Thị xã Kinh Môn hiện có 6 vùng cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao với quy mô 10 - 50 ha/vùng.
Ông Vũ Xuân Cường ở khu dân cư Vũ Xá (Thất Hùng) trao đổi về quá trình ủ phân bón hữu cơ
Các vùng cây ăn quả đều do các HTX, tổ hợp tác quản lý. Với mục tiêu hàng đầu là “sản phẩm sạch, an toàn”, tại nhiều vùng sản xuất, nông dân đã sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, nói không với thuốc diệt cỏ và thuốc kích thích tăng trưởng.
HTX Sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch Thất Hùng hiện quản lý, hướng dẫn về kỹ thuật và kết nối tiêu thụ cho hơn 60 ha cam, ổi của phường. 15 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, 10 ha sản xuất theo hướng hữu cơ. Sản phẩm cam đưa ra thị trường có bao bì, tem truy xuất nguồn gốc, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm và đang được tiêu thụ khá thuận lợi trên thị trường trong nước. Cam ngọt Vũ Xá Thất Hùng là sản phẩm đầu tay của HTX đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh năm 2021. Năm 2022, HTX tiếp tục đăng ký sản phẩm OCOP ổi Thất Hùng.
Ông Vũ Xuân Cường, thành viên HTX chia sẻ: "Tôi luôn xác định phải sản xuất bằng phương pháp hữu cơ mới bền vững, bởi làm giàu dinh dưỡng cho đất sẽ làm giàu cho mình”. Gần 20 năm gắn bó với cây cam, từ vài chục cây trong vườn, đến nay gia đình ông đã sở hữu 800 cây cam, trong đó có 500 cây cam Vinh, 300 cây cam đường canh. Ưu điểm vượt trội của phương pháp hữu cơ là chất lượng sản phẩm thơm ngon, sạch, an toàn với người tiêu dùng. Sản phẩm cam của gia đình tiêu thụ rất thuận lợi, trừ chi phí đầu tư, lợi nhuận thu về từ 450 đến 500 triệu đồng/năm.
Để có đủ nguồn phân bón hữu cơ, hằng năm, các hộ trồng cam nơi đây hợp đồng với các trang trại chăn nuôi thu mua tích trữ phân gà, phân bò với số lượng lớn, trộn ủ với men vi sinh dùng bạt nilon để phủ kín. Thời gian ủ hoai mục kéo dài cả năm để có chất lượng phân bón đạt chuẩn, an toàn với cây trồng.
Tại xã Bạch Đằng, anh Nguyễn Văn Thuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Sản xuất và kinh doanh nông sản sạch Bạch Đằng cho biết: “Căn cứ vào màu xanh của nhánh cây và số lượng mầm hoa cho thấy năm nay cây thanh long sẽ cho năng suất cao vì sản xuất theo hướng hữu cơ. Đối với cây thanh long, cỏ dại như một người bạn, tạo lớp màng phủ trên bề mặt, giúp giữ ẩm cho đất, khi cỏ được cắt xén sẽ tạo ra nguồn phân hữu cơ giúp cho cây phát triển”.
Hiện HTX đang quản lý chặt chẽ từ khâu chọn giống đến áp dụng kỹ thuật tiến bộ trong toàn bộ quy trình sản xuất. HTX có trên 60 ha được sản xuất theo hướng hữu cơ, trong đó có 11 ha sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Quả thanh long ruột đỏ của HTX đã được dán tem truy xuất nguồn gốc, đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam, đã có mặt trên các sàn giao dịch điện tử và từng bước tiếp cận thị trường xuất khẩu, đang khẳng định hướng đi đúng của HTX.
Trong 3 năm trở lại đây, hơn 43 ha chuối tiêu thuộc vùng bãi bồi ven sông Kinh Môn đã được Tổ hợp tác “Trồng chuối tiêu an toàn” thôn Bãi Mạc, xã Thượng Quận quản lý, hướng dẫn thành viên chăm bón theo quy trình an toàn, nói không với thuốc diệt cỏ và chất kích thích tăng trưởng. Giá trị kinh tế cây chuối tiêu mang lại đã giúp nhiều hộ dân có cuộc sống ổn định. Những mái nhà cao tầng bên cánh đồng chuối xanh mát như một bức tranh thuỷ mặc yên mình.
Để khuyến khích các địa phương phát triển vùng cây ăn quả tập trung theo hướng hữu cơ an toàn, UBND thị xã Kinh Môn đã tập trung thực hiện nhiều chính sách ưu đãi theo các chương trình, đề án. Các xã, phường thực hiện quy hoạch vùng, hỗ trợ kinh phí làm hệ thống giao thông, thuỷ lợi, đường điện, máy bơm nước tưới tiết kiệm, hỗ trợ người dân xây dựng nhà màng, nhà lưới, xây dựng sản phẩm OCOP, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm.
BẢO THANH