Hệ thống di tích "thay da, đổi thịt"

18/09/2021 15:00

Sau 20 năm thực hiện Luật Di sản văn hóa, hệ thống di tích trong tỉnh đã có những đổi thay rõ rệt, phát huy mạnh mẽ giá trị lịch sử và giá trị các di sản văn hóa.


Công trình lầu đức phật Quán Thế Âm Bồ Tát tọa lạc dưới chân núi Kỳ Lân, cạnh giếng Ngọc được đầu tư xây dựng, hoàn thành tháng 10.2020, tạo điểm nhấn cho quần thể di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc

Quan tâm tu bổ

Năm 2012, khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc được xếp hạng quốc gia đặc biệt và không ngừng được quan tâm đầu tư xây dựng. Ngay khi được xếp hạng quốc gia đặc biệt, khuôn viên đền thờ Nguyễn Trãi và đền thờ Trần Nguyên Đán giai đoạn 2 đã được hoàn thiện. Cũng trong năm 2012, 12 hạng mục đền Kiếp Bạc được tu bổ, tôn tạo. Đền được mở rộng khuôn viên, tu bổ đền chính, nghi môn, tả - hữu thành các, tả hữu giải vũ...

Để tạo ấn tượng cho du khách ngay khi đặt chân đến khu di tích quốc gia đặc biệt, giai đoạn 2013 - 2014, đoạn tuyến từ quốc lộ 37 vào đền Kiếp Bạc đã được xây dựng... Từ đó đến nay, nhiều hạng mục tại Côn Sơn - Kiếp Bạc tiếp tục được tôn tạo, tu bổ giúp cảnh quan khu di tích xứng tầm với vị thế, tiềm năng. Ngày nay về Côn Sơn - Kiếp Bạc, du khách không còn cảm thấy phiền hà trước cảnh người bán hàng chèo kéo, hàng quán kéo dài từ cổng vào tận khuôn viên. Từ năm 2017, hàng quán dịch vụ đã được di dời ra khỏi khuôn viên chùa Côn Sơn. Năm 2020, dãy hàng quán, dịch vụ hai bên đường thần đạo ở Kiếp Bạc cũng được di dời ra vị trí mới.

Theo Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Cẩm Giàng Nguyễn Hồng Hà, trong những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa, đặc biệt là việc rà soát, kiểm kê, quy hoạch và đề nghị xếp hạng các di tích trên địa bàn huyện đã thực sự chuyển biến, đi vào nền nếp và mang lại hiệu quả rõ rệt.

Cẩm Giàng hiện có 255 di tích được kiểm kê đăng ký bảo vệ, gồm 68 đình, 5 đền, 110 chùa, 1 miếu, 10 nghè, 2 quán, 1 di tích cách mạng, 9 nhà thờ Thiên chúa giáo, 2 cầu đá giếng cổ, 18 nhà thờ họ, 29 công trình kiến trúc dân dụng cổ truyền. Đáng kể nhất là Văn miếu Mao Điền - biểu tượng của đạo học xứ Đông. Năm 2002, UBND tỉnh đã thực hiện dự án bảo tồn, tôn tạo với tổng kinh phí trên 8 tỷ đồng. Dự án đã khôi phục các công trình đã mất như đài nghiên, tháp bút, nhà tây vu, gác chuông, gác trống, xây dựng nhà bia tiến sĩ nho học, cầu đá và giếng Thiên Quang, tường bao, đường dạo, vườn hoa... tạo nên vẻ đẹp hài hòa giữa kiến trúc và thiên nhiên. Năm 2005, lần đầu tiên tại đây tổ chức lễ hội truyền thống dựa trên tinh thần chủ đạo tôn vinh truyền thống văn hiến, khai thác tinh hoa văn hóa của các làng xã như lễ chữ xã Bình Minh (Bình Giang), diễn xướng thư pháp Hán Nôm (Câu lạc bộ Hán - Nôm Hải Dương). Năm 2018, Văn miếu Mao Điền, cụm di tích đền Xưa - chùa Giám - đền Bia được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

Phát huy giá trị

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, qua 20 năm thực hiện Luật Di sản văn hóa, Hải Dương đã tổ chức 2 đợt kiểm kê di tích vào các năm 2009, 2017-2018. Toàn tỉnh có 3.199 di tích, trong đó có 655 đình, 185 đền, 1.044 chùa, 282 miếu, 128 nghè...

Tính đến tháng 8.2021, toàn tỉnh có 4 di tích, cụm di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt gồm: khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc (Chí Linh), quần thể di tích An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương (Kinh Môn), Văn miếu Mao Điền và cụm di tích đền Xưa - chùa Giám - đền Bia (Cẩm Giàng); 142 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 244 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Hải Dương đang phối hợp tỉnh Quảng Ninh và Bắc Giang xây dựng hồ sơ khoa học quần thể di tích và danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương) trình UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Lãnh đạo Phòng Di sản (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết qua 20 năm, Hải Dương có 339 di tích được tu bổ, tôn tạo từ nguồn vốn ngân sách tỉnh và chương trình mục tiêu quốc gia với tổng số tiền gần 127 tỷ đồng.

Để bảo tồn, phát huy giá trị hệ thống di tích, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về di sản văn hóa nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các sai phạm trong lĩnh vực di sản văn hóa. Tuyển chọn, xây dựng, đào tạo đội ngũ thuyết minh viên điểm tại các di tích, trước hết là tại các địa điểm di tích có khả năng khai thác phục vụ du lịch...

TIẾN HUY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hệ thống di tích "thay da, đổi thịt"