Nếu không có sự can thiệp tích cực thì tỷ số giới tính khi sinh của nước ta có thể tiếp tục tăng lên 125 nam/100 nữ vào năm 2020 và tiếp tục duy trì ở mức này cho đến năm 2030.
Tình trạng này sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của các gia đình, an ninh xã hội và là tai họa cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) sẽ để lại nhiều hệ lụy sâu sắc. Nhiều người quan niệm rằng, nếu bây giờ sinh ra ít gái, nhiều trai thì tương lai bình đẳng giới sẽ tốt hơn, con gái sẽ được coi trọng hơn. Nhưng vấn đề lại hoàn toàn ngược lại, bất bình đẳng giới sẽ ngày càng gia tăng, tỷ lệ tội phạm liên quan đến tình dục sẽ ngày càng cao hơn và trong một chừng mực nào đó, người con gái dễ trở thành món hàng bị buôn bán. Tỷ lệ kết hôn của phụ nữ sẽ sớm hơn, sự tranh giành giữa những người đàn ông để có được người phụ nữ và tỷ lệ phụ nữ tái hôn sẽ cao hơn. Các quốc gia và vùng lãnh thổ MCBGTKS như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan đã phải “nhập khẩu” cô dâu. Và phần lớn trong số phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài đã trở thành cô dâu ở các nước và vùng lãnh thổ nói trên. Đây cũng là điều cảnh báo cho Việt Nam trong tương lai. Tuy nhiên, có thể nhìn thấy rõ rằng, đến khi Việt Nam phải đối mặt với sự thiếu hụt phụ nữ thì chúng ta khó có thể “nhập khẩu” được cô dâu từ nước láng giềng và sẽ đối mặt với vấn đề này khó khăn hơn các nước rất nhiều.
Để giảm thiểu MCBGTKS phải làm từng bước, huy động cả hệ thống chính trị và thực hiện đồng bộ các giải pháp. Các giải pháp này được xây dựng từ những thực tiễn đặc thù của Việt Nam và được đúc kết từ bài học kinh nghiệm các nước. Trong đó phải có chính sách ưu tiên đối với nữ, ưu tiên đối với những gia đình sinh con một bề là gái chứ không chỉ dừng lại ở bình đẳng giới. Cần tăng cường, rà soát sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật, tuyệt đối nghiêm cấm mọi hình thức lựa chọn giới tính. Tuy nhiên, trong tất cả các giải pháp, quan trọng nhất vẫn là truyền thông thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi của người dân. Bên cạnh đó, việc tăng cường cam kết về mặt chính trị phải được đặt lên hàng đầu. Chỉ có ngành y tế và dân số thì không thể đạt được sự thành công trong việc giảm thiểu MCBGTKS nếu không có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Theo Hội KHHGĐ Việt Nam