Hai học sinh nhí giỏi sáng tạo 

30/09/2019 14:30

Giải pháp “Thiết bị bảo vệ đường biên giới” của em Phạm Đức Hưng học sinh lớp 8E và Nguyễn Ánh Dương (cùng Trường THCS Võ Thị Sáu, TP Hải Dương) đã được chọn tham dự cuộc thi toàn quốc lần thứ XV.


Hai học sinh Nguyễn Ánh Dương (trái) và Phạm Đức Hưng đang điều chỉnh thiết bị bảo vệ đường biên giới

Đoạt giải nhất trong cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Hải Dương lần thứ XIII (2018-2019), giải pháp “Thiết bị bảo vệ đường biên giới” của em Phạm Đức Hưng học sinh lớp 8E và Nguyễn Ánh Dương học sinh lớp 8B (cùng Trường THCS Võ Thị Sáu, TP Hải Dương) đã được chọn tham dự cuộc thi toàn quốc lần thứ XV.

Từ nhỏ, 2 em đã có sở thích chơi các đồ chơi rô bốt, xe ô tô, hay mày mò lắp ghép các vật dụng bỏ đi để tạo ra các mô hình mình thích.

Theo Hưng và Dương, ý tưởng sản phẩm xuất phát từ việc 2 em thường theo dõi trên ti vi và nghe lời kể của phụ huynh.

Các em thấy ở khu vực đường biên giới lực lượng bộ đội biên phòng đi tuần tra, phát hiện, ngăn chặn kẻ lạ có ý định xâm phạm biên giới phần lớn là đi bộ, trèo đèo, lội suối, xuyên rừng rất vất vả. Hai em nghĩ trong thời kỳ 4.0 cần phải có một thiết bị gì đó hỗ trợ bộ đội tuần tra, canh gác biên giới. Ý tưởng này đã thôi thúc 2 em tìm tòi nghiên cứu, thiết kế thiết bị bảo vệ đường biên giới.

Thiết bị này được thiết kế bằng mô hình xe tăng. Phần thân xe, ụ súng tạo bằng nhựa cứng và sơn ngụy trang. Xe mô hình dài 65 cm, rộng 35 cm, cao 30 cm (không tính cột cờ), khối lượng tĩnh khoảng 12 kg.


Sản phẩm “Thiết bị bảo vệ đường biên giới” hoàn chỉnh

Sản phẩm loại bỏ hoàn toàn hệ thống lái bằng cơ khí. Hệ thống chân của robot là sự kết hợp giữa 4 bánh xe định hình và 8 càng thép; 8 càng thép sẽ được kéo lên cao khi không dùng đến. Xe có thể di chuyển trên các vùng có địa hình khó khăn, phức tạp như đồi núi, vượt dốc nghiêng 30 độ, đường nghiêng 45 độ.

Thiết bị có khả năng điều khiển từ xa bằng sóng điện từ ngắn, khi phát hiện có kẻ lạ xâm phạm biên giới sẽ phát loa cảnh báo, dùng súng phun nước để áp chế (có tích hợp tia lade để hỗ trợ ngắm trúng mục tiêu).

Khi kẻ lạ cố tình xâm phạm, có thể dùng súng đại bác tiêu diệt. Nếu có biệt kích xâm nhập đến gần robot ở cự ly gần sẽ dùng súng tiểu liên điều khiển bằng siêu âm để tiêu diệt. 

Thiết bị tích hợp sóng siêu âm để phát hiện khi có địch xâm phạm trong khoảng cách 1,2 m sẽ tự động bắn súng tiêu diệt; trang bị camera để theo dõi hiện trường thông qua mạng wifi để phát tín hiệu về máy tính hoặc điện thoại của sở chỉ huy; hệ thống âm thanh để hát chào cờ, hát quốc ca tự động của 2 nước thuộc đường biên giới hòa bình hữu nghị, phát nhạc để giao lưu văn nghệ giữa quân đội 2 bên; phát triển thêm hệ thống điều khiển định vị, hệ thống tự hủy khi bị lọt vào tay giặc...


Hai học sinh Phạm Đức Hưng (phải) và Nguyễn Ánh Dương giành giải nhất cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng lần thứ XIII (2018-2019)

Theo em Hưng, một trong những khó khăn nhất trong quá trình thực hiện là phần mạch điện. Lúc đầu nhìn sơ đồ mạch điện, các em không hiểu lắm, dây điện chằng chịt. Nhờ có cô giáo hướng dẫn, các em đã biết nối dây điện, đọc được sơ đồ điện. Khi làm mô hình thân vỏ, nhiều lúc dùng dao cắt các mảnh nhựa bị sai nên vật liệu phải bỏ đi, cháy bảng mạch điện nên tốn rất nhiều kinh phí, đã có lúc 2 em muốn bỏ cuộc.

Cô Nguyễn Thị Liên, giáo viên môn vật lý Trường THCS Võ Thị Sáu cho biết trong quá trình thực hiện, nhóm gặp không ít khó khăn. Nhờ sự động viên của gia đình, sự giúp đỡ của lãnh đạo nhà trường cũng như sự cố gắng và niềm đam mê sáng tạo mà 2 em đã có thành tích đáng mừng. Đây không chỉ là niềm tự hào của những người trong nhóm dự án mà còn là cả nhà trường và gia đình.

Theo em Dương, đây là dự án đầu tiên đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình học tập, rèn luyện và sáng tạo khoa học kỹ thuật của em.

Hai em cho biết sẽ tiếp tục suy nghĩ, tìm tòi để thực hiện các dự án tiếp theo. Sắp tới hai em dự định thực hiện dự án “Thiết bị cứu trợ các vùng lũ lụt”.

THẾ ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hai học sinh nhí giỏi sáng tạo