Hãi hùng chấn thương sọ não

10/02/2023 10:34

Không chỉ có tỷ lệ tử vong cao, chấn thương sọ não khó điều trị, chi phí lớn. Nếu sống sót, những di chứng để lại cho bệnh nhân chấn thương sọ não cũng rất nặng nề.


Một bệnh nhân bị chấn thương sọ não điều trị tại Khoa Ngoại 2 Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Chấn thương sọ não (CTSN) có tỷ lệ tử vong cao đứng thứ ba, chỉ sau bệnh lý về tim mạch và ung thư. Bệnh nhân bị CTSN nếu sống sót thì những di chứng để lại cũng rất nặng nề, ảnh hưởng tới cả bản thân và gia đình.

Nguyên nhân chủ yếu do tai nạn giao thông

Từ Tết Quý Mão 2023 đến nay, mỗi ngày Khoa Ngoại 2 Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận bình quân 50 bệnh nhân bị CTSN, độ tuổi trung bình từ 20-50 tuổi. Ngày nào bác sĩ Vũ Trí Hiếu, Trưởng Khoa này cũng mổ cấp cứu cho những bệnh nhân bị CTSN nặng, trong đó ngày cao điểm lên đến 8 ca. Nhiều ca CTSN phức tạp khiến ca mổ phải kéo dài tới 4-5 tiếng. 

Số ca CTSN ngày càng tăng do nhiều nguyên nhân mà phần đông do người dân sử dụng rượu bia sau đó gặp tai nạn giao thông. Số khác thì điều khiển xe máy nhưng không đội mũ bảo hiểm nên khi xảy ra tai nạn giao thông dẫn tới CTSN. Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác như ngã, đầu đập vào vật cứng… Hầu hết bệnh nhân CTSN nhập viện trong tình trạng hôn mê, bất tỉnh, tỷ lệ tử vong cao. “Mỗi tháng có khoảng 5-7 bệnh nhân CTSN tử vong, đáng tiếc nhiều người còn đang ở độ tuổi thanh xuân”, bác sĩ Hiếu thông tin.

Mùng 1 Tết Quý Mão 2023, trong khi người người, nhà nhà đang sum vầy thì hai anh em ruột là N.Đ.K. và N.Đ.Q. (ở Thanh Hà) phải nhập viện mổ cấp cứu vì CTSN sau một vụ tai nạn giao thông. May mắn giữ được mạng sống nhưng hiện cả hai anh em vẫn đang phải nằm viện để các bác sĩ theo dõi, điều trị tích cực. “Cả hai đứa không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy rồi va chạm với một xe máy khác đi ngược chiều. Bố mẹ đều làm nông nghiệp mà giờ mỗi ngày phải bỏ ra gần 10 triệu đồng tiền thuốc để lo cho hai đứa, chưa tính viện phí, phẫu thuật. Cháu K. đang lao động bên Nhật Bản, vừa rồi về quê chơi Tết thì không may gặp nạn. Không biết sức khoẻ có phục hồi được để tiếp tục sang đó làm việc nữa không”, người nhà hai bệnh nhân buồn rầu nói.

Theo các bác sĩ, não bộ là “cơ quan trung ương của cơ thể con người”, có cấu trúc phức tạp nhưng lại rất dễ gặp chấn thương vì những nguyên nhân trên. Tùy vào mức độ va đập mà hộp sọ của bệnh nhân CTSN bị gãy lún, vỡ nền, tổn thương các dây thần kinh sọ, gây máu tụ ngoài màng cứng, dưới màng cứng, trong não... Người bị CTSN nếu không tử vong tại chỗ thì cũng rơi vào hôn mê, bất tỉnh, rối loạn tri giác, nhận thức, hệ vận động, giác quan và ngôn ngữ.


Hơn 1 năm đã qua, anh N.V.Q. vẫn chưa thể đi lại, nhận thức mơ hồ, mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào vợ

Trở thành gánh nặng

Tỷ lệ tử vong do CTSN cao, điều trị tốn kém. Mỗi ca cấp cứu, điều trị chấn thương sọ não dù đã được bảo hiểm y tế chi trả vẫn thường phải tiêu tốn từ 100-200 triệu đồng, có ca lên tới gần tỷ đồng. Những người bị CTSN nặng sẽ gặp những di chứng đeo bám suốt cả cuộc đời, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ, vận động, mất hẳn hoặc giảm từ 15-45% sức khoẻ.

Một số trường hợp đã trở thành “người thực vật” sau khi bị CTSN, trở thành gánh nặng cho gia đình. Kinh tế của nhiều gia đình cũng trở nên kiệt quệ sau khi có thành viên bị CTSN. Hơn 1 năm đã trôi qua kể từ sau khi bị CTSN, anh N.V.Q. (ở huyện Tứ Kỳ) vẫn chưa thể đi lại, chỉ nằm một chỗ. Anh không thể nói và nhận thức chỉ ở mức độ mơ hồ. Chị N.T.H (vợ anh Q.) cho biết trong hơn 1 năm qua, chồng chị đã phải trải qua 7 lần phẫu thuật do các di chứng của CTSN. “Gia đình đã phải tiêu tốn khoảng 600 triệu đồng cho việc cấp cứu, điều trị của anh ấy nhưng khả năng phục hồi tổn thương thì vẫn còn bỏ ngỏ. Gia đình đã vay mượn nhiều rồi, giờ tiếp tục phải mổ để điều trị di chứng nữa thì không biết phải làm sao. Bản thân tôi giờ cũng chỉ loanh quanh làm việc ở nhà vì còn phải chăm anh ấy”, chị H. nói trong nước mắt.

Di chứng CTSN cũng xảy ra với rất nhiều người khác dù đã ra viện trong một thời gian dài. Họ thường gặp các rối loạn phổ biến như đi lại khó khăn hoặc không đi lại được, nói khó, nói giọng méo, rối loạn nhận thức, lúc nhớ, lúc quên... Nếu gặp phải những di chứng nặng, đặc biệt là hoại tử mô não thì khả năng phục hồi là rất thấp. 

Điều trị hậu CTSN thường mất rất nhiều thời gian, có khi lên tới vài năm. Chỉ những ca CTSN nhẹ thì sau điều trị não mới có thể phục hồi nhưng vẫn thường xuyên bị đau đầu, thậm chí là động kinh. 

Để hạn chế nguy cơ bị CTSN, bác sĩ Hiếu khuyến cáo người dân cần tuân thủ nghiêm pháp luật giao thông, nhất thiết phải đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe mô tô, xe đạp điện, đặc biệt là đã uống rượu bia thì không lái xe. Trong lao động, sinh hoạt cần chú ý bảo đảm an toàn, hạn chế bị ngã hoặc va đập liên quan đến phần đầu.

Trong trường hợp gặp người bị tai nạn, chấn thương phần đầu, bất tỉnh thì người dân cần gọi ngay cho y tế nơi gần nhất để sơ cứu và đưa đi cấp cứu. Việc tự ý đưa người bệnh đi cấp cứu có thể khiến biến chứng về não diễn ra nhanh hơn với các biểu hiện như sặc, nôn, phù não dẫn tới tử vong...

BÌNH MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hãi hùng chấn thương sọ não