Sau Cách mạng Tháng Tám, lực lượng quân sự tỉnh Hải Dương còn non trẻ song đóng góp lớn trong bảo vệ chính quyền mới thành lập.
Các đồng chí chỉ huy đầu tiên của lực lượng quân sự tỉnh
Tổ chức các đơn vị giải phóng quân
Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, đối với nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang, Tỉnh ủy chỉ đạo gấp rút xây dựng bộ đội cảnh vệ của tỉnh và các phủ huyện. Ở các làng xã trong tỉnh, lực lượng tự vệ gấp rút được củng cố, mở rộng, nằm trong Mặt trận Việt Minh, do cấp ủy địa phương lãnh đạo. Hệ thống các trường huấn luyện quân sự của chiến khu, của tỉnh được thành lập và liên tục mở các lớp cấp tốc, huấn luyện, đào tạo cán bộ quân sự, tự mua sắm vũ khí. Đảng, Chính phủ, Mặt trận và nhân dân các địa phương đã dành cho lực lượng vũ trang nhiều điều kiện về vật chất và tình cảm, ủng hộ vũ khí, lương thực, thực phẩm nhằm động viên anh em chiến sĩ chiến đấu giữ gìn sự bình yên cho nhân dân.
Cùng thời điểm này, tỉnh Hải Dương đã giải thể các đơn vị bảo an. Các lực lượng tự vệ sau khi tham gia khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi đã trở về các làng, xã tham gia tăng gia sản xuất và trở thành lực lượng bán vũ trang. Một số ít lực lượng được giữ lại tổ chức thành các đơn vị giải phóng quân, cả tỉnh là một chi đội, mỗi huyện có một trung đội. Về vũ khí, trang bị lúc này chưa được đầy đủ, ở đâu có gì cấp nấy, vũ khí vừa thô sơ vừa thiếu thốn. Các mối quan hệ công tác, giữa lãnh đạo và chỉ huy cũng chưa được rõ ràng, thậm chí cả một thời gian dài mọi kế hoạch chỉ thông qua ủy viên quân sự trong UBND các cấp. Tuy nhiên, có sự lãnh đạo và chỉ đạo của các cấp ủy đảng, ngoài trung đội giải phóng quân, một số huyện còn thành lập từ 1-2 tiểu đội cảnh vệ để tuần tra, canh gác bảo vệ các cơ quan huyện.
Thời gian này, phong trào học tập quân sự, chế tạo vũ khí ở địa phương phát triển khá mạnh. Đây là phong trào nở rộ nhất, có hiệu quả nhất: nhà nhà tranh đua, người người tranh đua, nhiều gia đình cả nhà là dân quân, cả nhà tự sắm vũ khí, cả nhà tham gia luyện tập quân sự. Nhiều làng, xã đã mời thầy dạy võ về luyện tập cho thanh niên. Đường làng, sân đình, bờ đê cả sớm, trưa, chiều, tối đều biến thành những bãi tập. Lực lượng tự vệ chưa thoát ly sản xuất nhưng ở nhiều nơi đã xây dựng với hình thức nửa tập trung, mỗi làng có tới hàng trăm hội viên tự vệ đảm nhiệm các nhiệm vụ canh gác, tuần tra, trấn áp các phần tử phá hoại, giữ vững an ninh, bảo vệ chính quyền. Tháng 10.1945, giải phóng quân và tự vệ huyện Đông Triều, Chí Linh đã phối hợp mở đợt chiến đấu tiêu diệt thổ phí tại Trại Sắt (Chí Linh), Năm Mẫu, Châu Hồ (Đông Triều). Lực lượng vũ trang cách mạng hình thành khắp các địa phương, trở thành công cụ chủ yếu của chính quyền cách mạng dân chủ ở cơ sở, tạo được thế lực vững chắc.
Nam tiến
Ngày 23.9.1945, quân Pháp núp sau quân đội Anh gây hấn ở Nam Bộ. Đáp lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ, bộ đội, tự vệ tỉnh Hải Dương đã sôi nổi hưởng ứng các phong trào ủng hộ Nam Bộ kháng chiến. Tỉnh tổ chức cuộc mít tinh lớn ngày 8.10.1945 của thanh niên huyện Cẩm Giàng phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của quân đội Pháp. Toàn thể thanh niên huyện Cẩm Giàng đã tuyên thệ trước Quốc kỳ và ảnh Hồ Chủ tịch xin sẵn sàng ra trận, tiêu diệt bọn thực dân Pháp xâm lược, quyết bảo vệ nền độc lập tự do của Tổ quốc mới giành được.
Ngay sau đó, các đơn vị, các chiến sĩ giải phóng quân từ tỉnh đến các huyện đã nô nức tình nguyện đăng ký xin được vào Nam chiến đấu ngay từ đợt đầu. Giữa tháng 10.1945, tỉnh đã lựa chọn một đơn vị Nam tiến, được trang bị vũ khí, lương thực, thực phẩm và các phương tiện bảo đảm khác. Tiếp đó, từ cuối tháng 10.1945 đến tháng 1.1946, nhiều đơn vị Nam tiến của tỉnh đã lần lượt lên đường vào Nam chiến đấu. Trong số đó có các đơn vị của Đệ Tứ chiến khu Trần Hưng Đạo và một số lực lượng của các huyện trong tỉnh.
