Thị trường

Hàng Việt đang bị Temu đe dọa?

TB (theo VTC) 26/10/2024 10:10

Sự bùng nổ của sàn thương mại điện tử Temu với đồ Trung Quốc giá rẻ đang đặt ra những thách thức lớn đối với hàng Việt Nam.

temu.jpg
"Cơn bão" Temu đang hấp dẫn rất nhiều người tiêu dùng Việt (Ảnh minh họa)

Thời gian qua, tuy chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam nhưng sàn thương mại điện tử Temu đã rầm rộ bán hàng giá rẻ, tung nhiều chương trình khuyến mại cùng việc trả hoa hồng rất cao để tiếp cận khách Việt.

Nhiều ý kiến cho rằng với những chính sách này, hàng Trung Quốc giá rẻ trên Temu sẽ trực tiếp giành thị phần, đẩy hàng Việt Nam vào cuộc cạnh tranh khốc liệt ngay trên sân nhà.

Lo người Việt không mua hàng Việt

Khoảng hai tuần nay, hầu như người tiêu dùng Việt nào biết đến các sàn thương mại điện tử đều không ngừng nhắc đến Temu. Nguyên nhân là "cơn bão" Temu ập đến cùng với rất nhiều chính sách ưu đãi, giảm giá hấp dẫn khiến khách hàng khó cưỡng lại.

Kho hàng khổng lồ của Temu từ thời trang, đồ gia dụng đến các sản phẩm công nghệ... có giá rẻ bất ngờ, trong đó một số sản phẩm được giảm giá tới 90%.

“Tôi thấy rất nhiều món đồ mình thích trên Temu và đều đang giảm giá. Cứ như vừa trúng mánh vậy”; “Temu giảm giá tưng bừng đến 90%”; “Giao hàng miễn phí và hoàn trả miễn phí”; "Đừng bỏ lỡ cơ hội này! Giá thấp nhất"; "Ưu đãi rất tuyệt, không thể bỏ qua"… là những lời quảng cáo về Temu trên mạng xã hội và đủ khiến không ít người phải tò mò truy cập Temu để mua sắm.

Trong số này, nhiều người đã bỏ qua hàng Việt để chọn mua hàng Trung Quốc giá rẻ.

Chị Thu Nga (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, chị đặt mua nồi cơm điện Việt Nam giá 300.000 đồng và còn phải trả thêm 30.000 đồng phí vận chuyển. Trong khi nếu mua nồi cơm điện tương tự của Trung Quốc trên ứng dụng Temu thì chỉ tốn 180.000 đồng và còn được miễn phí vận chuyển.

Thời gian giao hàng tương tự nhau mà chênh lệch giá quá lớn nên chị quyết định chọn mua hàng Trung Quốc.

Không chỉ giá rẻ, miễn phí vận chuyển mà một điểm khác biệt nữa của Temu đang thu hút khách Việt đó là cho phép đổi trả hàng trong vòng 90 ngày.

"Tôi chỉ mua những món đồ nhỏ, giá chỉ vài chục nghìn đồng nhưng cũng được cho đổi lại nếu không vừa ý. Quá phù hợp với người tiêu dùng", anh Mạnh Hiếu (Cầu Giấy, Hà Nội) nhận xét.

Anh Hiếu vừa mua trên Temu ốp lưng điện thoại chưa đến 50.000 đồng và được trả lại, chuyển sang mua món đồ khác sau khi không ưng ý.

Nói về nghi vấn hàng kém chất lượng, nhiều khách hàng bày tỏ họ cũng không quá tiếc tiền. Vì hàng hóa trên Temu giá rẻ nên trong trường hợp không may mua trúng hàng không như ý thì cũng không thiệt hại nhiều. Trong khi đó chỉ là thiểu số nên cơ hội mua hàng tốt giá rẻ vẫn cao hơn.

"Nếu muốn trụ lại được thị trường Việt Nam thì chắc chắn Temu sẽ phải ngày càng nâng cao chất lượng. Không dại gì họ bán hàng kém chất lượng để ảnh hưởng đến uy tín. Theo tôi, những sự cố đó chỉ là số ít trong giai đoạn đầu hoạt động mà thôi", một khách hàng chia sẻ trên Facebook.

Chính những tâm lý này của người tiêu dùng khiến nhiều chuyên gia lo lắng về nguy cơ người Việt không chọn hàng Việt mà mua hàng Trung Quốc giá rẻ đang ngày càng đổ tràn sang Việt Nam thông qua các sàn thương mại điện tử như Taobao hay bây giờ là Temu.
"Một lượng khách không nhỏ đang chịu sức hút của Temu và có thể họ sẽ rời hàng Việt nếu Temu tiếp tục đánh trúng tâm lý của họ, đó là cung cấp nguồn hàng đa dạng với giá rẻ và áp dụng nhiều ưu đãi", một chuyên gia kinh tế nói.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, không phải quá lo lắng cho hàng Việt. Bởi bên cạnh phân khúc hàng giá rẻ thì vẫn còn có phân khúc của hàng giá trung bình - chất lượng trung bình và phân khúc của hàng giá cao với chất lượng cao.

Hiện nay, tâm lý mua hàng của người tiêu dùng Việt đang dần chuyển biến, ngày càng nâng cao, tức là chuộng hàng có chất lượng trung bình hoặc chất lượng cao nhiều hơn. Như vậy, rất có thể Temu và hàng Trung Quốc giá rẻ chỉ có thể chiếm lợi thế ở phân khúc hàng bình dân.

