Hiện vẫn còn nhiều học sinh khó khăn ở Hải Dương chưa có thiết bị học tập. Để thực hiện mục tiêu “tạm dừng đến trường, không dừng học”, các cấp, ngành, địa phương cần hỗ trợ những học sinh này.
Nhiều học sinh trong tỉnh do thiếu thiết bị học trực tuyến đang phải đi học nhờ nhà bạn hoặc nhà thầy cô
Nhiều học sinh trong tỉnh vẫn chưa có thiết bị để học trực tuyến, chủ yếu rơi vào những gia đình khó khăn. Quan tâm, hỗ trợ nhóm học sinh này là việc làm rất cần thiết để thực hiện mục tiêu “Tạm dừng đến trường, không dừng học”.
Học nhờ bạn
Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp nên ngay từ đầu năm học 2021-2022, học sinh ở Hải Dương phải tạm dừng đến trường và ở nhà học trực tuyến, trừ học sinh mầm non và lớp 1. Ai cũng hiểu để có thể tham gia học trực tuyến, học sinh phải có máy vi tính hoặc điện thoại thông minh kết nối internet. Đa số cha mẹ học sinh trong tỉnh đã trang bị thiết bị cho con học trực tuyến. Song cũng còn không ít gia đình do hoàn cảnh khó khăn nên chưa mua được thiết bị để con có thể theo học bằng hình thức này.
Gia đình em Vũ Văn T, học sinh lớp 3D, Trường Tiểu học Hà Kỳ (Tứ Kỳ) không thể mua nổi một chiếc điện thoại cũ cho em học trực tuyến vì hoàn cảnh khó khăn. Thầy giáo Phạm Hồng Bắc, Hiệu trưởng nhà trường cho biết toàn trường vẫn còn khoảng 10 học sinh cùng chung cảnh ngộ như em T. Hầu hết các em thuộc diện gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ đi làm ăn xa. “Các em phải sang nhà bạn cùng lớp để học nhờ. Một số khác thì không biết xoay xở thế nào vì bố mẹ ly hôn, ở với ông bà hoàn cảnh khó khăn”, thầy Bắc nói.
Hầu hết học sinh thiếu thiết bị học trực tuyến rơi vào gia đình khó khăn, bố mẹ chưa có điều kiện mua điện thoại thông minh, máy vi tính. Số khác do nhà có 2-3 con cùng học nhưng chỉ có thể mua được 1 thiết bị... Địa phương nào trong tỉnh cũng có học sinh bị thiếu thiết bị học trực tuyến. Theo các số liệu thống kê, huyện Thanh Miện hiện còn 123 học sinh tiểu học và THCS, huyện Tứ Kỳ còn 151 em... chưa có thiết bị học. Để khắc phục tình trạng này, đa phần các em phải đi học nhờ nhà bạn cùng lớp.
Các ngành, địa phương đang có nhiều hoạt động hỗ trợ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn để thực hiện mục tiêu “tạm dừng đến trường, không dừng học”. Trong ảnh: Huyện đoàn Nam Sách tặng quà em Vũ Văn Khoa, học sinh lớp 3B, Trường Tiểu học Nam Hưng
Sớm quan tâm
Học trực tuyến vốn đã nảy sinh nhiều bất cập, khó khăn, nhất là việc tiếp thu kiến thức của học sinh không bằng học trực tiếp. Không có thiết bị học khiến học sinh càng bị thiệt thòi. Mặc dù các cơ sở giáo dục đã có giải pháp in tài liệu, phiếu bài tập gửi về tận nhà cho học sinh không có thiết bị học trực tuyến, tuy nhiên, nhiều giáo viên thừa nhận đây chỉ là giải pháp tình thế để giải quyết vấn đề tâm lý cho học sinh và người thân của các em. Học sinh không có thiết bị học đồng nghĩa không được nghe thầy cô giảng bài, truyền đạt kiến thức. Do đó, dù nhà trường có gửi tài liệu đầy đủ thế nào thì cũng khó giúp các em hiểu và nắm kiến thức cơ bản của bài học.
Dịch Covid-19 tại Hải Dương đang được kiểm soát tốt nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát và lây lan. Học sinh vẫn có thể phải học trực tuyến bất cứ lúc nào. Những học sinh khó khăn cần sớm được quan tâm, hỗ trợ từ chính quyền và cộng đồng xã hội.
TP Chí Linh đã có chủ trương hỗ trợ thiết bị cho học sinh khó khăn, chưa có thiết bị học trực tuyến. Phòng Giáo dục và Đào tạo và Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố đang phối hợp rà soát, thống kê cụ thể từng trường hợp để kịp thời tham mưu hình thức hỗ trợ phù hợp, sớm nhất có thể. Năm ngoái, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố đã huy động xã hội hóa được gần 60 triệu đồng mua 30 chiếc máy điện thoại để hỗ trợ học sinh khó khăn học trực tuyến. Điều đó cho thấy, nếu có được sự quan của các cấp, các ngành liên quan thì việc giải bài toán thiếu thiết bị học trực tuyến hoàn toàn có thể giải quyết được.
Bà Phạm Thị Oanh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cẩm Giàng cho biết phòng đang tính phương án tham mưu cho UBND huyện phát động phong trào quyên góp ủng hộ thiết bị học trực tuyến cho những em học sinh khó khăn. Đó có thể là những chiếc điện thoại thông minh, máy tính bảng, điện thoại đã cũ mà các gia đình không hoặc ít khi sử dụng đến.
Năm ngoái, một số cơ sở giáo dục đã vận động cán bộ, giáo viên, nhân viên có điều kiện quyên góp, ủng hộ những học sinh nghèo mua điện thoại thông minh với giá 2-4 triệu đồng/chiếc để học trực tuyến. Cũng có trường vận động giáo viên có thiết bị cũ, dư thừa không dùng đến cho các em gặp khó khăn mượn tạm. Những giải pháp này khá hữu hiệu, cần được các nhà trường quan tâm để giải quyết khó khăn trước mắt cho các em. Về lâu dài, cần đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa, kêu gọi các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm tham gia ủng hộ.
TIẾN MẠNH