Dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi vừa rồi, tôi cùng gia đình về thăm một làng quê thuộc xã An Lâm, huyện Nam Sách (Hải Dương).
Mọi người ai cũng vui vì nhìn diện mạo nông thôn đổi mới, đường giao thông đổ bê tông vào tận ngõ, nhà xây hai tầng lát gạch hoa khang trang rất phổ biến. Chúng tôi đến thăm gia đình nào cũng thấy điều kiện sống đã có nhiều cải thiện.
Tuy nhiên, tại gia đình người bác họ xa, chúng tôi chứng kiến một hình ảnh buồn đến rơi nước mắt. Đó là một người mẹ già năm nay đã 95 tuổi, sinh được năm người con, trong đó hai người con trai. Các con của bà cụ đều đã có gia đình riêng yên ổn, cơ ngơi đàng hoàng, nhưng bà cụ lại phải sống một mình trong căn nhà tạm bợ được xây vội, ẩm thấp, hôi hám. Khi chúng tôi đến chơi, chứng kiến tai cụ nghe đã không rõ, mắt mờ đục, chân tay run lẩy bẩy đang ngồi thu lu một mình trên chiếc giường cũ ọp ẹp, chăn màn bừa bãi, nồi niêu bát đũa ngổn ngang, thức ăn rơi vãi lung tung trên nền nhà. Bên cạnh giường ngủ là phòng vệ sinh bốc mùi hôi thối. Bà cụ thấy khách đến chơi mừng lắm, cứ rối rít nắm tay hỏi han từng người. Thật buồn, trong khi cụ sống lay lắt trong căn nhà tạm bợ thì chỉ cách đó vài chục bước chân, các con cháu lại ở trong nhà cao, cửa rộng, đang tưng bừng chuẩn bị đón Tết. Trò chuyện với một số người hàng xóm, chúng tôi được biết, đã nhiều năm nay, con cái không ai nhận chăm sóc bà cụ. Nhất là từ khi cụ ông mất, bà cụ đơn độc sống trong căn nhà cũ, tự túc cơm nước, tắm giặt, chăm sóc bản thân… Chỉ thi thoảng hàng xóm mới thấy con cháu xuống thăm hỏi, đưa đồ ăn cho bà. Ở cái tuổi thượng thượng thọ rồi, già yếu lắm nhưng bà cụ vẫn thường xuyên ăn mì gói, cháo ăn liền bởi không nấu nướng được thức ăn gì. Những khi đêm hôm "trái gió trở trời", bà cụ vẫn phải tự loay hoay phục vụ bản thân trong gian buồng tối om, ẩm thấp. Mới mấy tháng trước, cũng vì đêm dậy đi vệ sinh mà bà ngã gãy chân, phải nằm bẹp cả tháng trời. Xóm giềng ai cũng ái ngại, nhiều người nói xa, nói gần, có khi nói thẳng góp ý với các con của cụ, nhưng họ vẫn mặc kệ. Rồi có khi họ hàng ở xa đến chơi, cho tiền, mừng tuổi bà cụ… mà con cháu còn lận túi kiểm tra. Lúc cụ ông còn sống cũng vậy, hai ông bà cả đời vất vả nuôi dạy đàn con trưởng thành nhưng đến khi già yếu thì lại trở nên neo đơn. Cụ ông khi chưa mất, ngoài 80 tuổi vẫn đi chăn bò, cắt cỏ cho nhà con trai nhưng cuộc sống thì rất kham khổ, vất vả. Thế mà khi cụ ông mất đi, các con cháu lại xây mộ cụ to đẹp, bề thế tốn hàng chục triệu đồng. Đồng thời còn làm sẵn mộ phần cho cụ bà ngay bên cạnh cũng “hoành tráng” không kém.
Rời quê, chúng tôi biếu bà cụ một ít tiền và thùng cháo ăn liền mà cảm thấy xót xa. Không hiểu sao các con của cụ lại có thể để mẹ già sống cơ cực như thế trong khi họ no đủ, đàng hoàng. Người xưa nói: Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể/ Con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày, có lẽ trong trường hợp này không sai. Cuộc sống luôn có luật nhân, quả. Mong sao con cháu của bà cụ sẽ nhận ra sai trái của họ. Xin hãy báo hiếu lúc cha mẹ vẫn còn!
Theo Quân đội nhân dân