Nhiệm kỳ qua, công tác luân chuyển cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý được Huyện ủy Thanh Hà quan tâm, thực hiện thường xuyên, qua đó vừa góp phần rèn luyện cán bộ, vừa giúp gỡ khó cho cơ sở.
Đồng chí Nguyễn Dũng Thành, Bí thư Đảng ủy xã An Phượng thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với người dân để kịp thời nắm bắt tình hình (ảnh tư liệu)
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thanh Hà nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ cấp huyện, cấp cơ sở đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Một biện pháp là tăng cường luân chuyển cán bộ từ huyện về cơ sở theo tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Rèn luyện cán bộ
Ông Ngô Đức Vính, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy cho biết trong nhiệm kỳ qua, huyện luân chuyển 8 cán bộ huyện về làm lãnh đạo cấp cơ sở. 2 người đủ thời hạn 3 năm đã chuyển về huyện. Hiện còn 6 người đang tại chức gồm 3 người đảm nhiệm chức Bí thư Đảng ủy, 3 người làm Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã.
Huyện ủy Thanh Hà xác định rõ mục tiêu của việc đưa cán bộ xuống cơ sở là để có thêm kinh nghiệm thực tế, góp phần đào tạo, bồi dưỡng phục vụ cho công tác quy hoạch cán bộ cấp ủy theo chiến lược dài hơi, tránh bị động về công tác bố trí cán bộ nguồn. Huyện cũng xác định việc luân chuyển cán bộ về cấp xã còn để giúp địa phương giải quyết khó khăn về công tác cán bộ trong trường hợp cán bộ lãnh đạo đến tuổi nghỉ hưu, thiếu nguồn cán bộ chủ chốt, không bảo đảm số lượng cấp ủy. Do đó khi điều động, luân chuyển đều phải là người đang giữ chức trưởng, phó trưởng phòng, ban, ngành, đoàn thể và hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian trước khi điều động, luân chuyển. Huyện kiên quyết không đưa cán bộ vi phạm kỷ luật về cơ sở. Thời gian luân chuyển ít nhất 3 năm. Đến nay, tất cả những người được luân chuyển đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Gỡ khó cho cơ sở
Những xã khó khăn khi được tăng cường cán bộ từ huyện về cơ bản đều giải quyết được hạn chế, dần đi vào ổn định, phát triển tốt lên, giúp địa phương tháo gỡ nhiều vấn đề vướng mắc. Các đồng chí cán bộ từng công tác tại huyện đã mang phương pháp làm việc khoa học, hiệu quả hơn về với cơ sở.
Xã An Phượng được hình thành trên cơ sở sáp nhập 2 xã An Lương và Phượng Hoàng. Đây vốn là 2 xã nghèo của huyện, cơ sở vật chất hạn chế, còn nhiều vi phạm về đất đai. Đặc biệt, tình hình Nhà máy Nước sạch Phượng Hoàng rất phức tạp, người dân không đồng thuận nhiều biện pháp mà xã đã thực hiện.
Trước tình hình đó, tháng 11.2019, Ban Thường vụ Huyện ủy đã quyết định điều động, luân chuyển đồng chí Nguyễn Dũng Thành, Trưởng Phòng Tư pháp về làm Bí thư Đảng ủy xã.
Với vai trò là Bí thư Đảng ủy, đồng chí Thành đã tham gia xây dựng các quy chế của Đảng ủy, UBND, phân công công việc cụ thể cho từng cán bộ; chỉ đạo xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; thường xuyên nắm bắt tình hình nhân dân để lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ thực hiện... Với sự chỉ đạo sát sao đó, đến nay nhiều việc khó ở An Phượng đã được tháo gỡ. Cụ thể, những tháng gần đây không còn xuất hiện tình trạng tàu hút cát trộm ngoài bãi sông, không còn việc cán bộ tái phạm xây nhà trên đất 721 như trước. Xã đang tăng cường thu hồi giải phóng mặt bằng quy hoạch khu dân cư mới, thực hiện 2 dự án giao thông nông thôn, xây dựng nhà đa năng và công trình phụ trợ trường học. Cùng với sự hỗ trợ của cấp trên, đến nay tình hình liên quan Nhà máy Nước sạch Phượng Hoàng đang dần được tháo gỡ. Tháng 6 vừa qua, Đại hội Đảng bộ xã An Phượng đã thành công, đồng chí Thành tái cử Bí thư Đảng ủy xã.
Từ tháng 7.2018, đồng chí Phạm Huy Mơ, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy được luân chuyển làm Bí thư Đảng ủy xã Thanh Hải, xã đông dân nhất huyện. Các lĩnh vực đất đai, môi trường, giao thông, tín dụng đều còn hạn chế, thậm chí có lĩnh vực còn có vi phạm chưa được xử lý. Trên cương vị Bí thư Đảng ủy, đồng chí Mơ đã tập trung tìm hướng giải quyết những vấn đề vướng mắc ở địa phương. Năm 2019, Đảng ủy xã đã quyết định 3 công việc đột phá liên quan đến các lĩnh vực như phát triển kinh tế địa phương, bảo vệ môi trường, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức xã kỷ cương, trách nhiệm, vì nhân dân phục vụ.
Đến nay, bộ mặt Thanh Hải đã có nhiều thay đổi. Đây là xã đầu tiên và là duy nhất của huyện hoàn thành đề án "Dồn điền, đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng". 90% số tuyến đường giao thông nông thôn, đường nội đồng được đầu tư, cải tạo, kiên cố hóa. Nợ xấu của Quỹ Tín dụng nhân dân xã đã giảm hơn một nửa so với trước. Tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ xã tốt lên rõ rệt...
PV