đề nghị tỉnh cân đối kinh phí, tăng mức đầu tư cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nhất là  nhà màng, nhà lưới. Tỉnh nên rà soát các chính sách trong đề án, nội dung nào còn khó khăn, tính khả thi thấp thì có thể điều chỉnh kinh phí tăng cho hỗ trợ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Cũng liên quan đến sản xuất nông nghiệp, đại biểu Hùng phản ánh, hiện nay các HTX dịch vụ nông nghiệp hoạt động gặp nhiều khó khăn. Việc cấp bù thủy lợi phí được thực hiện theo quy định của UBND tỉnh từ năm 2013. Từ đó đến nay, giá điện đã điều chỉnh tăng 5 lần nhưng mức cấp bù thủy lợi phí vẫn chưa được điều chỉnh khiến nhiều HTX phải bù lỗ, ảnh hưởng đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Một bất cập nữa là, theo Nghị định 67 ngày 10.9.2012 của Chính phủ, các HTX dịch vụ nông nghiệp được phép thu thêm phí dịch vụ lấy nước từ sau cống đầu kênh đến mặt ruộng theo thỏa thuận với tổ chức và người sử dụng nước, song không được vượt quá mức trần do UBND tỉnh quy định. Tuy nhiên, đến nay tỉnh ta vẫn chưa ban hành mức phí này để làm mức trần cho các địa phương thực hiện, đề nghị cần khẩn trương ban hành.

Về vấn đề môi trường, đại biểu Phạm Mạnh Hùng cho rằng việc chưa phân loại được rác thải, các bãi rác luôn trong tình trạng quá tải khiến nguy cơ ô nhiễm môi trường, nguồn nước, không khí luôn hiện hữu. Trong khi đó, việc quy hoạch vị trí các bãi rác không đơn giản, bởi để xa khu dân cư này có thể lại bị gần khu dân cư khác. Vì vậy, cần sớm thực hiện nội dung của đề án, xây dựng các nhà máy xử lý rác thải tập trung có công nghệ cao theo cụm huyện. Cùng với công tác tuyên truyền, cần ưu tiên nguồn kinh phí thực hiện đề án này và có cơ chế thích hợp để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực xử lý rác thải.

 Đại biểu Nguyễn Ngọc Sẫm (Tứ Kỳ)

 Đại biểu Nguyễn Ngọc Sẫm (Tứ Kỳ) đề nghị cùng với việc xây dựng nông thôn mới, trong đó có tiêu chí về tổ chức sản xuất và ở tầm cao hơn là cần quan tâm đầu tư hạ tầng, tạo điều kiện cho tổ chức sản xuất, như quy hoạch các khu tiểu thủ công nghiệp, sản xuất nông nghiệp, bằng cách tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đầu tư chiều sâu vào khoa học  kỹ thuật cho sản xuất nông nghiệp, quy vùng sản xuất nông nghiệp. Lý do, khi sản xuất  nông nghiệp hiệu quả sẽ thu hút được các nguồn lực đầu tư cho NTM.

Đại biểu Sẫm cho biết tình trạng khai thác trái phép cát sỏi lòng sông vẫn diễn biến phức tạp, lòng sông trở nên rất sâu gây sạt lở nhiều diện tích đất nông nghiệp của người dân, nguy cơ ảnh hưởng đến hệ thống đê điều, dòng chảy. Lực lượng cảnh sát đường thủy cần tăng cường kiểm soát xử lý nghiêm các tàu khai thác cát trái phép.


NHÓM PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp sạch