Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, hiện số người lĩnh BHXH một lần tăng hơn so với cùng kỳ năm 2020. Đây là thực tế rất đáng lo ngại.
Gia tăng nhận BHXH một lần
Mới đây, ông Lê Văn Chiến, ngụ ở TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) đã về Hà Nội để làm thủ tục nhận BHXH một lần. Dự kiến, tổng số tiền ông Chiến nhận được chỉ khoảng 56 triệu đồng cho 8 năm làm việc ở một công ty xây dựng tại Hà Nội.
Ông Lê Văn Chiến cho biết, hồ sơ nhận BHXH một lần hiện nay rất đơn giản và nhanh gọn. Trước khi nhận BHXH một lần, người lao động sẽ được cán bộ BHXH tư vấn những lợi ích được và mất khi không tiếp tục tham gia BHXH. Tuy nhiên, do cả gia đình ông Chiến đã chuyển vào TP Hồ Chí Minh sinh sống và ông cũng nghỉ làm hơn 5 năm qua nên ông Chiến không muốn duy trì việc đóng BHXH.
Trường hợp của chị Vũ Thị Mỹ Lan (37 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) tuy không phải chuyển nơi sinh sống và làm việc, nhưng làm công nhân may thì số tuổi lao động lại bị hạn chế nên chị cũng muốn nhận BHXH một lần. Bởi với ngành may, khi ngoài 40 tuổi, công ty đã tìm cách cho lao đông nữ nghỉ việc. Trong khi đó, theo quy định mới, nữ đủ 60 tuổi mới được nghỉ hưu, khi đó sổ BHXH mới có tác dụng.
"Tuy nhiên, chúng tôi không chờ đến lúc đó được. Nếu không rút một lần, hiếm khi công nhân có được chút vốn chi tiêu và tìm kế sinh nhai khác khi nghỉ làm công nhân may. Vì vậy, hầu hết các lao động tại công ty may đều rút BHXH một lần từ sớm", chị Vũ Thị Mỹ Lan nói.
Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, năm 2020 có 860.741 người hưởng BHXH một lần, tăng 53.652 người (tăng 6,65%) so với năm 2019. Trong đó, số người tham gia BHXH tự nguyện hưởng BHXH một lần là 11.868 người, tăng 51,55% so với năm 2019. Đa phần, người hưởng chế độ BHXH một lần (giai đoạn 2016-2020) tập trung ở độ tuổi từ trên 20 tuổi đến đủ 40 tuổi (chiếm 80,9% ).
Theo đại diện của BHXH Việt Nam, nguyên nhân của tình trạng trên là do đời sống khó khăn vì dịch bệnh COVID-19, khiến nhiều người lao động phải rút BHXH một lần để có một khoản tiền chi tiêu, trang trải cuộc sống. Ngoài ra, một số ít người vì lợi ích trước mắt, muốn rút BHXH một lần để có luôn một khoản "tiền tươi". Điều này khiến số người lao động hưởng BHXH một lần, đặc biệt vào thời gian gần đây, tăng lên nhanh chóng. Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều trường hợp khi đã nhận BHXH một lần muốn nộp lại tiền để phục hồi số năm đã tham gia BHXH cho đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng pháp luật về BHXH chưa quy định về trường hợp này.
Người lao động sẽ chịu thiệt
Ông Đỗ Ngọc Thọ, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH Việt Nam cho biết, đây là thực trạng rất đáng lo ngại. Bởi khi rút BHXH một lần, khi về già, người lao động sẽ không được hưởng lương hưu, phải sống phụ thuộc vào con, cháu và xã hội.
Cụ thể, nếu không may bị bệnh, không có thẻ BHYT, người lao động còn phải đối mặt với nguy cơ không chi trả nổi chi phí khám chữa bệnh chỉ sau một lần mắc bệnh, nằm viện thời gian dài, có thể phải đối mặt với tình trạng nghèo đói, kiệt quệ, trở thành gánh nặng đối với gia đình và xã hội.
Vì vậy, ông Đỗ Ngọc Thọ khuyến nghị, người lao động cũng cần cân nhắc kỹ, không nên quyết định hưởng BHXH một lần mà nên bảo lưu thời gian đóng BHXH, khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện để có điều kiện tự đảm bảo cuộc sống và chăm sóc sức khỏe cho bản thân khi về già, hết tuổi lao động.