Hạnh phúc của cặp vợ chồng gần 70 năm "sống chỉ để yêu nhau"

11/02/2014 17:10

Đến vùng đất "thần tiên" của khu vực Tây Bắc này, nếu hỏi về cặp vợ chồng trường thọ, người dân địa phương ai cũng có thể dễ dàng chỉ nơi hai người sinh sống.

Cụ ông năm nay bước sang tuổi 91, còn cụ bà ở tuổi 95. Mặc dù đã quá nhiều cái tuổi xưa nay hiếm, họ vẫn sống với nhau rất tình cảm và hạnh phúc như thủa mới bắt đầu.

Hạnh phúc của cặp vợ chồng cao tuổi nhất

Cụ Ỉn được con cháu tổ chức mừng thọ (ảnh tư liệu).

Duyên trời định... của cặp vợ chồng trường thọ


Khi trận mưa cuối cùng vừa dứt, màn sương trắng xóa như còn muốn ôm chặt lấy những ngọn núi cao chót vót cũng là lúc chúng tôi về tới Lũng Vân, nơi được mệnh danh là "thung lũng tiên". Đã từ lâu, người ta gọi mảnh đất này với cái tên như thế, bởi đây là thung lũng của những con người trường thọ. Lũng Vân chỉ cách trung tâm thị trấn Mường Khến (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) khoảng 20km. Đường vào "thung lũng tiên" quanh co, xoáy trôn ốc, chúng tôi không thể đếm được trên cung đường này có bao nhiêu con dốc, khúc cua. Chỉ biết rằng, khi đặt chân đến với mảnh đất "mây ngàn gió núi" này, chúng tôi mới hiểu vì sao nơi đây được đặt tên mỹ miều đến thế.


Có lẽ, không khí nơi đây cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng giúp người dân trường thọ. Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Thanh Dứng, Chủ tịch Hội Người cao tuổi ở xã Lũng Vân chia sẻ: "Khi hay tin ở xã có nhiều cụ sống trường thọ, không ít tổ chức đã tìm đến đây hỏi tôi về việc có hay không bí quyết sống lâu. Họ đặt câu hỏi, vì sao ở nơi thâm sơn cùng cốc khó khăn vất vả như thế lại có nhiều cụ sống trường thọ đến như vậy. Thú thực, sống đây gần một đời người, tôi cũng không thể lý giải được...".


Cũng theo danh sách thống kê mà ông Dứng đưa cho chúng tôi xem, tính tới thời điểm hiện tại, ở "thung lũng tiên" này có đến hơn 70 cụ trên 80 tuổi và hơn 10 cụ trên 100 tuổi. Trong số những cụ cao tuổi còn sống, có lẽ đáng chú ý nhất là trường hợp của gia đình cụ Hà Công Yêu, ở xóm Chiềng. Vợ chồng cụ Yêu được xác nhận là cặp vợ chồng trường thọ nhất ở "thung lũng tiên". Cụ Yêu năm nay đã bước sang tuổi 91, còn cụ bà Đinh Thị Ỉn năm nay đã 95 tuổi. Một điều khá đặc biệt là ngoài việc đôi mắt cụ Yêu đã không còn nhìn thấy rõ thì hai cụ vẫn còn rất mạnh khỏe, minh mẫn. Họ sống với nhau rất hạnh phúc bên các con cháu của mình.


Vừa nói, ông Dứng vừa đưa chúng tôi đến gặp bà Hà Thị Chỉ, hiện là Phó Chủ tịch Hội người Cao tuổi xã Lũng Vân (cháu họ cụ Yêu) nhờ dẫn đường đến thăm cặp vợ chồng trường thọ. Bà Chỉ (năm nay cũng đã bước sang tuổi 65 - PV) cho biết: "Cụ Ỉn vừa xuống nhà con gái cả ở dưới thị trấn chơi được mấy hôm. Hiện tại, cụ Yêu đang ở chơi dưới nhà con gái út. Là con cháu, chúng tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc khi cả hai ông bà đến giờ phút này vẫn hạnh phúc bên nhau. Cuộc sống hàng ngày, hai ông bà hết sức tình cảm. Cụ Ỉn đi thăm con cháu vậy thôi, nhưng cũng chỉ được dăm bảy bữa là lại về với chồng. Nhiều lần như thế, tôi hỏi thì cụ Ỉn bảo: "Nhớ ông ấy, tôi ngủ không đặng"", bà Chỉ chia sẻ.


