Buổi trưa, ông An và ông Sâm đang đánh cờ, uống nước vối trong sân thì nghe tiếng còi cấp cứu hú vang. Một chiếc xe cứu thương chạy từ xóm dưới lên.
Hai ông vội vã ra cổng nghe ngóng xem nhà ai có chuyện gì. Thấy ông Lục xóm dưới đi xe đạp tới, ông An hỏi:
- Làng ta có ai phải đi cấp cứu hay sao thế ông?
Ông Lục dừng xe kể:
- Hôm nay đội thợ xây của nhà anh Xuân tổ chức liên hoan dịp cuối năm. Hình như là mua phải rượu giả hay sao ấy mà mới uống mấy chén, anh Xuân và một số người trong đội có biểu hiện bị ngộ độc nên phải gọi xe cứu thương đưa vào bệnh viện.
Ông An thốt lên:
- Rõ khổ. Hôm trước một đám bốc hót ở làng bên cũng mới xảy ra vụ ngộ độc rượu khiến 5 người phải nhập viện xong. May mà không ai thiệt mạng vì được cấp cứu kịp thời.
Ông Sâm lắc đầu:
- Rượu giả thật đáng sợ. Năm ngoái, ở tỉnh mình có 2 người tử vong vì ngộ độc rượu. Đáng nói là rượu mà hai người đó uống có nguồn gốc từ cùng một cơ sở sản xuất. Nghe nói số rượu đó được pha chế từ cồn công nghiệp.
Ông Lục góp chuyện:
- Không chỉ rượu trắng dân ta nấu mà đài báo nói vì giá bán cao, các loại rượu ngoại cũng bị làm giả nhan nhản. Rượu giả thường được các chủ cửa hàng bày bán lẫn lộn với rượu thật nhằm qua mắt người tiêu dùng. Nhiều loại rượu, trong quá trình kiểm tra, lực lượng quản lý thị trường cũng khó phân biệt thật, giả bằng mắt thường. Muốn phát hiện được phải thông qua giám định. Thế thì người tiêu dùng như chúng ta làm sao mà phân biệt được.
Ông An ngán ngẩm:
- Dịp cuối năm, nhu cầu mua rượu tăng cao thì rượu giả càng được dịp tác oai tác quái. Vì lợi nhuận mà người ta sẵn sàng đánh mất lương tâm, coi thường sức khỏe, thậm chí tính mạng của đồng loại. Đó là hành động tội ác, mất hết nhân tính.
Ông Lục kết luận:
- Chỉ mong sao lực lượng quản lý thị trường và các địa phương tích cực đấu tranh với những hành vi sản xuất, bán rượu lậu, rượu giả dịp Tết để không xảy ra những trường hợp ngộ độc rượu đáng tiếc như hôm nay. Mình cũng ít uống rượu đi thì sẽ bớt lo ông ạ!
NGỌC HÙNG