Hàng Việt lép vế ở nông thôn

24/03/2016 07:30

Việc tuyên truyền để đưa hàng Việt về các vùng nông thôn chưa thực sự hiệu quả, cộng với sự cạnh tranh của hàng Trung Quốc khiến hàng Việt vắng bóng ở thị trường này.



Quần áo do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất chỉ chiếm chưa đến 10% ở nhiều
 cửa hàng tại chợ Phủ (xã Thái Học, Bình Giang)


Muốn mua cũng khó

Chị Đỗ Thị Lan ở xã Lam Sơn (Thanh Miện) là công nhân trong một khu công nghiệp thuộc huyện Cẩm Giàng. Do tiện đường đi nên mỗi khi có nhu cầu chị đều ghé qua chợ Phủ, xã Thái Học (Bình Giang) để mua sắm quần áo, đồ gia dụng. Lần này chị đến cửa hàng quần áo của chị Nguyễn Thị Hương trong chợ Phủ để mua và vẫn duy trì thói quen là không hề quan tâm đến xuất xứ hàng hóa. Chỉ với các tiêu chí về kiểu dáng, màu sắc, chất liệu và đặc biệt là giá rẻ nên một lát sau chị đã chọn được 1 bộ quần áo cho chồng, 1 bộ cho con, tất cả đều là hàng Trung Quốc. Chị Lan cho biết trước đây công ty nơi chị đang làm việc đã từng treo băng rôn tuyên truyền về ưu tiên dùng hàng Việt Nam, chị cũng nghe nói hàng Việt tuy bền đẹp, an toàn nhưng giá đắt hơn. Với thu nhập ít ỏi của công nhân chị đành dùng hàng Trung Quốc. Vả lại, ở chợ quê đồ Việt Nam cũng hiếm.

Đúng như lời chị Lan, chị Nguyễn Thị Hương, chủ cửa hàng cho biết, ngoài số quần áo mùa đông còn tồn, cửa hàng vừa nhập 1.500 chiếc quần áo mùa hè từ các chợ đầu mối như Ninh Hiệp, Đồng Xuân (Hà Nội)... nhưng có tới hơn 90% là đồ Trung Quốc. "Hàng Trung Quốc bán chạy do giá rẻ, chỉ từ 80.000 - 150.000 đồng/chiếc, còn hàng Việt Nam thì đắt hơn", chị Hương nói.

Theo chị Nguyễn Thị Thi kinh doanh đồ gia dụng ở chợ Phủ thì đồ có xuất xứ Trung Quốc đang chiếm tới 90%, chủ yếu nhập từ chợ Đồng Tâm (Hà Nội), chợ Tân Thanh (Lạng Sơn). Hiện cửa hàng của chị chủ yếu bán đồ nhựa gia dụng như thau, bát, đĩa, khay đựng đồ... với giá chỉ từ 40.000 - 70.000 đồng/sản phẩm, nồi cơm điện, nồi inox Trung Quốc chỉ có giá từ 100.000 - 250.000 đồng/sản phẩm.

Tại chợ thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng), nhiều quầy không hề có hàng hóa do Việt Nam sản xuất. Chị Nguyễn Thị Thu bán quần áo tại đây cho biết, tất cả quần áo của cửa hàng đều xuất xứ Trung Quốc được nhập mỗi tuần một lần, mỗi lần từ 300 - 400 chiếc của những người bán rong. Do các loại quần áo này giá rất rẻ nên người mua chủ yếu là học sinh, sinh viên, công nhân.

Cũng bán toàn quần áo Trung Quốc, chị Nguyễn Thị Thủy ở chợ Nứa, xã Tân An (Thanh Hà) cho rằng quần áo Việt Nam khó nhập, giá lại đắt và mẫu mã còn đơn điệu, trong khi đồ Trung Quốc nhập dễ dàng, giá rẻ, mẫu mã đa dạng.

