Vô tình rơi vào cái bẫy "tiêu dùng nhỏ" như việc mua trà sữa hàng ngày cũng có thể khiến hầu bao của nhiều người trống rỗng.
Cách đây không lâu, một blogger nổi tiếng Trung Quốc đã chia sẻ danh sách số lần mua trà sữa trong một năm với 109 lần và tiêu tốn gần 4.000 tệ (14 triệu đồng). "Giá trị một tách trà sữa tích lũy theo thời gian có thể làm rỗng hầu bao mà bạn không hề hay biết", nữ blogger cảm thán.
Cô so sánh một cốc trà sữa 16 tệ có thể mua được 8 chiếc cánh gà, gần 1,5 lạng thịt ba chỉ, 8 gói sữa nguyên chất hay 6 gói khăn ướt. "Không ngờ số tiền mua một cốc trà sữa lại có thể mua được nhiều thứ như vậy trong chi tiêu hàng ngày", blogger kết luận. Cô cũng thừa nhận vì đam mê tiêu dùng nhỏ mà bỏ qua tác động tiềm ẩn đối với tài chính cá nhân.
Đây chính là "hiệu ứng trà sữa" - một hành vi tiêu dùng tưởng như vô hại nhưng lại tiềm ẩn những rủi ro kinh tế. Đó không chỉ là trà sữa, mà còn là cách nhiều người xử lý những chi tiêu nhỏ nhặt hàng ngày của mình.
Triệu phú - người đồng sáng lập AE Wealth Management - David Bach (Mỹ) từng nói "tiêu dùng nhỏ" như bị điều khiển bởi một thế lực vô hình. Mỗi lần chỉ là một khoản nhỏ, nhưng lại tích lũy thành số tiền đáng kể. Bộ não của con người cũng dường như được lập trình để nhắm mắt làm ngơ trước chi phí nhỏ nhưng lại thường xuyên này.
Theo nghiên cứu của giáo sư kinh tế người Mỹ gốc Ấn Abhijit Banerjee, người đoạt giải Nobel kinh tế 2019, nguyên nhân khiến mọi người mãi nghèo là do họ rơi vào "bẫy tiêu dùng nhỏ". Ví dụ mua những chiếc váy nhưng ít khi sử dụng, hoặc khi có đợt giảm giá lại mắc tâm lý sợ bỏ lỡ mà mua những thứ không thiết yếu. Thói quen tiêu dùng không hợp lý không chỉ mang đến khó khăn về tài chính mà khiến nhiều người chìm sâu trong lo lắng và hoảng sợ.
"Thực tế việc mua bán chỉ mang lại niềm vui ngắn hạn, nhưng hệ lụy lâu dài là cảm giác cấp bách vì thiếu tiền và tự trách móc vì không thể kiềm chế", giáo sư nói.
Ở khía cạnh tâm lý, khái niệm tiêu dùng này dần làm xói mòn sự hiểu biết và theo đuổi tự do tài chính của mỗi người, khiến họ bỏ lỡ những cơ hội quan trọng để tích lũy tài sản. Khi đã quen với việc chi tiêu nhỏ một cách thường xuyên và vô thức cũng có thể vô tình bỏ quên việc cải thiện chất lượng cuộc sống.
Cuốn sách về tài chính nổi tiếng "The Millionaire Next Door" từng thống kê, 80% người giàu là tự thân. Hầu hết họ đều dấn thân vào con đường tự do tài chính thông qua việc siêng năng làm việc, tiết kiệm và kỷ luật tự giác.
Theo cuốn sách, suy nghĩ thực sự của người giàu là kiểm soát ham muốn tiêu dùng của họ. Việc liên tục tiêu tiền đồng nghĩa với việc mất quyền kiểm soát cuộc sống. "Chỉ bằng cách nắm chặt tiền trong tay, bạn mới có thể thực sự làm chủ được cuộc sống của mình", cuốn sách viết.
