Khu đất rộng gần 300 ha ở chân cầu Nhật Tân, Đông Anh cơ bản đã sạch để triển khai dự án thành phố thông minh, trong đó có tháp tài chính 108 tầng.
Tòa tháp trung tâm tài chính, dự kiến cao 108 tầng sắp triển khai là điểm nhấn, trọng tâm của dự án Thành phố thông minh phía Bắc Hà Nội. Cả dự án có quy mô hơn 270 ha, tổng vốn đầu tư 4,2 tỷ USD với mục tiêu xây dựng một đô thị mới mang tầm vóc quốc tế tại Việt Nam.
Dự án nằm ngay chân cầu Nhật Tân, phía bên phải theo hướng từ sân bay Nội Bài về trung tâm thành phố, thuộc địa phận ba xã Vĩnh Ngọc, Hải Bối, Kim Nỗ huyện Đông Anh. Vị trí này cách trung tâm thành phố chỉ hơn 10 km, cách sân bay Nội Bài khoảng 16 km và cũng thuận lợi khi di chuyển đến các tỉnh như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh.
Xung quanh dự án đều đã được dựng hàng rào tôn, bên trên có chữ NHSC - viết tắt của chủ đầu tư - Công ty cổ phần tư Phát triển đầu tư phát triển Thành phố thông minh Bắc Hà Nội (North Hanoi Smart City). Đây là liên doanh giữa Tập đoàn BRG và Tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản. Hai bên ký thỏa thuận cùng phát triển siêu dự án này giữa năm 2017. Tháng 7/2018, liên doanh BRG và Sumitomo được cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Sumitomo - tập đoàn đa ngành hơn 100 năm tuổi của Nhật Bản đã có mặt tại Việt Nam từ năm 1995. Doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản đầu tư nhiều dự án như Khu công nghiệp Thăng Long I, II tại Hà Nội và Hưng Yên; tổng thầu xây dựng đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị số 1 TP Hồ Chí Minh, nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, Duyên Hải 3 mở rộng, Phú Mỹ 2-2.
Mặt bằng của dự án hiện nay đã khá sạch. Khu vực này trước đây chủ yếu là đất nông nghiệp nên việc giải phóng mặt bằng thuận lợi hơn so với nhiều dự án khác. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ cung cấp 6 giải pháp thông minh gồm năng lượng, giao thông, quản trị, giáo dục, kinh tế, đời sống.
Tháng 10/2019, nhà đầu tư đã tổ chức lễ động thổ. Tuy nhiên, từ sau đó đến nay, dự án chưa triển khai thêm vì phải chờ điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500.
Đến cuối tháng 7, Hà Nội đã điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết 1/500 dự án với phạm vi điều chỉnh khoảng 140 ha, được chia thành 2 khu vực. Trong đó, khu B được nâng tầng cao công trình từ 25 lên 45 tầng, bố cục lại mặt bằng, hình dáng ô đất. Sau điều chỉnh, quy mô dân số khu B đạt gần 9.900 người, tăng 6.800 người so với trước đây.
Khu A của dự án được quy hoạch diện tích mặt nước 54 ha, tổ chức lại hệ thống cây xanh, đường dạo quanh hồ Phương Trạch, các khu nhà ở thấp tầng. Sau điều chỉnh, dân số khu vực này khoảng 11.200 người, tăng gần 10.500 người so với quy hoạch trước đây.
Bên trong phần đất của dự án được quây rào chắn vẫn còn một số cơ sở nhà nước chưa di dời, vườn cây, khu vực chăn thả gia súc. Trong ảnh là Trường tiểu học Vĩnh Ngọc.
Kế bên đó là trụ sở Đảng uỷ, HĐND, UBND xã Vĩnh Ngọc cũng nằm trong dự án. Trụ sở này nằm trên đường Cầu Ranh - tuyến đường dẫn vào các thôn của xã Vĩnh Ngọc, hồ Phương Trạch gần như chia đôi khu đất dự án thành phố thông minh.
Một số máy xúc, máy ủi san lấp mặt bằng bên trong dự án. Từ đầu năm đến nay, đại diện chủ đầu tư, cũng như Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, cũng bày tỏ mong muốn TP Hà Nội hỗ trợ để dự án sớm triển khai trong năm nay. 2023 là năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản. Hiện tại, chủ đầu tư đang tích cực phối hợp với các đơn vị của TP Hà Nội, hoàn thiện các thủ tục để sớm triển khai dự án này.
Khu nhà dân ở thôn Phương Trạch, xã Vĩnh Ngọc nằm sát với dự án 4,2 tỷ USD. Theo bà Hương, người dân đã sống hơn 50 năm tại thôn này, một số lô đất mặt đường, mặt ngõ giáp ranh dự án đang có mức giá trên 100 triệu đồng mỗi m2, trong ngõ dao động 40-70 triệu đồng một m2. Tuy nhiên, hầu hết chủ các lô đất mặt đường đều không muốn bán vì có tâm lý kỳ vọng giá còn lên cao hơn khi dự án thành phố thông minh này hoàn thành.
Tổ hợp chung cư phía đối diện dự án thành phố thông minh, sát với đường đê tả sông Hồng đang có giá từ 30 triệu đồng mỗi m2. Đây cũng là công trình cao tầng duy nhất ở khu vực quanh dự án 4,2 tỷ USD và cũng là một trong số ít chung cư tại huyện Đông Anh. Trong tương lai, gần khu vực này cũng sẽ có thêm một công viên chủ đề rộng hơn 100 ha, mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng của một ông lớn bất động sản, du lịch trong nước.
HĐND TP Hà Nội đã thông qua đề án thành lập quận Đông Anh hồi đầu tháng 7 và sẽ hoàn thiện trình Chính phủ, Thường vụ Quốc hội vào cuối năm nay. Quận Đông Anh được định hướng phát triển thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ, tài chính, thương mại và giao dịch quốc tế khu vực bắc sông Hồng, đóng vai trò động lực phát triển ở phía bắc Thủ đô.
Theo đồ án quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn 2050 của Hà Nội, khu vực quanh dự án thành phố thông minh sẽ có thêm loạt tuyến đường rộng 40-50 m được mở, giúp tăng tính kết nối với trục Võ Nguyên Giáp và phía trung tâm huyện Đông Anh.
Theo VnExpress