Vụ đông xuân năm nay, huyện Thanh Miện trồng 54 ha khoai tây theo mô hình liên kết “3 nhà” (nhà nông, nhà doanh nghiệp và nhà nước) nhằm mở hướng đi mới và nâng cao thu nhập cho người dân.
Liên kết chặt chẽ
Mỗi ha khoai tây ở xã Thanh Giang cho lãi từ 80-100 triệu đồng
Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đất đai, nguồn lao động và giúp nâng cao thu nhập cho người dân, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thanh Miện đã liên kết với Công ty CP Phát triển nông nghiệp vàng (Hưng Yên) phát triển vùng trồng khoai tây tại xã Thanh Giang và thị trấn Thanh Miện. Sau 4 tháng chăm sóc đến nay 54 ha khoai tây đã cho thu hoạch đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo cam kết, các hộ dân tham gia mô hình sẽ được Công ty CP Phát triển nông nghiệp vàng cung ứng giống, hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây khoai tây. Ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân từ 10.000 - 11.000 đồng/kg, cao hơn thị trường từ 1.000 - 2.000 đồng/kg. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thanh Miện sẽ hỗ trợ cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và máy móc, vật tư, thiết bị làm đất và thu hoạch. Trong sản xuất, nếu gặp rủi ro, doanh nghiệp và trung tâm sẽ có chính sách hỗ trợ kịp thời cho nông dân. Ngược lại, nông dân và chính quyền địa phương phải cam kết đồng hành với doanh nghiệp để duy trì liên kết bền vững, lâu dài.
Anh Đinh Văn Kiên, thôn Phù Tải 2, xã Thanh Giang cho biết việc liên kết với doanh nghiệp giúp gia đình ổn định sản xuất, không phải lo về đầu ra. Điều kiện để tham gia mô hình là nông dân phải có đất sản xuất. Sau khi ký kết hợp đồng, phía doanh nghiệp và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện sẽ cung cấp giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và có kỹ sư nông nghiệp đến hỗ trợ sản xuất. “Khi kết thúc mùa vụ, doanh nghiệp thu mua toàn bộ nông sản. Đây cũng là thời điểm mình trả tiền giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chi phí thuê máy móc, vật tư cho họ”, anh Kiên cho biết.
Mặc dù đây là mô hình liên kết trồng khoai tây đầu tiên của huyện nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương và sự vào cuộc tích cực của cơ quan chuyên môn nên toàn bộ diện tích khoai sinh trưởng, phát triển tốt. Đến ngày nay, khoai tây đang được bà con thu hoạch theo đúng kỹ thuật. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, chất lượng củ khoai tây đạt tiêu chuẩn, mẫu mã đẹp. Thu hoạch đến đâu được doanh nghiệp thu mua ngay đến đó, giá bán theo ký kết là 10.500 đồng/kg.
Hiệu quả kinh tế cao
Kỹ sư nông nghiệp hướng dẫn nông dân kiểm tra sâu bệnh và quá trình phát triển của cây khoai
Trên thửa ruộng khoảng 5 ha, gia đình anh Kiên đang khẩn trương thu hoạch khoai để kịp đóng hàng, giao cho doanh nghiệp. Hai máy xới được chạy liên tục để đưa những củ khoai lên mặt luống. Phía sau là hàng chục nhân công đang cặm cụi nhặt, lựa khoai cho vào những bao lớn sẵn sàng đưa lên bàn cân. Nhìn những củ khoai tròn, vàng ươm, anh Kiên vui vẻ cho biết: “Gia đình tôi trồng 5 ha khoai tây theo mô hình liên kết 3 nhà. Năm nay, thời tiết thuận lợi, kỹ thuật chăm sóc đạt chuẩn nên năng suất rất cao. Trung bình mỗi ha thu hoạch được khoảng 16 tấn khoai. Với giá bán 10.500 đồng/kg, sau khi trừ chi phí thì có thể lãi từ 80-100 triệu đồng/ha”.
Do là năm đầu thực hiện mô hình trồng cây khoai tây nên một số hộ ở xã Thanh Giang và thị trấn Thanh Miện còn thiếu kinh nghiệm trong điều tiết nguồn nước, phòng chống dịch bệnh nên ảnh hưởng phần nào đến sản lượng. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, mô hình trồng khoai theo chuỗi liên kết tại huyện Thanh Miện đã thành công, mở ra hướng đi mới cho nông dân trong phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với công nghiệp chế biến. Ông Phạm Đắc Luân, Giám đốc Công ty CP Phát triển nông nghiệp vàng cho biết: “Khoai tây đang có ưu thế lớn trên thị trường vì là nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến nên doanh nghiệp thu mua với số lượng rất lớn. Bà con nông dân cần tuân thủ nghiêm các quy trình kỹ thuật trong gieo trồng và chăm sóc duy trì năng suất cao. Với giá bán ổn định như thời gian qua, 1 ha khoai tây sẽ cho lợi nhuận có thể đạt khoảng 100 triệu đồng/vụ”.
Với hiệu quả kinh tế cao, thời gian tới, huyện Thanh Miện sẽ tiếp mở rộng diện tích trồng cây khoai tây để nâng cao thu nhập cho người dân. Đối với những địa phương đã thực hiện liên kết phát triển vùng nguyên liệu, huyện sẽ tạo mọi điều kiện để tiếp tục triển khai. Các cơ quan chuyên môn sẽ hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao khả năng canh tác cho các hộ dân để làm cơ sở nhân rộng mô hình.
ĐỖ QUYẾT