Hai ngôi đình lịch sử thờ tướng quân Đinh Điền

08/09/2018 10:41

Hay tin tướng quân Đinh Điền tử trận, nhân dân 2 làng Nhân Kiệt và Tuấn Kiệt ghi nhớ công lao của ông nên lập một ngôi miếu để tôn thờ.

Mặt trước đình Tuấn Kiệt

Tướng Quân Đinh Điền (?- 979), quê ở làng Đại Hữu, nay là xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, là một trong những vị công thần khai quốc của nước Đại Cồ Việt, người tận trung, tận nghĩa với nhà Đinh.

Thuở nhỏ, ông đã làm bạn "cờ lau tập trận" của Đinh Bộ Lĩnh, lớn lên cùng Nguyễn Bặc, Lu Cơ, Trịnh Tú và Đinh Bộ Lĩnh kết nghĩa anh em. Khi đất nước xảy ra loạn 12 sứ quân, mấy anh em bằng hữu đã theo sứ quân Trần Lãm chiếm giữ vùng Bố Hải (nay thuộc Tiền Hải, Thái Bình). Khi đã trở thành Vạn Thắng Vương, Đinh Bộ Lĩnh giao cho Đinh Điền chỉ huy 10 đạo quân đi thu phục các sứ quân khác, thống nhất giang sơn về một mối.

Năm Mậu Thìn (968), Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi vua, xưng đế hiệu Đại Thắng Minh Hoàng Đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, rời kinh về động Hoa Lư xây dựng đô mới, đắp thành đào hào, làm cung điện, đặt Triều nghi. Ông được vua phong chức Ngoại giáp (cai quản mọi việc bên ngoài). Theo các thần phả, ông từng giữ chức Nhập nội Kiểm giáo Đại Tư Đồ, Bình chương Quân quốc Trọng sự, cùng trông coi quốc sự (Tể tướng). Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư", năm Kỷ Mão (979), vua Đinh Tiên Hoàng cùng con trai trưởng là Nam Việt Vương Đinh Liễn bị sát hại, triều đình tôn Đinh Toàn mới 6 tuổi lên ngôi vua, Tôn Dương Vân Nga lên làm Hoàng Thái Hậu.

Tương truyền, sau khi tướng quân Đinh Điền giúp Đinh Bộ Lĩnh thu phục được sứ quân của Phạm Hồng Át trấn tại Nam Sách giang và Bạch Đằng giang thuộc đất Hồng Châu khi ấy. Sau đó, ông kéo quân về vườn Hồng Ba Đống thuộc Hải Môn (nay là làng Nhân Kiệt) để lập căn cứ luyện quân. Ông được triều đình ban thưởng 500 mẫu ruộng cùng nhiều trâu cày. Ông đã quy tụ dân chúng lập lên xã Thanh Chung. Dần dần, dân cư ngày càng đông đúc, xã Thanh Chung tách hình thành 2 làng là Nhân Kiệt và Tuấn Kiệt (đều thuộc xã Hùng Thắng, Bình Giang ngày nay). Vài năm sau, hay tin ông tử trận trong trận chiến tại Ái Châu (Thanh Hóa), nhân dân 2 làng ghi nhớ công lao của ông nên lập một ngôi miếu để tôn thờ. Về sau, ông trở thành vị Thành hoàng được nhân dân hai làng thờ tại miếu và đình cho đến nay.

Đình Nhân Kiệt thuộc làng Nhân Kiệt, được khởi dựng từ thời Lê Trung Hưng, trùng tu vào thời Nguyễn (1912) quy mô lớn gồm 3 toà, 12 gian. Công trình bị phá huỷ trong kháng chiến chống Pháp, nay chỉ còn hậu cung, tiền tế, trùng tu năm 1994. Di vật còn một tam quan lớn xây dựng năm 1929, thần tích và sắc phong...

Di tích đình Nhân Kiệt

Di tích đình Nhân Kiệt kiểu chữ I gồm 7 gian tiền đường, 2 gian trung đình và 3 gian hậu cung. Tiền đường mái được làm theo kiểu chồng diêm 8 mái; các vì theo kiểu kẻ chuyền chồng đấu sen, riêng 4 vì chính theo kiểu kẻ chuyền. Nối với tiền đường là trung đình, gồm 2 vì. Vì thứ nhất theo kiểu con chồng đấu sen, các con chồng đều được làm theo hình đầu rồng cách điệu; vì thứ 2 theo kiểu kẻ cốn. Mảng cốn giữa được chạm hình lưỡng long chầu hổ phù, hổ phù ngậm chữ thọ. Hậu cung gồm 3 gian, các vì của hậu cung đều theo kiểu con chồng đấu sen. Đình Nhân Kiệt hiện là một trong những ngôi đình độc đáo về giá trị kiến trúc nghệ thuật của huyện Bình Giang và đã được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 1995.

Tại xã Hùng Thắng, làng Tuấn Kiệt cũng thờ tướng quân Đinh Điền làm thành hoàng và thờ ngài tại đình làng. Tương truyền, đình Tuấn Kiệt được khởi dựng vào thời hậu Lê (thế kỷ XVII) và được trùng tu lớn nhất vào thời Nguyễn với công trình khang trang to đẹp gồm một đình chính, hai giải vũ, sân vườn, giếng và ao đình.

Năm 1947, thực dân Pháp đã cho hạ giải ngôi đình để lấy vật liệu xây dựng bốt Ghẽ. Đình Tuấn Kiệt chỉ còn lại ba gian giải vũ, sau này đã được nhân dân trong làng tận dụng làm nơi dạy học cho con em địa phương. Năm 2002, chính quyền và nhân dân địa phương xây dựng lại di tích trên nền cũ khang trang to đẹp như hiện nay mang phong cách thời Nguyễn với kiến trúc kiểu chữ “Đinh” (J) gồm 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung bằng chất liệu bê tông cốt thép, mái lợp ngói mũi theo kiểu đao tàu déo góc. Bên trong hậu cung có khám thờ tướng quân Đinh Điền.

Hằng năm, hai làng Nhân Kiệt và Tuấn Kiệt cùng tổ chức lễ hội vào ngày 9 và 10 tháng giêng để tưởng nhớ công lao của tướng quân Đinh Điền với đất nước và nhân dân. Trong các ngày lễ hội có tổ chức tế và rước kiệu thành hoàng từ đình làng ra miếu. Lễ rước thành hoàng được diễn ra cùng thời điểm thể hiện sự đoàn kết gắn bó của hai làng cùng thờ chung một vị thành hoàng là tướng quân Đinh Điền. Tại lễ hội còn diễn ra nhiều trò chơi dân gian, diễn xướng hát ca trù, hát chèo, trống quân...

HƯƠNG THỦY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hai ngôi đình lịch sử thờ tướng quân Đinh Điền