Bệnh viện Đa khoa tỉnh triển khai phẫu thuật lấy sỏi thận qua da đường hầm nhỏ từ năm 2017. Đến nay, kỹ thuật này đã được áp dụng thành công trên nhiều bệnh nhân, góp phần giảm tỷ lệ chuyển tuyến.
Sau ca phẫu thuật lấy sỏi thận qua da, chị Bùi Thị Thư ở xã Cẩm Vũ (Cẩm Giàng) cảm thấy tỉnh táo, ít đau, sức khỏe dần hồi phục
Từ năm 2016, các chuyên gia, bác sĩ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) đã chuyển giao kỹ thuật trên cho các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Sau này, các y, bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tiến hành phẫu thuật độc lập.
Trước đây, phần lớn những bệnh nhân mắc sỏi thận được Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiến hành theo phương pháp mổ mở truyền thống. Phương pháp này có nhiều nhược điểm như đường mổ gần 20 cm, làm tổn thương tổ chức cơ, bệnh nhân đau đớn nhiều, thời gian nằm viện và phục hồi sau mổ kéo dài (từ 15-20 ngày), để lại sẹo. Một số trường hợp có sỏi san hô phải mổ nhu mô của thận gây ảnh hưởng đến chức năng thận.
Kỹ thuật lấy sỏi thận qua da khắc phục được những nhược điểm trên. Thực hiện kỹ thuật này, bác sĩ chỉ cần rạch một vết rất nhỏ khoảng 0,5 cm ở vùng lưng để tạo một đường hầm rồi chọc dò vào thận dưới sự hướng dẫn của siêu âm. Lợi thế của phương pháp này là cho thấy cả chiều dài đường đi của kim chọc dò, tránh được các tạng như màng phổi, phổi, lách, ruột vào đến thận nơi có sỏi, sau đó dùng năng lượng laser để tán vụn sỏi. Các mảnh vụn sẽ được hút ra ngoài theo đường hầm đã tạo trước đó. Mỗi ca phẫu thuật trung bình chỉ từ 40-80 phút. Những bệnh nhân được tán sỏi thận qua da không phải chịu nhiều đau đớn vì vết rạch rất nhỏ, hạn chế các biến chứng trong và sau mổ. Phương pháp này giúp xử lý triệt để, không lo sót sỏi, tránh được sẹo xấu. Bệnh nhân phục hồi nhanh sau mổ, thời gian nằm viện chỉ từ 5-7 ngày, sớm quay trở lại làm việc, học tập bình thường. Phương pháp này hầu như không gây ảnh hưởng đến chức năng thận trong khi áp dụng phương pháp mổ mở lấy sỏi, nhất là sỏi san hô có thể làm mất vĩnh viễn từ 20-30% chức năng thận. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, qua thực hiện với hơn 100 bệnh nhân cho thấy tỷ lệ sạch sỏi cao chiếm gần 95%, trong đó sạch sỏi hoàn toàn là 62,6%.
Từ 2 năm trước, chị Bùi Thị Thư (27 tuổi) ở xã Cẩm Vũ (Cẩm Giàng) có triệu chứng đau thắt lưng. Đến khi đau nhiều chị mới đến bệnh viện để khám và phát hiện có sỏi thận. Nhưng lúc này chị đang mang thai, sau sinh lại cho con bú nên không thể thực hiện phẫu thuật. Khi cơ thể đủ điều kiện để thực hiện phẫu thuật, chị đã quyết định chọn phương pháp lấy sỏi thận qua da tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. "Dù chi phí của phương pháp mổ mới này cao hơn nhiều so với mổ mở thông thường nhưng tôi vẫn quyết định lựa chọn. Sau ca mổ, tôi cảm thấy tỉnh táo, sức khỏe ổn định, ít đau", chị Thư nói.
Bác sĩ Nguyễn Duy Đông, Trưởng Khoa Ngoại IV (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: "Trước thực trạng ngày càng nhiều bệnh nhân mắc bệnh sỏi thận, người dân không nên chủ quan trước những cơn đau vùng thắt lưng, rối loạn tiểu tiện như tiểu buốt, tiểu rát... Khi có những triệu chứng này, người dân cần đi khám để phòng ngừa sỏi thận. Một số trường hợp đau nhiều mới đến bệnh viện khám thì kích thích sỏi đã lớn, có thể gây ra suy thận, giãn thận...".
Theo bác sĩ Lê Quang Đức, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bệnh viện sẽ tiếp tục đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ y, bác sĩ, kỹ thuật viên thực hiện thành thạo quy trình kỹ thuật lấy sỏi thận qua da để phục vụ bệnh nhân ngày càng tốt hơn. Hiện nay, chi phí cho một ca phẫu thuật theo phương pháp này còn cao (từ 22-23 triệu đồng) nên trong thời gian tới, bệnh viện sẽ đề nghị để bệnh nhân được hưởng chế độ bảo hiểm y tế.
HUYỀN TRANG