Từ nguồn quỹ này, các cấp công đoàn trong tỉnh đã hỗ trợ nhiều người lao động khó khăn tích cực sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống...
Từ nguồn vốn vay của Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, vợ chồng anh Tích, chị Hòa ở xã Thăng Long (Kinh Môn)
đã mở rộng chuồng trại chăn nuôi, giúp kinh tế gia đình phát triển hơn
Thời gian qua, từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm (QGGQVL), các cấp công đoàn trong tỉnh đã hỗ trợ nhiều người lao động khó khăn tích cực sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống. Tuy nhiên, để nguồn quỹ phát huy hiệu quả hơn nữa cần có thêm những cơ chế khác như mở rộng đối tượng cho vay, nâng cao số tiền và thời gian vay vốn...
Tăng thu nhậpThời tiết nắng nóng nhưng với cách bài trí khoa học, chuồng trại xây cao ráo, phía trước là ao nuôi cá, phía sau trồng cây ăn quả cao vượt mái nhà... đã giúp cho gần 30 con lợn nái và thịt của vợ chồng anh Nguyễn Văn Tích và chị Tạ Thị Hòa ở thôn Tống Long, xã Thăng Long (Kinh Môn) vẫn có bầu không khí mát mẻ. Nhìn cơ ngơi của gia đình anh, ngoài số lợn trong chuồng còn gần 4 sào ao nuôi cá có bờ kè chắc chắn, dãy chuồng gà chạy dọc một bên bờ ao và hàng sào ớt, bí, rau màu đang và chuẩn bị được thu hoạch, ai cũng thấy rõ gia đình anh sẽ có một nguồn thu không nhỏ. Để có thành quả ấy là biết bao công sức và vốn liếng của vợ chồng anh, trong đó có sự hỗ trợ một phần từ nguồn Quỹ QGGQVL. Thông qua Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Kinh Môn, anh Tích được vay 20 triệu đồng để phát triển chăn nuôi. Anh là cán bộ xã, mọi việc trong nhà đều do chị Hòa quán xuyến. Tuy nhiên, sau giờ làm việc ở cơ quan, anh lại cùng vợ chăm sóc vật nuôi, cây trồng. Chị Hòa cho biết: "Chăn nuôi tuy vất vả nhưng mang lại thu nhập thường xuyên. Chắc chắn trong thời gian tới khi trả hết tiền vay để đầu tư xây dựng chuồng trại, gia đình tôi sẽ có cuộc sống khá hơn trước rất nhiều".
Không chỉ có vợ chồng anh Tích mà rất nhiều gia đình khác đã nhận được sự hỗ trợ từ nguồn vốn Qũy QGQGVL để vươn lên làm giàu chính đáng. Anh Đỗ Ngọc Thanh ở xã Thanh Sơn (Thanh Hà) từng được vay 10 triệu đồng từ quỹ này, cộng với nguồn vốn tự có của gia đình, anh đã đầu tư xây dựng 7 gian chuồng chăn nuôi với tổng diện tích gần 170 m2. Có chuồng trại đạt tiêu chuẩn, anh mua 2 con lợn nái và 50 con lợn giống về nuôi. Nhờ làm tốt việc chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh nên mỗi lứa lợn xuất chuồng gia đình anh thu lãi khoảng 30 triệu đồng. Anh Nguyễn Văn Vụ, công nhân Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hải Dương cũng từng được vay 15 triệu đồng từ Quỹ QGGQVL. Số tiền này đã giúp gia đình anh mở cửa hàng cung cấp khí ga. Tuy chỉ là nghề tay trái nhưng đã mang đến cho gia đình anh nguồn thu nhập hơn 34 triệu đồng/năm.
Cần linh động hơnTính đến cuối năm 2013, LĐLĐ tỉnh đã triển khai 32 dự án cho 70 hộ vay với tổng số tiền hơn 1,1 tỷ đồng (giải ngân tại Ngân hàng Chính sách xã hội). Nguồn vốn này đã góp phần thu hút 158 lao động tham gia, phát triển kinh tế, trong đó giải quyết việc làm mới cho 86 người. Theo đánh giá của LĐLĐ tỉnh, các cấp công đoàn đã phân bổ nguồn vay đúng quy định, đúng mục đích, đúng đối tượng và có hiệu quả thiết thực đối với người vay. Ông Trần Ngọc Bính, Trưởng ban Chính sách - Pháp luật (LĐLĐ tỉnh) cho biết: "Phần lớn người lao động được vay vốn tập trung đầu tư vào trồng cây ngắn ngày, chăn nuôi lợn, gà, cá... Hải Dương được đánh giá là đơn vị làm tốt, không để xảy ra nợ đọng, mất vốn".
Nhìn vào thực tế hiện nay tỉnh ta đang có hơn 154 nghìn đoàn viên công đoàn, trong đó có rất nhiều người có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, thì số tiền và số người được vay kể trên mới chỉ như "muối bỏ bể". Ngoài ra, việc các đoàn viên chỉ được vay vốn từ 10-20 triệu đồng, thời gian trong vòng một năm như hiện nay cũng bộc lộ nhiều hạn chế.
Để nguồn quỹ thực sự là chỗ dựa, điểm tựa vươn lên thoát nghèo của những người lao động còn khó khăn, thời gian tới, ngoài việc quản lý tốt nguồn vốn, các cấp chính quyền và công đoàn cần có nhiều cơ chế linh động để có thể tăng mức tiền hỗ trợ cho vay, tăng số người được vay, kéo dài thời gian cho vay từ 2 năm trở lên, hỗ trợ về kiến thức liên quan...
Quyết định số 71/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý, điều hành vốn cho vay của Quỹ Quốc gia về việc làm quy định:
Hộ gia đình được vay vốn phải bảo đảm các điều kiện cụ thể sau: phải có hộ khẩu thường trú tại địa phương nơi vay vốn thực hiện dự án; phải bảo đảm tạo thêm tối thiểu ít nhất 1 chỗ làm việc mới; dự án phải có xác nhận của chính quyền địa phương nơi thực hiện dự án. Các gia đình được vay tối đa không quá 20 triệu đồng/hộ. Lãi suất cho vay là 0,5%/tháng, riêng các đối tượng vay vốn là người tàn tật là 0,35%/tháng. Khi lãi suất thị trường thay đổi từ 15% trở lên, Bộ trưởng Bộ Tài chính tham khảo ý kiến của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh lãi suất cho vay.
|
|
NGỌC THANH