Nhiều năm nay người tiêu dùng đã bị "móc túi" khi mua phải các loại đĩa nhái nhãn mác bày bán tràn lan trên thị trường...
Những chiếc đĩa nhái được bán nhan nhản trên thị trường với giá chỉ bằng 1/10 so với đĩa thật
Mặc dù bị lấn át bởi các công nghệ âm thanh, hình ảnh khác, song đĩa nhạc, đĩa hình vẫn có chỗ đứng nhất định trên thị trường bởi đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận người dân. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay người tiêu dùng đã bị "móc túi" khi mua phải các loại đĩa nhái nhãn mác bày bán tràn lan.
Thật - giả khó lườngAnh Dương là lái xe cho giám đốc người Việt của một công ty trong khu công nghiệp Đại An (TP Hải Dương). Nắm bắt được tâm lý của vị giám đốc nên anh thường xuyên sưu tầm các đĩa nhạc, đĩa hình có các ca khúc trữ tình để nghe, xem trên xe. Theo anh Dương, so với trước đây thì hiện nay để mua được đĩa chuẩn rất khó. Cách đây khoảng 4 - 5 năm, chỉ cần bỏ ra 60.000 đồng là mua được một chiếc đĩa hình hoặc đĩa tiếng chất lượng. Còn hiện nay, dù phải bỏ ra 100.000 đồng nhưng vẫn không biết mình mua được đĩa thật hay giả. Người bán đĩa giới thiệu là đĩa chất lượng nhưng có thể chỉ một thời gian ngắn sau đã bị trục trặc. Trong khi trước đây đĩa chất lượng cao qua nhiều năm vẫn nghe tốt...
Không chỉ anh Dương, những người có sở thích nghe nhạc bằng đĩa nhạc, đĩa hình (gọi tắt là CD, VCD, DVD) hiện nay cũng rất khó chọn được một chiếc đĩa chất lượng. Theo một số người chuyên nghe và sưu tầm đĩa nhạc, đĩa hình thì muốn có một chiếc đĩa chất lượng phải lên Hà Nội để mua tại các công ty phát hành băng đĩa hoặc các đại lý lớn.
Ở các huyện, thị xã, số lượng cửa hàng bán đĩa nhạc, đĩa hình hiện không còn nhiều do người dân đã chuyển sang nghe nhạc trên mạng hoặc sử dụng các tiện ích của công nghệ truyền hình. Tuy vậy, hầu như địa phương nào cũng vẫn có các điểm bán nhỏ lẻ. Một thanh niên đang chọn đĩa tại một cửa hàng ở xã Thái Học (Bình Giang) cho biết không quan tâm đến đĩa "xịn" hay đĩa nhái vì "cứ nghe được là được". Anh này thẳng thắn: "Không dại gì bỏ ra số tiền 100.000 đồng để mua một cái đĩa tốt, trong khi đĩa cùng nội dung giá chỉ bằng một phần mười".
Tại TP Hải Dương, số cơ sở bán đĩa CD, VCD, DVD hiện cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, tập trung ở phố Phạm Ngũ Lão, Quang Trung, đại lộ Hồ Chí Minh. Người mua cũng không dễ để mua được một chiếc đĩa có chất lượng tương xứng với số tiền bỏ ra. Tuấn Anh CD Shop ở số 6B phố Quang Trung là một trong số ít nơi còn bán các loại đĩa nhạc, đĩa hình ở TP Hải Dương. Ở đây, đĩa "xịn" được sắp xếp khá gọn gàng trên kệ, còn đĩa "hàng chợ" bày lộn xộn trên chiếc giá kê thấp hơn ở dưới nền nhà. Khi được yêu cầu, người bán đưa cho khách đĩa CD "Tình khúc Ngô Thụy Miên" loại "xịn" với giá 100.000 đồng. Mặc dù ở vỏ ghi rõ đĩa được sản xuất và phát hành bởi Diễm Xưa Productions có địa chỉ tại 14841 Dillow Ave, Westminster (một thành phố thuộc tiểu bang California, Mỹ) nhưng không có gì khẳng định đĩa do đúng nơi đó sản xuất. Bìa chiếc đĩa làm khá thô, chỉ là tấm carton ép lại và phủ bên ngoài tờ giấy màu in hình ca sĩ Tuấn Ngọc cùng danh mục 12 bài hát. Cũng tại cửa hàng này, chúng tôi mua đĩa CD "Lối về" tuyển tập các ca khúc do ca sĩ Anh Thơ trình bày. Chiếc đĩa được đựng trong giấy mềm chỉ với giá 10.000 đồng, ngoài danh mục bài hát thì không có bất cứ thông tin gì về đơn vị sản xuất và phát hành. Cùng chiếc đĩa này, nếu là hàng chất lượng thì giá cao gấp 10 lần.
