Phong trào sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi đã giúp nhiều hội viên nông dân thoát nghèo, làm giàu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Khu trồng rau trong nhà lưới của gia đình ông Phùng Danh Út ở xã Phạm Trấn (Gia Lộc) cho thu lãi hơn 40 triệu đồng/sào/năm
Đồng hành
Triển khai phong trào SXKD giỏi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp Hội Nông dân. Hoạt động nổi bật là hỗ trợ hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để dần hình thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, gắn với xây dựng thương hiệu nông sản, thực phẩm an toàn. Tiêu biểu như khu trồng rau trong nhà lưới với diện tích 5.000 m2 của gia đình ông Phùng Danh Út ở thôn Nam Cầu, xã Phạm Trấn (Gia Lộc) triển khai từ năm 2017. Hội Nông dân tỉnh đã hỗ trợ 100.000 đồng/m2 nhà lưới cho ông Út. Đến nay, trừ chi phí, gia đình ông Út thu lãi hơn 40 triệu đồng/sào/năm.
Không chỉ hỗ trợ các hộ sản xuất riêng lẻ, nhiều Hội Nông dân còn đứng ra tổ chức sản xuất tập trung, có bao tiêu sản phẩm. Cuối năm 2017, Hội Nông dân xã Nam Tân (Nam Sách) đã trồng thí điểm 1 ha măng tây với 10hộ tham gia. Hội đã đứng ra ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với Công ty TNHH Nông sản Dũng Hà (Hà Nội). Măng tây khi thu hoạch sẽ được công ty này bao tiêu với giá từ 50.000 đồng/kg trở lên. Anh Trần Văn Diên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Tân cho biết: “Chỉ khoảng 2 tháng nữa măng tây sẽ cho thu hoạch. Nếu năng suất cao, chất lượng thì hội sẽ tham mưu với xã mở rộng thêm diện tích trồng”.
Để nông dân nâng cao tay nghề, các cấp hội tích cực tổ chức tập huấn kiến thức, hỗ trợ hội viên áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất. Trong nhiệm kỳ 2013-2018, Hội Nông dân các cấp đã tổ chức hơn 8.500 lớp tập huấn cho hơn 600.000 lượt hội viên. Riêng Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) đã tổ chức gần 150 lớp cho hơn 5.000 lao động nông thôn; mở 629 lớp tập huấn về sử dụng phân bón, nuôi thủy sản, trồng trọt... Nhờ đó, nhiều sản phẩm như vải thiều Thanh Hà, hành, tỏi Kinh Môn, gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn, củ đậu Kim Thành... có năng suất, chất lượng tốt và tiêu thụ thuận lợi. Bà Vũ Thị Mỵ, hội viên Hội Nông dân xã Phạm Mệnh (Kinh Môn) cho biết: “Khi gạo nếp cái hoa vàng được xây dựng nhãn hiệu tập thể, trên các bao bì được in ấn logo, chúng tôi rất mừng. Gạo bán nhanh do có uy tín trên thị trường. Một số doanh nghiệp miền Nam đã liên hệ với chúng tôi để đặt hàng”.
Không chỉ hỗ trợ về kiến thức nông nghiệp, các cấp hội còn đứng ra tín chấp với các tổ chức tín dụng cho nông dân vay hàng nghìn tỷ đồng phát triển kinh tế. Thực hiện dự án "Hỗ trợ nông dân đầu tư cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2012-2015", nông dân trong tỉnh đã được hỗ trợ 603 máy nông nghiệp phục vụ sản xuất.
Thoát nghèo, làm giàu
Tổ liên kết sản xuất gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn ở xã Phạm Mệnh đóng gói sản phẩm để bán đi các nơi
Sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp Hội Nông dân đã tạo điều kiện cho nhiều hội viên hăng hái thi đua SXKD giỏi. Nhiều hộ đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, thu lãi cao, tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Trong nhiệm kỳ 2013-2018 đã có hơn 701.000 lượt hộ đạt danh hiệu hộ SXKD giỏi, tăng 85.599 lượt hộ so với giai đoạn 2007-2011, trong đó có 739 lượt hộ đạt danh hiệu hộ SXKD cấp trung ương. Hiệu quả từ phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi ở tỉnh ta những năm qua góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp, giúp nhiều hộ nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nhờ sản xuất, kinh doanh giỏi nên nhiều hội viên giàu có điều kiện giúp đỡ hội viên nghèo vượt khó. Trong nhiệm kỳ 2013-2018, các cấp hội đã vận động được 79,3 tỷ đồng, hơn 7.500 ngày công lao động giúp hơn 32.000 hộ hội viên nghèo có thêm vốn, vật tư sản xuất. Kết quả, 10.983 hộ thoát nghèo, 901 hộ vươn lên SXKD giỏi.
Không chỉ giúp hội viên phát triển kinh tế gia đình, phong trào nông dân SXKD giỏi còn từng bước nâng cao chất lượng sản xuất nông nghiệp. Từ trong phong trào đã hình thành các vùng chuyên canh nông sản sạch, chất lượng cao, được người tiêu dùng tin tưởng. Ý thức về sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, tài nguyên đất đai của các hộ nông dân ngày một nâng cao.
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp thường gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thời tiết, thiên tai, dịch bệnh, thị trường tiêu thụ nên đòi hỏi các cấp Hội Nông dân cần tiếp tục đồng hành, hỗ trợ đắc lực cho hội viên. Thời gian tới, Hội Nông dân các cấp tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, gắn với xây dựng thương hiệu nông sản, thực phẩm an toàn; khuyến khích các mô hình kinh tế phát triển được tiềm năng, lợi thế của địa phương; tạo điều kiện về vốn vay để nông dân mạnh dạn triển khai những mô hình mới... Hội Nông dân các cấp tiếp tục phát huy vai trò là cầu nối giữa hội viên với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Bên cạnh đó, nông dân cần chủ động tiếp cận các công nghệ mới để áp dụng vào sản xuất, kinh doanh, tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh cao, có chỗ đứng trên thị trường.
THIÊN DI