Hấp dẫn nhưng còn rủi ro

13/02/2014 05:41

Kinh doanh online thu hút nhiều tiểu thương, nhất là các bạn trẻ. Tuy nhiên, hình thức kinh doanh này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả người bán và người mua.



Siêu thị điện máy Phương Đông bán hàng online gần 2 năm nay


Nở rộ shop online

Không phải tốn chi phí thuê mặt bằng, thuê nhân viên hay chi trả tiền điện, nước mỗi tháng là những lý do để chị Nguyễn Thị Giang ở ngõ 28 phố Tam Giang (TP Hải Dương) quyết định mở shop bán hàng quần áo trên mạng. Chị Giang cho biết: "Năm 2011, tôi mở shop quần áo công sở Ngân Giang trên phố Trần Hưng Đạo, TP Hải Dương. Mỗi tháng tôi phải trả 3 triệu tiền thuê mặt bằng, gần 2,5 triệu thuê nhân viên bán hàng và gần 1 triệu đồng tiền điện, nước trong khi doanh thu từ bán quần áo mỗi tháng chỉ được từ 8-10 triệu đồng. Chi phí cao khiến chúng tôi không duy trì cửa hàng bán quần áo này nữa. Tháng 2-2012, tôi quyết định mở shop online tại địa chỉ haiduongcity.jaovat.com. Hiện nay, shop online của chúng tôi bình quân bán được gần 100 bộ quần áo và phụ kiện đi kèm mỗi tháng, lãi khoảng 5 triệu đồng".

Tết Giáp Ngọ vừa qua cũng là dịp Thanh Hương, sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương kiếm thêm tiền nhờ bán đặc sản qua mạng. Thanh Hương cho biết: "Tết năm nay tôi cùng 2 người bạn khác ở Kinh Môn giới thiệu và bán các đặc sản của Hải Dương như: bánh đậu xanh, bánh gai, gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn trên Facebook. Bằng cách lập fanpage riêng và tạo các sự kiện bán hàng nổi bật hoặc đánh dấu tên bạn bè vào phần rao bán của mình, chúng tôi đã khá thành công khi có rất nhiều người đặt mua hàng. Tết vừa rồi, chúng tôi bán được khoảng 80 kg gạo nếp, 20 lít rượu và 200 hộp bánh đậu. Tuy số lượng bán được chưa nhiều nhưng như vậy cũng là khá thành công. Chúng tôi dự định cuối tháng 2 này sẽ lập shop online "Đặc sản Hải Dương".

Kinh doanh online cũng thu hút nhiều người mua quan tâm, nhất là dân công sở. Chị Hạnh, nhân viên Vietcombank Hải Dương cho biết: "Tết vừa rồi bận chạy chỉ tiêu nên tôi không có nhiều thời gian đi mua sắm. Một số sản phẩm thay vì phải đến chợ mua tôi đã vào mạng tìm kiếm và đặt hàng online. Chỉ cần ngồi ở văn phòng và nhấn chuột là tôi có thể tham khảo và chọn được vài món hàng cần thiết".
Theo giới kinh doanh, ưu điểm lớn nhất của việc buôn bán qua mạng là không mất nhiều chi phí quảng cáo trong khi đó thông tin về sản phẩm được cập nhật liên tục, hình ảnh sinh động. Đặc biệt, trong điều kiện số lượng người dùng in-tơ-nét ngày càng nhiều thì kinh doanh trên mạng sẽ ngày càng hấp dẫn.

Tiềm ẩn rủi ro

Mặc dù kinh doanh qua mạng khá nhiều tiện ích nhưng không ít khách hàng ngại ngần khi mua hàng. Chị Nguyễn Thị Là ở khu đô thị An Phú mở rộng, khu đô thị mới phía tây TP Hải Dương bức xúc: "Vừa rồi tôi vào mua quần áo tại một fanpage là Chip shop. Sau một hồi tham khảo giá cả và kiểu mẫu tôi đã đặt mua một chiếc váy sọc ngang, thắt nơ ngang eo với giá 300 nghìn đồng. Chỉ 1 ngày sau đã có người mang hàng đến tận nhà cho tôi. Thế nhưng chiếc váy mang đến cho tôi lại khác nhiều so với những gì quảng cáo trên mạng. Chiếc váy được quảng cáo là chất liệu cô-tông nhưng chiếc giao cho tôi lại pha ni-lông; ngoài ra, váy còn bị nhiều lỗi khác như đường may cẩu thả và không có nơ thắt ngang eo như hình ảnh quảng cáo. Sau một hồi trao đổi, người bán đã đồng ý nhận lại hàng và trả lại tiền cho tôi. Mặc dù đã được hoàn lại tiền nhưng tôi vẫn không thấy thoải mái vì bán hàng không uy tín như thế mất rất nhiều thời gian và niềm tin của người mua hàng".

Không chỉ với người mua, việc kinh doanh qua mạng cũng có nhiều rủi ro với người bán. Bạn Hương, bán quần áo tại địa chỉ haiduongvui.vn cho biết: "Có lần giao hàng tại phố Quang Trung, mãi tôi mới tìm được nhà. Khi đến nơi bố mẹ người đó lại không cho mua hàng nữa nên tôi đành chấp nhận mang hàng về, vừa mất công lại mất thời gian. Có lần khách hàng gọi điện đặt mua hàng với số lượng lớn nhưng khi đến giao hàng thì chủ nhà lại khẳng định là không hề đặt mua hàng còn tôi phải mất chi phí để thuê người chở hàng".

Thực tế cho thấy việc bán hàng trên mạng đã mang lại lợi ích cho cả người mua và người bán. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất hiện nay đối với việc mua, bán hàng qua mạng là người mua không thể xác nhận được người bán hàng cho mình là ai, nguy cơ mua phải hàng không đúng yêu cầu. Các cơ quan chức năng khó kiểm soát chất lượng sản phẩm... Ông Nguyễn Lương Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) cho rằng: "Từ ngày 1-1-2014, cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) dưới các hình thức website TMĐT bán hàng, website cung cấp dịch vụ TMĐT và các loại hình website khác do Bộ Công thương quy định nếu không đăng ký, thông báo sẽ bị xử phạt theo Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó, chủ website điện tử bán hàng của một doanh nghiệp hoặc sàn giao dịch điện tử mua bán hàng hóa, hoặc sàn giao dịch điện tử của nhiều doanh nghiệp, phải đăng ký với Bộ Công thương mới được đưa website vào hoạt động. Như vậy, việc quản lý hệ thống kinh doanh này sẽ chặt chẽ và quyền lợi người tiêu dùng được bảo đảm hơn". Ngoài ra, muốn mua hàng trên mạng người tiêu dùng nên mua ở những địa chỉ có uy tín. Khi thanh toán nên chọn công cụ “thanh toán tạm giữ” để bảo đảm chỉ khi nhận được hàng đúng mô tả, người bán mới có thể rút tiền.

HẢI MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hấp dẫn nhưng còn rủi ro