Trong ngôi nhà vách nứa tuềnh toàng của người con gái út, cụ Yêu đang ngồi trầm tư nghe chương trình phát thanh qua chiếc đài nhỏ chỉ bằng bàn tay. Vừa nghe bà Chỉ giới thiệu là có nhà báo đến thăm, cụ Yêu khẽ cười rồi khiêm tốn nói: "Gia đình tôi có gì đặc biệt đâu nhà báo. Ở cái bản này còn có nhiều cụ sống thọ hơn vợ chồng tôi nhà báo ạ". Bà Chỉ nghe vậy đỡ lời: "Nhiều cụ cao tuổi hơn, nhưng sống hạnh phúc đủ đôi, đủ cặp và có chuyện tình đặc biệt thì hai cụ là nhất ở "thung lũng trường thọ" này rồi".


Nghe đến đấy, cụ Yêu với tay tắt đài rồi quay hẳn sang tiếp chuyện chúng tôi. Những ký ức trong quá khứ như từ đâu dội lại, cụ xúc động kể: "Tôi và vợ yêu nhau từ năm 16 tuổi. Năm 18 tuổi, cũng như bao trai tráng trong làng, tôi lên đường tham gia kháng chiến chống Pháp và được tham gia vào binh đoàn của đoàn quân Tây Tiến anh hùng năm xưa. Phục vụ trong quân ngũ được bốn năm, tôi mắc bệnh quáng gà, cứ chiều tối là không nhìn thấy đường. Nhiều lúc, đồng đội phải dắt tôi hành quân. Sau đó, tôi được phục viên trở về địa phương. Khi trở về thì hay tin bà Ỉn đã lập gia đình. Tin đó như có sét đánh ngang tai. Lúc đó tôi cảm thấy buồn vô cùng. Mặc dù sau đó, gia đình tôi cũng làm mối cho mấy cô ở bản nhưng vì yêu bà Ỉn, tôi không ưng cô nào cả. Lúc đó, tôi đã quyết định không lấy ai mà ở một mình".

Hạnh phúc của cặp vợ chồng cao tuổi nhất

Cụ Yêu bước sang tuổi 91 những vẫn rất mạnh khỏe. (Ảnh tư liệu).


Bất chợt, tôi quay qua hỏi cụ: "Làm thế nào mà hai cụ đến với nhau được (?)", cụ Yêu nén một tiếng thở dài nói tiếp: "Chồng trước của bà Ỉn cũng là một chiến sĩ cách mạng. Hai người lấy nhau được bốn năm và có với nhau một người con gái thì bà Ỉn nhận được tin báo tử của chồng. Lúc đó, tôi thấy thương nên cố gắng làm đủ mọi cách giúp bà ấy vượt qua nỗi đau. Rồi như duyên trời định, tình yêu chân thành đã kéo chúng tôi đến với nhau. Ở thời điểm bấy giờ, một người con trai chưa lập gia đình mà đi lấy một người phụ nữ đã có một đời chồng và một đứa con thì khó khăn vô cùng, chúng tôi bị cả hai gia đình phản đối rất quyết liệt. Nhưng với tình yêu cùng sự quyết tâm của cả hai, cuối cùng chúng tôi cũng đến được với nhau. Thấm thoát, gần 70 năm đã qua từ ngày ấy (hai ông bà cưới nhau năm 1946 - PV)

Tình yêu là "bí quyết" trường thọ


Theo như chúng tôi được biết, cả hai cụ hiện nay đều sống ở xóm Chiềng cùng với con trai thứ. Vì thương bố mù lòa và mẹ đã già yếu, các con cháu muốn hai cụ được nghỉ ngơi. Thế nhưng, cả hai cụ đều không muốn. Bà Chỉ chia sẻ: "Cụ Ỉn muốn được tự tay chăm sóc chồng mấy chú ạ. Nhiều lần thấy cụ lọ mọ bê chậu nước đến để rửa mặt cho chồng, các con cháu muốn đến giúp nhưng cụ đều không chịu. Cụ bảo rằng khi nào còn mạnh khỏe, còn bê nước được thì sẽ tự tay làm hết bổn phận của một người vợ".