Thực tế tại chợ thị trấn Nam Sách cũng cho thấy mặt hàng quần áo và đồ gia dụng được bày bán có rất ít đồ Việt Nam. Hàng nguồn gốc Trung Quốc đã và đang là ưu tiên số 1 của bà con nông thôn khi đi mua sắm.

Một thị trường lớn bị bỏ ngỏ


Nông thôn là thị trường lớn, nếu khai thác tốt thì sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước mở rộng sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa. Tuy vậy, thực tế từ lâu hàng hóa trong nước đang bị lép vế ngay ở chính thị trường nội địa. Điển hình như quần áo của Việt Nam đã có nhiều thương hiệu lớn như May 10, Nhà Bè, Việt Tiến... nhưng hầu hết khó chen chân về nông thôn. Nguyên nhân do giá cao so với thu nhập của người dân nông thôn. Gần đây, thị trường may mặc Việt Nam xuất hiện thêm thương hiệu GenViet và cũng nhanh chóng đến được với người tiêu dùng (NTD). Nhãn hiệu này có mẫu mã đa dạng, bền đẹp, giá rẻ hơn so với các thương hiệu may mặc Việt Nam có trước, song so với hàng Trung Quốc thì vẫn đắt hơn từ 30 - 50%. Hiện GenViet cũng chưa về được nông thôn một phần còn do việc tiếp thị, giới thiệu sản phẩm còn hạn chế. Nhiều người bán quần áo có kinh nghiệm khi được hỏi về nhãn hàng này đều lắc đầu vì không có thông tin gì.



Cửa hàng ở chợ Nứa (xã Tân An, Thanh Hà) bán 100% đồ nhựa gia dụng có xuất xứ Trung Quốc

Ngoài ra, doanh nghiệp hoặc nhà phân phối đưa hàng Việt về nông thôn vẫn khá chậm chạp. Điều này không chỉ gây khó khăn cho chính họ khi mở rộng thị trường mà còn khiến người bán lẻ không có điều kiện làm quen để giới thiệu hàng Việt. Sau khi nghe thông tin về một số loại quần áo Trung Quốc có chứa chất độc hại, nhiều chủ cửa hàng muốn chuyển hẳn sang bán đồ Việt Nam nhưng chưa biết nhập hàng ở đâu. Chị Vũ Thị Hường, chủ cửa hàng chuyên kinh doanh quần áo trẻ em ở chợ Phủ cho biết, gia đình chị vừa nhập gần 1.500 chiếc quần áo từ các đầu mối ở Quảng Đông (Trung Quốc), còn hàng Việt Nam chưa bao giờ có người đến chào bán.

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được tỉnh triển khai vài năm nay, song thực tế cho thấy thói quen tiêu dùng hàng Việt vẫn chưa chuyển biến rõ rệt. Thời gian qua, Sở Công thương đã phối hợp tuyên truyền về nội dung cuộc vận động nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ hàng Việt, tăng thị phần hàng Việt tại thị trường nội địa, phát triển thương mại tại khu vực vùng sâu, vùng xa. Năm 2015, Sở Công thương đã tổ chức được 4 phiên chợ đưa hàng Việt nhưng những hoạt động này chưa thường xuyên nên hàng Việt Nam vẫn chưa có cơ hội tiếp cận gần hơn với NTD. Ngoài ra, nhiều tổ chức, doanh nghiệp chưa chủ động đưa hàng Việt về nông thôn, thiếu các chương trình giảm giá nhằm kích cầu tiêu dùng hàng Việt. Nhận thức nên ưu tiên sử dụng hàng Việt của NTD còn hạn chế...

Để thay đổi thói quen tiêu dùng và phát triển hàng nội địa, các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương cần chủ động phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn. Doanh nghiệp cần quan tâm xây dựng mối liên kết với cơ quan quản lý chợ, bà con tiểu thương để tạo kênh phân phối, sắp xếp hàng hóa và bố trí hàng Việt tiếp cận thường xuyên hơn với NTD.

TIẾN HUY - ÁI LIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hàng Việt lép vế ở nông thôn