Tình trạng ô nhiễm nguồn nước và vi phạm tràn lan đang dần "bức tử" kênh Kim Sơn, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, nuôi thủy sản của nông dân ở nhiều địa phương.
Người dân xây dựng công trình trong hành lang bảo vệ bờ kênh Kim Sơn
Là tuyến kênh huyết mạch của hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải nhưng kênh Kim Sơn đang bị “bức tử” vì tình trạng ô nhiễm nguồn nước và vi phạm tràn lan.
Điểm nóng vi phạm
Kênh Kim Sơn qua địa phận Hải Dương có chiều dài 28 km, làm nhiệm vụ dẫn nước tưới tiêu cho các huyện Bình Giang, Cẩm Giàng và TP Hải Dương. Ngoài ra, với vai trò là xương sống của hệ thống Bắc Hưng Hải, tuyến kênh này còn dẫn nước tạo nguồn cho những kênh nhánh khác để phục vụ sản xuất. Dù vậy, thời gian qua kênh Kim Sơn bị xâm phạm nghiêm trọng cả ở hành lang bảo vệ lẫn lòng kênh. Người dân lấn chiếm để phục vụ mục đích cá nhân đã làm méo mó, biến dạng dòng kênh, làm giảm tuổi thọ công trình, ảnh hưởng tới năng lực tưới tiêu.
Xã Vĩnh Hưng (Bình Giang) là một trong những điểm nóng vi phạm kênh Kim Sơn. Tại đây có nhiều vi phạm nhưng chủ yếu là xây dựng công trình áp sát mái kênh. Không chỉ dựng chuồng trại chăn nuôi, nhà ở mà người dân còn xây cả dãy nhà trọ, xưởng sản xuất. Thậm chí khi đã lấn chiếm khu đất bãi, có hộ còn đóng cọc, đổ cát san lấp ra phía lòng kênh để chiếm dụng. Gia đình bà Phạm Thị Thu ở thôn Vĩnh Lại cũng xây tường bao, trồng cây trong phạm vi hành lang bảo vệ bờ kênh. Bà cho rằng đây là phần đất ông cha để lại nên được quyền sử dụng. Những bất cập trong việc phối hợp quản lý, xử lý vi phạm đã làm cho việc khắc phục hậu quả không những không hiệu quả mà còn làm gia tăng vi phạm trên tuyến kênh chính này.
Trên tuyến kênh Kim Sơn hiện có hàng trăm vi phạm, từ cơi nới để đào ao, lập vườn, làm lều quán, lán tạm đến xây dựng công trình kiên cố. Vi phạm cũ chưa được xử lý dứt điểm, vi phạm mới lại phát sinh khiến việc quản lý gặp nhiều khó khăn. Theo ông Vũ Nhị Châu, Trưởng Phòng Quản lý công trình (Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải), vi phạm trên kênh Kim Sơn nhức nhối và phức tạp hơn cả. Nhiều vi phạm lớn đã tồn tại từ lâu nên rất khó xử lý triệt để, đe dọa đến an toàn của toàn hệ thống.
Nước kênh Kim Sơn có màu đen (ảnh chụp chiều 5.1)
Điểm đen ô nhiễm
Không những phát sinh nhiều vi phạm, gây mất an toàn hệ thống mà chất lượng nước kênh Kim Sơn còn đang ở mức đáng báo động. Mức độ ô nhiễm tại đây được Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường đánh giá cứ năm sau lại cao hơn năm trước, nhất là trong khoảng thời gian từ tháng 12 năm trước đến tháng 5 năm sau. Đây là giai đoạn hệ thống Bắc Hưng Hải chỉ trữ nước, không có nguồn thay thế trong khi xả thải diễn ra thường xuyên đã khiến nguồn nước ô nhiễm nghiêm trọng. Trước áp lực của công nghiệp hóa, nếu không có giải pháp đồng bộ, hữu hiệu thì ô nhiễm nguồn nước được dự báo sẽ ngày càng trầm trọng hơn. Hải Dương là tỉnh nằm cuối nguồn hệ thống Bắc Hưng Hải, kênh Kim Sơn là tuyến kênh đầu tiên tiếp nhận nguồn nước từ thượng nguồn về. Do đó, mức độ ô nhiễm tại đây cũng nặng hơn. Nước kênh Kim Sơn thường có màu đen đặc, nhiều đoạn kênh bốc mùi hôi thối nồng nặc, cá chết nổi trên mặt kênh. Đặc biệt, ô nhiễm nguồn nước thường xảy ra từ khi đổ ải đến lúc tưới dưỡng lúa nên ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp.
Nếu như trước đây, nước kênh Kim Sơn được người dân xã Cẩm Đoài (Cẩm Giàng) sử dụng nuôi cá thương phẩm thì hiện tại lại trở thành nỗi lo. Nước kênh ô nhiễm, xử lý bằng hóa chất vẫn đục ngầu khiến cá dễ bị nhiều bệnh. Nhiều hộ phải đào giếng khoan để lấy nước nuôi cá. Ông Vũ Văn Hạnh, Chủ tịch UBND xã cho biết nước tưới cho trồng trọt, chăn nuôi của địa phương chủ yếu lấy từ kênh Kim Sơn. Tuy nhiên, chất lượng nước ở kênh này ngày một đi xuống khiến người dân phàn nàn. Xã có truyền thống nuôi cá, người dân có thu nhập cao từ hướng sản xuất này. Nếu nguồn nước kênh Kim Sơn không được cải thiện sẽ ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất của các hộ dân.
Những năm gần đây, nhiều thời điểm một số trạm bơm ở các huyện Cẩm Giàng, Bình Giang phải “đắp chiếu” do nước kênh Kim Sơn ô nhiễm dù nhu cầu nước tưới của người dân rất cấp bách. Theo đại diện Tổ Quản lý trạm bơm Cầu Sộp (Bình Giang), nguồn nước kênh Kim Sơn phục vụ tưới cho hơn 2.200 ha thông qua trạm bơm điện và cống tự chảy. Có lúc, nước trong kênh nhiều song cũng không thể lấy vì ô nhiễm. Nước bơm lên nổi bọt trắng xóa nên ai cũng e ngại, còn nếu trì hoãn thì lỡ lịch thời vụ. Trong khi đó, khu vực này không có nguồn nước bổ sung, phải chờ thau rửa hệ thống, đợi nước từ thượng nguồn về hoặc lấy nước ngược nên rất bị động.
Ngày 5.1, chỉ sau 1 ngày các hồ thuỷ điện xả nước đổ ải thì nước kênh Kim Sơn chuyển sang màu đen đặc, mùi tanh nồng. Đơn vị phải đóng cửa cống, không lấy nước từ kênh để trữ vào các kênh dẫn nhánh. Nếu không có giải pháp sớm khắc phụ thì việc đổ ải sẽ bị gián đoạn vì nước ô nhiễm.
DŨNG CƯỜNG