Nghe cô cháu gái chia sẻ, cụ Yêu quay qua ngắt lời: "Tôi cũng chỉ mới bị lòa khoảng 7 năm nay, sau cái lần đi mổ mắt về nhưng không kiêng được. Mặc dù không nhìn thấy, nhưng tôi vẫn còn mạnh khỏe lắm. Hiện nay điều hạnh phúc nhất với vợ chồng tôi là những dịp lễ, Tết hay ngày cuối tuần, các con các cháu lại kéo nhau về đông đủ. Tuổi già rồi, chúng tôi chỉ cần như vậy là mãn nguyện lắm rồi". Được biết, hai cụ có thói quen mỗi sáng sớm dậy sớm rồi cùng nhau nghe đài. Sau đó, cụ bà lại dẫn chồng ra sát mép cửa nhà sàn để đón nắng vào buổi sớm. Mấy hôm nay, cụ bà xuống thị trấn chơi cùng với người con gái cả nhưng cụ Yêu vẫn không quên lời dặn nghe đài và tắm nắng vào sáng sớm của vợ. Cụ Yêu tâm sự: "Lúc nào nhớ bà ấy, tôi lại mang đài ra nghe cho thời gian bớt dài đi".


Một điều khiến không chỉ chúng tôi, mà rất nhiều người đặt câu hỏi là vì sao các cụ lại sống trường thọ đến vậy. Liệu các cụ có bí quyết trường thọ nào hay không. Nói về điều này, cụ Yêu cho rằng: "Chúng tôi, cũng sinh hoạt và ăn uống như tất cả các cụ già ở bản Lũng Mây này, không có bí quyết trường thọ nào cả. Có chăng, chúng tôi hơn người thành phố là được hưởng một cuộc sống thanh thản, tinh khiết cùng bầu không khí trong lành, không bụi bẩn. Nhiều cụ cao tuổi trong làng vẫn tâm sự với rằng chính họ cũng không biết là vì sao sống thọ như vậy. Nhưng riêng trường hợp của mình, tôi biết chính tình yêu trường tồn qua thời gian là bí quyết để hai vợ chồng tồn tại. Chúng tôi sống chỉ để yêu nhau".


Trong ngôi làng trường thọ này, cặp vợ chồng cụ Yêu được coi là một tấm gương sáng về cuộc sống hạnh phúc. Dù hai cụ đã cùng nhau đi gần hết con đường đời, nhưng cách sống và tình cảm của họ vẫn khiến nhiều người phải trầm trồ ngưỡng mộ. Đặc biệt thế hệ trẻ ngày nay trên "thung lũng tiên" luôn kính cẩn và lấy tấm gương của hai cụ làm cách sống để nỗ lực vươn lên trong xã hội đầy cám dỗ này.

Mấy chục năm chưa từng cãi vã


Cô Hà Thị Tho, con gái út của cụ cho chúng tôi biết thêm: "Hiện nay, các con các cháu cũng khá thành đạt. Vì vậy, việc ăn uống của các cụ được chăm sóc tốt hơn. Tuy nhiên mẹ tôi vẫn thích tự tay mình đi ra vườn hái những thứ rau mà bà thích rồi nấu cho bố ăn". Ông Hà Công Quý, người hàng xóm của cụ Yêu (ở xóm Chiềng, xã Lũng Mây) thì chia sẻ rằng, cụ Yêu và cụ Ỉn là đôi vợ chồng cao tuổi nhất ở xã này. Đã mấy chục năm chung sống, người dân nơi đây chưa bao giờ thấy hai cụ to tiếng với nhau dù chỉ một lần, kể cả khi cuộc sống lâm vào hoàn cảnh khó khăn nhất.

Đạt Đỗ (Gia đình)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hạnh phúc của cặp vợ chồng gần 70 năm "sống chỉ để yêu nhau"