Chiết khấu "khủng" để tiếp cận khách Việt

Chương trình tiếp thị liên kết (affiliate marketing) với chiết khấu tối đa tới 30% của Temu đang thu hút rất nhiều người tiêu dùng Việt. Đây được coi là chiêu thức giành thị phần của sàn thương mại điện tử này.

Khi nhấp vào đường link trong bài viết trên Facebook và cài đặt ứng dụng Temu, khách hàng sẽ nhận được 50.000 đồng vào tài khoản mua hàng trên đó. Nếu khách chia sẻ link đăng ký tài khoản của mình và có người sử dụng link đó để đăng ký, khách sẽ nhận tiếp 150.000 đồng.

Số tiền thưởng có thể cao hơn nếu mời được một người dùng có kênh Tiktok hay YouTube với lượng theo dõi lớn. Ngoài ra, khách hàng còn có thể giới thiệu những sản phẩm bán trên sàn và nhận về hoa hồng chia sẻ từ doanh thu của người bán, tối đa 30%.

Temu còn tạo mô hình chia hoa hồng nhiều cấp. Ví dụ, khi có tài khoản tham gia chương trình affiliate theo đường dẫn, người chia sẻ sẽ được một số tiền nhất định. Nếu thành viên cấp dưới kiếm thêm đối tác, người bậc trên hưởng tiếp 20% hoa hồng.

Chính sách "độc" này đã khiến các hội nhóm hiện nay đua nhau "tiếp thị", mời chào khách thay Temu, thậm chí trên mạng xã hội còn lập hẳn "Cộng Đồng Affiliate Temu - Việt Nam", với hơn 28.000 người tham gia để chia sẻ cách kiếm tiền từ Temu.

Một chuyên gia marketing nhận xét với chiêu bài này, Temu đặt mục tiêu nhanh chóng lan tỏa thương hiệu trên thị trường Việt. Điều này chứng tỏ Temu đã chuẩn bị rất kỹ kịch bản tiếp cận khách hàng Việt Nam để sớm chiếm thị phần.

hang-viet.png
Hàng Việt Nam đối diện cuộc cạnh tranh khốc liệt với hàng Trung Quốc giá rẻ ngay trên sân nhà (Ảnh minh họa)

Doanh nghiệp Việt có chịu tác động?

Theo ông Nguyễn Quang Huy - Khoa Tài chính - Ngân hàng (Trường Đại học Nguyễn Trãi), sự xuất hiện của Temu sẽ tác động không nhỏ đến doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vì đây là những đối tượng thường không có khả năng cạnh tranh với mức giá thấp của Temu, do họ chịu chi phí sản xuất và vận hành cao.

Điều này buộc các doanh nghiệp phải tìm cách khác biệt hóa sản phẩm của mình hoặc tìm kiếm phân khúc thị trường cao cấp hơn.

Ông Huy phân tích thêm, với sự xuất hiện của Temu, một lượng lớn người tiêu dùng đã, đang và sẽ chuyển sang mua sắm trên nền tảng này, làm giảm thị phần của các doanh nghiệp Việt trong phân khúc giá rẻ.

Đặc biệt, những sản phẩm không có sự khác biệt rõ ràng về chất lượng dễ bị người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm giá thấp hơn.

“Cụ thể, các ngành hàng dễ bị ảnh hưởng nhất từ sự xuất hiện của Temu bao gồm thời trang, phụ kiện, đồ gia dụng và điện tử tiêu dùng. Đây là những sản phẩm mà người tiêu dùng dễ bị thu hút bởi giá rẻ và sự đa dạng trong lựa chọn. Sự khác biệt về giá thường không được phản ánh rõ ràng trong chất lượng của các sản phẩm này, khiến người tiêu dùng dễ chuyển sang các sản phẩm giá rẻ từ Temu. Tuy nhiên, các sản phẩm đặc thù, đòi hỏi chất lượng cao hoặc có yếu tố văn hóa bản địa như thực phẩm đặc sản, sẽ ít bị ảnh hưởng hơn”, ông nói.

Mặc dù vậy, ở góc độ tích cực, ông Huy cho rằng đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở trong nước làm mới mình, tìm hướng đi mới và tối ưu bộ máy sản xuất.

Ông Huy cũng cho rằng, ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp thì cần có sự vào cuộc sát sao của cơ quan quản lý Nhà nước.

“Cơ quan quản lý cần áp dụng các biện pháp giám sát chặt chẽ đối với hàng hóa nhập khẩu, bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật về thuế và tiêu chuẩn chất lượng. Điều này giúp ngăn chặn tình trạng trốn thuế và tạo môi trường kinh doanh công bằng.

Chính phủ cần tạo ra các chính sách hỗ trợ về logistics cho các doanh nghiệp trong nước, giảm thuế và chi phí cho các dịch vụ vận chuyển nội địa. Điều này giúp các doanh nghiệp giảm chi phí và cạnh tranh tốt hơn với các đối thủ từ nước ngoài”, ông kiến nghị.

Trong khi đó, theo chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân, cần phải có ngay chính sách bảo vệ sản xuất trong nước, hàng nội địa, bằng cách đặt ra các rào cản thương mại, thuế nhằm bảo đảm sự minh bạch và công bằng cho nhà sản xuất kinh doanh trong nước với nước ngoài.

TB (theo VTC)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hàng Việt đang bị Temu đe dọa?