Hậu tăng giá xăng dầu: Taxi “sống khỏe”, hành khách chịu thiệt

16/03/2011 05:58

Viện cớ việc xăng tăng giá, các hãng tắc-xi trên địa bàn tỉnh đồng loạt tăng cước. Tuy nhiên giá cước hiện tăng cao hơn giá xăng và một nghịch lý đang diễn ra: Giá xăng dầu càng tăng, doanh nghiệp tắc-xi càng có lợi.


Dù giá xăng dầu tăng tới 30%, song với giá cước tăng bình quân từ 900 đồng
đến 1.000 đồng/km, các hãng taxi vẫn có lợi


Sáng 24-2, giá xăng A92 bất ngờ tăng từ 16.400 đồng lên 19.300 đồng, cao nhất từ trước tới nay. Chịu ảnh hưởng rõ rệt nhất trong đợt tăng giá xăng dầu lần này là dịch vụ vận tải: xe khách, xe buýt, vận tải thủy, taxi (tắc-xi)...

Như một hiệu ứng, ngay sau khi giá xăng tăng, các doanh nghiệp vận tải, trong đó có taxi đã rục rịch tăng giá cước. Sau khoảng 10 ngày, taxi Mai Linh đi đầu trong nâng giá cước, mức tăng bình quân 1.000 đồng/km. Các doanh nghiệp taxi khác trên địa bàn, như: Thành Đông, Rạng Đông, Trường Sinh, Hoàng Minh, Hồng Hải... cũng lập tức tổ chức hiệp thương và đi đến thống nhất tăng cước bình quân 900 đồng/km (tăng khoảng từ 8,3 - 8,5%, tùy loại xe và chất lượng xe).

Một cán bộ chuyên ngành vận tải của Sở Giao thông - Vận tải phân tích: Mức tăng giá cước nói trên vẫn có lợi cho các doanh nghiệp taxi. Bởi lẽ, vận chuyển hành khách trong cự ly khoảng 100km, các taxi chỉ phải bù thêm 30 nghìn đồng chi phí xăng dầu, còn hành khách phải trả thêm cước từ 90 đến 100 nghìn đồng so với trước đó. Trong khi đó, theo quy định của các doanh nghiệp taxi, trên hành trình vận chuyển nếu có thu phí cầu, phà, đường thì hành khách đều tự phải thanh toán. Cũng với cách tính này, nếu mỗi phương tiện một ngày chỉ đi một chuyến cự ly 100km, bình quân sẽ tiêu tốn từ 7 đến 8 lít xăng, tổng chi cho nhiên liệu từ 135.100 đồng đến 154.400 đồng. Với mức cước bình quân từ 9.750 đồng/km đến 10 nghìn đồng/km, mỗi taxi sẽ thu về từ 970 nghìn đồng đến 1 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí xăng dầu, khấu hao phương tiện và lương lái xe, mỗi taxi vẫn nộp được về cho công ty khoảng 600 nghìn đồng. Đây là mức tính bình quân, bởi lẽ hầu như các xe mỗi ngày đều di chuyển nhiều hơn 100km và chiều về tiếp tục bắt khách dọc đường.

Sau mỗi lần tăng cước, các doanh nghiệp taxi đều khẳng định, nếu tiếp tục tăng giá xăng dầu, mức cước vẫn sẽ giữ nguyên, bởi mức cước tăng hiện tại đã tính toán đến điều này. Tuy nhiên, giá cước vận tải thực tế đều “chạy đua” với các lần tăng giá xăng dầu. Đồng thời, khi giá xăng dầu giảm, mức cước vẫn giữ nguyên.

Thời điểm này, ngành giao thông - vận tải đang tiến hành kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp taxi về việc thực hiện tăng giá cước. Yêu cầu các doanh nghiệp này niêm yết giá vé mới, thay đổi chỉ số giám sát giá cước, công-tơ-mét trên mỗi phương tiện. Đồng thời, khuyến cáo các doanh nghiệp tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật để giảm chi phí đầu vào nhằm bảo đảm mức tăng nhưng vẫn hợp lý đối với hành khách.

Có thể nói, dù giá xăng dầu tăng khiến chi phí đầu vào của taxi cũng tăng theo, song với mức cước tăng ở thời điểm hiện tại, các loại taxi vẫn “sống khỏe”, bảo đảm tốt doanh thu doanh nghiệp và thu nhập của người lao động. Có chăng, chịu thiệt từ đợt tăng giá xăng dầu vừa qua chính là người tiêu dùng - những hành khách phải sử dụng taxi làm phương tiện đi lại.

CẨM GIANG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hậu tăng giá xăng dầu: Taxi “sống khỏe”, hành khách chịu thiệt