Di tích

Hệ thống bia ký Hải Dương - Tư liệu lịch sử, văn hóa quý giá

TIẾN HUY 23/11/2023 08:00

Bia ký là thành phần quan trọng, làm phong phú thêm di sản văn hóa của Hải Dương. Nhiều tấm bia đã trở thành bảo vật quốc gia do chứa đựng những tư liệu quý về lịch sử, văn hóa.

img_5148(1).jpg
Côn Sơn Tư Phúc Tự Bi là tấm bia bảo vật quốc gia, gắn với hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bia vào năm 1965 khi Người về thăm Côn Sơn

Tự hào Côn Sơn Tư Phúc Tự Bi

Trong số hàng loạt tấm bia đó, Côn Sơn Tư Phúc Tự Bi là tấm bia duy nhất gắn với hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi Người đọc bia vào ngày 15/2/1965. Giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ác liệt nhất, Bác về thăm Côn Sơn và đã đọc bia. Bác vừa dịch, vừa giảng giải nội dung tấm bia. Hình ảnh Bác Hồ đọc bia đã được nhà thơ Tế Hanh liên tưởng, khi chỉ nhìn vào mắt Bác chăm chú đọc bia, mà như thấy in hình lịch sử.

Văn bia Côn Sơn Tư Phúc Tự Bi trang trí độc đáo, niên đại cụ thể, nội dung văn bia rõ ràng, chứa đựng những giá trị văn hóa, lịch sử, mỹ thuật đặc sắc. Tấm bia đang được Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc lưu giữ. Bia ghi chép cô đọng, súc tích về đợt trùng tu chùa Côn Sơn năm 1607, do thiền sư trụ trì chùa Côn Sơn là Mai Trí Bản chủ trì.

Nội dung văn bia Côn Sơn Tư Phúc Tự Bi có giá trị lớn khi nghiên cứu lịch sử khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn, Thiền phái Trúc Lâm và góp phần nghiên cứu văn hóa, xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XVII. Côn Sơn Tư Phúc Tự Bi được công nhận bảo vật quốc gia đợt 6 ngày 25/12/2017 theo Quyết định 2089/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Làm giàu có hệ thống di sản văn hóa

z4881569785274_8ae9b29c9fc200e31d38a73902803261.jpg
Hệ thống bia ma nhai động Kính Chủ được ví như một bảo tàng đặc biệt tại Việt Nam, lưu giữ bộ sưu tập văn tự Hán Nôm có giá trị độc bản

Cùng với Côn Sơn Tư Phúc Tự Bi, Hải Dương còn có hàng loạt tấm bia mang giá trị lớn về lịch sử, văn hóa, như: bia Thanh Hư Động (chùa Côn Sơn), Thanh Mai Viên Thông tháp bi (chùa Thanh Mai), hệ thống bia ma nhai động Kính Chủ (Kinh Môn), Sùng Thiên tự bi (chùa Dâu, Gia Lộc)...

Trong đó, bia Thanh Hư Động, niên hiệu Long Khánh (1372-1377) thời Trần Duệ Tông được công nhận bảo vật quốc gia sớm nhất (ngày 25/12/2015), theo Quyết định 2382/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Bia Thanh Hư Động gắn với Tư Đồ Trần Nguyên Đán (1325-1390). Khoảng năm 1372-1377, ông xin vua một khu đất ở Côn Sơn, xây dựng một nơi lui về nghỉ ngơi. Nguyễn Phi Khanh ghi lại trong “Thanh Hư Động ký”: “Một tiếng trống vang, muôn người xúm lại, phạt bụi san đồi, thế là suối nguồn được gạn trong, cỏ rác được dọn sạch, phu thợ đủ nghề, xây đắp không nghỉ... tất cả khu đó được gọi chung là Thanh Hư Động”.

Động dựng xong, vua Trần Duệ Tông về thăm, ngự bút đề tặng 3 chữ “Thanh Hư Động” khắc trên bia, hàm ý ca ngợi khu động phủ của Tư Đồ Trần Nguyên Đán là nơi thanh trong, thoát tục như cõi thần tiên. Thế kỷ XV, giặc Minh xâm lược nước ta, khu di tích Côn Sơn bị giặc phá hoang tàn, nhưng tấm bia Thanh Hư Động vẫn còn. Năm 1602, nhà sư Mai Trí Bản đại trùng tu chùa Côn Sơn đã phát hiện ra tấm bia này và đưa về đặt tại chùa Côn Sơn như hiện nay.

Thanh Hư Động là tấm bia thời Trần, có niên đại sớm nhất trong số 16 văn bia hiện còn tại chùa Côn Sơn.

Trong hệ thống bia ký tại Hải Dương không thể không nhắc tới hệ thống bia ma nhai động Kính Chủ, gồm 47 văn bia, có niên đại từ thế kỷ XIV-XX. Hệ thống văn bia này có giá trị nghiên cứu lịch sử địa danh vùng đất huyện Kinh Môn cũng như lịch sử di tích chùa Dương Nham, động Kính Chủ. Thời kỳ kháng chiến chống quân Nguyên - Mông, vua Trần Nhân Tông đóng quân trên núi ngăn chặn mũi tiến công đường thủy của giặc.

Hệ thống văn bia động Kính Chủ lưu giữ bút tích của nhiều danh nhân, nhiều tao nhân mặc khách, các tác giả từ các bậc vua chúa, trí giả, sư sãi, quan lại các cấp đến thợ đá... ghi lại cảm xúc khi đến thăm, trong đó có các danh nhân như: Phạm Sư Mạnh (thời Trần), Lê Thánh Tông, Vũ Cán (thời Lê), Trương Quốc Dụng (thời Nguyễn)…

Xét về giá trị văn bản học của bia ma nhai, với 47 bia được khắc trên vách động thì động Kính Chủ đứng đầu cả nước về phương diện này. Động Kính Chủ là một bảo tàng đặc biệt tại Việt Nam, lưu giữ bộ sưu tập văn tự Hán Nôm có giá trị độc bản, với niên đại chính xác, trong cùng một địa điểm, một không gian xác định.

Trong số 8 bảo vật quốc gia của Hải Dương hiện nay thì có tới 5 bảo vật quốc gia là bia đá. Điều này càng làm nổi bật giá trị của bia ký đối với hệ thống di sản văn hóa mà Hải Dương đang lưu giữ. Đặc biệt những tấm bia ở Côn Sơn, chùa Thanh Mai, hệ thống bia ở động Kính Chủ còn làm sâu sắc thêm hồ sơ di sản mà Hải Dương cùng Quảng Ninh, Bắc Giang xây dựng, đệ trình để UNESCO công nhận Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là di sản văn hóa của toàn nhân loại.

TIẾN HUY
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hệ thống bia ký Hải Dương - Tư liệu lịch sử, văn hóa quý giá