Không dễ kiểm soát
Theo một số người có kinh nghiệm thẩm định âm nhạc, hiện nay in sao bằng tín hiệu là công nghệ tiên tiến nhất nên đĩa thật và đĩa nhái có chất lượng hình ảnh, âm thanh tương đương nhau. Do đó, người mua rất khó phát hiện và có thể mua đĩa nhái nhưng phải trả tiền như đĩa thật. Tuy nhiên, nếu mua phải đĩa nhái thì thời gian sử dụng đĩa ngắn hơn do chất liệu sản xuất đĩa kém, mau hỏng, nếu xước coi như vứt đi. Mặt khác, do tâm lý dễ dãi của người tiêu dùng càng khiến thị trường băng đĩa thêm lộn xộn, thật ít, giả nhiều.
Ông Trần Ngọc Minh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thừa nhận thị trường băng đĩa từ lâu đã bị buông lỏng, thiếu sự kiểm soát, các đại lý "tự tung, tự tác" in sao. Tình trạng này làm cho thị trường băng đĩa nhạc lộn xộn, người tiêu dùng bị thiệt thòi trong khi chủ đại lý ung dung thu lợi bất chính.
Do các đại lý được phép tự khai thác, in sao và phát hành nên tình trạng đĩa có nội dung xấu (kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, nói xấu chế độ, kích động hận thù dân tộc...) đưa ra thị trường rất khó tránh khỏi. Trước đây, theo quy định, mặc dù có nhiều thủ tục hơn song việc kiểm soát in sao, phát hành khá chặt chẽ. Khi đó tỉnh giao cho Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh ký hợp đồng với các chủ cơ sở đăng ký in sao phim, ca nhạc theo danh mục mà Cục Điện ảnh hướng dẫn. Chủ cơ sở phải đặt cọc tiền để bảo đảm chỉ được phát hành phim trong danh mục được phép lưu hành, chỉ được lấy phim, ca nhạc tại trung tâm để in sao, phát hành. Còn hiện nay, thị trường băng đĩa lộn xộn chủ yếu do chế tài đã cho phép đại lý được phép khai thác phim ảnh, âm nhạc, tự phát hành chứ không chịu giám sát của cơ quan nào. Trong khi đó, công nghệ sao chép phát triển như vũ bão, nguồn cung vô cùng phong phú (qua các kênh truyền hình, internet...) nên các chủ đại lý có thể tự khai thác nguồn phim, âm nhạc mà không phải chịu chi phí bản quyền, thu lợi lớn. Ràng buộc pháp lý duy nhất bây giờ giữa các đại lý với cơ quan quản lý nhà nước là họ phải tự chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình. Nếu đĩa giả thì lực lượng kiểm soát thị trường kiểm tra, đĩa có nội dung xấu, phản động thì thanh tra văn hóa, an ninh văn hóa xử lý.
Để việc kiểm soát thị trường băng đĩa đi vào nền nếp, cơ quan chức năng liên quan cần thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hành vi nhái nhãn mác, vi phạm bản quyền. Đồng thời, người tiêu dùng cần tỉnh táo khi lựa chọn, tránh tình trạng bỏ tiền mua đĩa tốt nhưng mang về đĩa nhái. "Băng đĩa là sản phẩm văn hóa tư tưởng đặc thù. Nếu băng đĩa có nội dung hời hợt, nội dung xấu sẽ tác động trực tiếp, lâu dài khiến việc định hướng thẩm mỹ của con người, nhất là giới trẻ bị lệch lạc, làm ô nhiễm, phá vỡ môi trường thẩm mỹ chung của người thưởng thức", ông Trần Ngọc Minh nhấn mạnh.
TIẾN HUY