Tỷ phú nổi tiếng Pony Ma, Chủ tịch của Tencent Holdings, "gã khổng lồ" Internet của Trung Quốc từng nói: "Một cuộc sống hạnh phúc sẽ không từ trên trời rơi xuống. Chỉ khi học cách tiết kiệm bạn mới có vốn để hỗ trợ cho tương lai của mình".
Theo Pony Ma, tiết kiệm là tầm nhìn xa và sự khôn ngoan khi lập kế hoạch cho tương lai. Để thoát khỏi "hiệu ứng trà sữa", điều quan trọng là phải nâng cao nhận thức về tài chính cá nhân và kế hoạch dài hạn. Khi mỗi người nhận thức và kiểm soát được hành vi chi tiêu của mình mới đặt được nền tảng vững chắc cho sức khỏe tài chính và tương lai.
Hãy suy nghĩ trước khi mua
Trong cuốn sách "Lối sống tối giản của người Nhật", tác giả Fumio Sasaki đưa ra tiêu chuẩn mua sắm, đó là hãy tự trả lời ba câu hỏi trước khi mua bất kỳ thứ gì đó: "Tôi thực sự cần nó không?"; "Tôi thường xuyên sử dụng nó không?"; "Vật dụng này có thể thay thế được không?"
Suy nghĩ kỹ những câu hỏi này có thể giúp bạn tiết kiệm được nhiều chi phí không cần thiết.
Mua những thứ chất lượng tốt hơn
Hãy suy nghĩ về tình huống này trong cuộc sống: Tôi mua vài bộ quần áo giảm giá ở trung tâm thương mại, sau đó mới nhận ra rằng chúng "có vẻ không hợp với mình"; Tôi bị thu hút bởi những quảng cáo sặc sỡ, tôi mua rất nhiều loại mỹ phẩm có công dụng tương tự nhau nhưng rồi phải bỏ đi vì sử dụng không hết...
Thay vì mua nhiều sản phẩm vì quảng cáo hay, nên cân nhắc chọn mua một sản phẩm tốt nhất phục vụ đủ nhu cầu của bản thân.
Tiêu tiền một cách khôn ngoan
Doanh nhân nổi tiếng Hồng Kông Tan Kah Kee từng nói: "Hãy tiêu hàng chục triệu đô vào những khoản đáng tiêu và tiết kiệm từng xu vào những thứ không cần thiết. Hãy tiết kiệm tiền khi còn có thể bằng cách ngừng chi tiêu tùy hứng".
Chỉ bằng cách tiêu tiền vào nơi nó có thể tạo ra giá trị mới mới có thể bảo đảm sự phát triển trong tương lai.
Thực hiện thử thách 1P
Thử thách 1P là phương pháp tiết kiệm tiền kéo dài một năm, tức 365 ngày. Thử thách yêu cầu người chơi tăng dần số tiền tiết kiệm mỗi ngày trong năm.
Chẳng hạn, trong ngày đầu tiên của năm 2024, tức ngày thứ nhất của thử thách, người chơi bắt đầu để dành một xu. Con số này sẽ tăng lên hai xu vào ngày thứ hai, ba xu vào ngày thứ ba... Cứ như thế, vào ngày cuối cùng của năm, tức ngày thứ 365, số tiền người chơi cần để dành là 365 xu. Tổng cộng sau một năm (tức 365 ngày), bạn sẽ tiết kiệm được 66.795 xu.
Công thức theo thử thách 1P như sau: Số tiền tiết kiệm trong 365 ngày = Số tiền tiết kiệm trong ngày đầu tiên x 66.795.
Trong quá trình thực hiện thử thách 1P, người chơi có thể lập biểu đồ đánh dấu lại hành trình tiết kiệm từng "1 xu" mỗi ngày. Nhờ đó dễ dàng kiểm tra mỗi ngày tiết kiệm được bao nhiêu tiền, cũng như thấy được thành quả quản lý tài chính.
TB (theo VnExpress)