Hạnh phúc trong những gia đình không cùng dòng máu

23/12/2018 22:18

Trong cuộc sống có nhiều gia đình vì nhiều lý do khác nhau đã nhận những đứa trẻ không cùng dòng máu làm con, nuôi nấng bằng cả tấm lòng...

Bà S. vui cùng cháu nội

Trao gửi yêu thương

Dù không mang nặng đẻ đau, nhưng nhiều gia đình khi nhận con nuôi đã dành cho con tất cả tình cảm, những điều tốt đẹp nhất có thể. Sự chăm sóc ấy không khác gì dành cho con đẻ, thậm chí còn vất vả hơn gấp bội bởi những người mẹ nuôi không có sẵn dòng sữa để cho con.

Hơn 50 năm trước, bà Nguyễn Thị S. (sinh năm 1945) ở xã Thượng Đạt (TP Hải Dương) nhận tin chồng hy sinh ở chiến trường. Ít lâu sau, biết có một gia đình cùng làng vì hoàn cảnh khó khăn không nuôi được đứa con gái 8 tháng tuổi, bà S. động lòng thương cảm. Dù biết mình còn thiếu thốn, vất vả nhưng thương đứa trẻ còn nhỏ không biết sẽ rơi vào hoàn cảnh nào nên bà S. xin nhận về nuôi. Cảnh “mẹ góa con côi” bao khó khăn vất vả. Cũng may, khi xin về con gái đã biết ăn cháo, ăn cơm chứ không khát sữa mẹ nên bà S. cũng đỡ được phần nào. 

Sau đó, bà S. đi bước nữa. Chồng bà từng là bộ đội. Những năm tháng ở chiến trường, ông đã bị nhiễm chất độc da cam. Đây cũng là nguyên nhân khiến vợ chồng bà S. không thể có con. Vợ chồng bà lại bàn nhau xin con về nuôi. Một lần nghe tin có người phụ nữ bỏ con ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bà S. vội vàng khăn gói lên xin về. Đó là một bé trai còn đỏ hỏn, vừa mới lọt lòng mẹ. Lần này, con còn nhỏ nên bà S. rất vất vả. Ngày ấy gia đình bà còn khó khăn, cộng với sữa bột không có nhiều như bây giờ nên hằng ngày bà S. phải bế con đi khắp làng để xin sữa của những bà mẹ mới sinh. Buổi tối bà chắt nước cơm, pha sữa đặc có đường cho con uống. 

Để có tiền nuôi các con, bà S. vừa làm mậu dịch viên của xã, vừa lăn lộn cấy cả mẫu ruộng. Bà làm không ngơi nghỉ, có khi làm ngày không đủ phải tranh thủ làm đêm. Ai nhìn bà làm cũng thấy ái ngại, lo cho sức khỏe của bà. Nhưng bà S. chỉ nghĩ phải làm để lo cho các con miếng cơm, manh áo, được ăn học như chúng bạn. Bản thân dù vất vả, nhọc nhằn bà vẫn cam chịu được.

Vào một ngày đầu năm 2015, vợ chồng chị Đoàn Thu T. ở phường Hải Tân (TPHải Dương) bỗng giật mình vì thấy ai đó đặt một bé gái mới sinh ở trước cửa nhà. Nhìn đứa trẻ bụ bẫm, xinh xắn, vợ chồng chị không đành lòng để bé đi. Hai vợ chồng quyết định làm thủ tục nhận bé làm con nuôi. Vợ chồng chị T. chưa có con nên việc chăm sóc cho bé có nhiều bỡ ngỡ và vất vả. Vì không được uống sữa mẹ, sức đề kháng hơi kém nên bé cũng hay ốm vặt. Lâu dần, chị T. cũng quen với việc thức trắng đêm để trông con. Vợ chồng chị T. luôn rất mực yêu con. Mỗi khi có dịp cả nhà lại cùng nhau đi chơi, chụp ảnh vui vẻ, hạnh phúc đưa lên Facebook để thông tin với mọi người.

Tình thân nhận lại

Với tình cảm chân thành, sự chăm sóc chu đáo của người nuôi dưỡng, những đứa trẻ dần lớn lên và đã trở thành máu thịt của gia đình. Bà S. kể vào lúc người con trai thứ 2 học lớp 7 thì nghe mọi người nói và biết mình là con nuôi. Lúc ấy, cậu bé đã hỏi mẹ và bà trả lời: “Mẹ đẻ ra con thì chả nuôi con thì sao?!”. Sau đó, cậu bé không bao giờ hỏi lại mẹ về chuyện này nữa. Có lẽ lúc ấy cậu cũng đã đủ lớn để hiểu về chuyện này. Nhưng câu trả lời của mẹ và tình cảm cha mẹ dành cho cậu mới là điều đáng quý nhất. 

Thời gian trôi đi, những đứa con của bà S. giờ đều đã trưởng thành và có công việc ổn định. Nhìn căn nhà khang trang của bà S. và các con phần nào cho thấy niềm hạnh phúc của gia đình. Bà S. luôn tự hào vì sự hiếu thuận của các con. “Thấy tôi vẫn làm vườn tược, trồng hết mùa này đến vụ khác, các con cứ khuyên mẹ già rồi nên nghỉ ngơi cho khỏe. Đến bữa ăn, có miếng ngon, chúng đều gắp vào bát mẹ. Đến giờ thì cả cô cháu ngoại đi lấy chồng ở Bắc Ninh, lần nào về thăm bà cũng biếu tiền để bà ăn quà, mong bà mạnh khỏe”, bà S. vui sướng kể.

Chị Trần Thái Hòa, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hiệp Lực (Ninh Giang) cho biết ở địa phương cách đây hơn 30 năm cũng có một gia đình nhận con về nuôi. Lúc ấy, gia đình này đã có một cô con gái nhưng biết ở xã gần bên có người vì hoàn cảnh khó khăn muốn cho con đi nên đã xin về. Hơn 30 năm qua, sau khi được gia đình chăm lo chu đáo, người con nuôi ấy giờ đã trưởng thành, có công việc ổn định. Bởi vì tình cảm dành cho gia đình ngày càng gắn bó sâu nặng nên bây giờ người con nuôi ấy không muốn bất kỳ ai nói rằng mình là con nuôi của bố mẹ. Dù bố mẹ có những người con đẻ khác nhưng anh là người sống cùng bố mẹ khi về già, chăm lo cho gia đình. Anh vui mỗi lần mẹ nói rằng đã mang nặng đẻ đau để anh có mặt ở trên đời. Điều này cho thấy anh thực sự coi mình là máu thịt của gia đình và cũng muốn mọi người cùng suy nghĩ với mình.

NGỌC THANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hạnh phúc trong những gia đình không cùng dòng máu