Sau khi các đơn vị Nam tiến lên đường, Tỉnh ủy đã chỉ đạo kiện toàn các đơn vị giải phóng quân, tổ chức các đơn vị cảnh vệ cấp tỉnh, huyện. Mỗi huyện có một trung đội cảnh vệ làm nhiệm vụ trấn áp bọn phá hoại cách mạng ở địa phương. Nhiệm vụ đặc biệt của lực lượng vũ trang địa phương lúc này là đấu tranh với bọn Tầu Tưởng đang đóng quân trên địa bàn, nhằm ngăn chặn các hành động phá hoại và gây rối của chúng. Để bảo toàn lực lượng, ta tạm thời rút các đơn vị giải phóng quân ra khỏi thị xã Hải Dương. Đối với bọn phản động, ta tổ chức theo dõi, giám sát, có điều kiện thì tiêu diệt tên đầu sỏ, trừng trị những tên ngoan cố, kiên quyết trấn áp những hành động phản cách mạng của chúng. Cho nên, mặc dù những tổ chức phản động do Tưởng lập ra vẫn còn tồn tại, chống phá ta trong thời gian dài nhưng cơ bản ta vẫn giữ được chính quyền, làm thất bại âm mưu của bọn phản động, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng đã giành được.
Ngày 28.2.1946, Pháp và Tưởng ký Hiệp ước Trùng Khánh, qua đó Tưởng cho Pháp kéo quân vào Lai Châu, Lào Cai… Phía Tưởng đồng ý rút quân, giao cho quân Pháp tiếp quản Việt Nam. Như vậy, các thế lực phản động quốc tế lại đặt dân tộc ta vào một tình thế mới.
Đứng trước tình thế đó, Đảng ta và Hồ Chủ tịch chủ trương hòa hoãn có nguyên tắc với thực dân Pháp bằng việc ký Hiệp định Sơ bộ 6.3.1946, quy định các vị trí đóng quân của Pháp trên lãnh thổ Việt Nam. Tại Hải Dương, Pháp đưa 650 tên vào đóng ở một vài vị trí trong thị xã Hải Dương, Lai Khê (Kim Thành). Để đối phó với tình thế mới, Tỉnh ủy quyết định thành lập hệ thống chỉ huy quân tiếp phòng và cùng với Pháp thành lập Ủy ban Liên lạc và Kiểm soát (gọi tắt là Ủy ban Liên kiểm) để theo dõi, giải quyết những vấn đề nảy sinh trong quá trình thi hành Hiệp định.
Chuẩn bị kháng chiến lâu dài
Nhưng với mưu đồ xâm lược nước ta một lần nữa, thực dân Pháp ra sức phá hoại Hiệp định 6.3, tăng cường quân lấn chiếm các vị trí dọc tuyến đường 5 (Hải Phòng đi Hà Nội). Ngày 18.3.1946, gần một trung đoàn bộ binh, có xe tăng yểm trợ hành quân từ Hải Phòng lên Hà Nội theo đường 5. Lần đầu tiên sau ngày độc lập, một lực lượng lớn quân Pháp hành quân qua địa bàn tỉnh Hải Dương. Căm phẫn trước hành động trên, nhân dân trong tỉnh đã biểu tình phản đối. Tại thị xã Hải Dương, nhân dân đã mang cả bàn ghế, gường, tủ ra đường làm chướng ngại vật. Nam nữ thanh niên, lực lượng vũ trang đã dàn đội hình, hừng hực khí thế, sẵn sàng đánh địch, khiến quân Pháp phải nhượng bộ, trình giấy phép, tự dọn vật cản, sau đó mới hành quân.
Cuối tháng 3.1946, quân Pháp kéo vào đóng ở thị xã Hải Dương, chúng đặt trụ sở ở Nhà máy Chai, đóng quân ở Nhà Nông Phố, Trường Con gái, cầu Phú Lương và Lai Vu.
Khi quân Pháp vào thị xã Hải Dương, chúng liên tiếp vi phạm Hiệp định 6.3, gây ra nhiều vụ vây càn, cướp bóc của cải, hãm hiếp phụ nữ, gây rối trị an, cài cắm tay sai, tung gián điệp dò la tin tức, chống phá ta. Trước tình hình trên, Tỉnh ủy triển khai một loạt nhiệm vụ nhằm tranh thủ thời gian hòa hoãn, tập trung xây dựng củng cố về mọi mặt, chuẩn bị cho kháng chiến lâu dài. Lực lượng vũ trang trong tỉnh mở đợt truy quét nhóm phản động do Nguyễn Tế Mỹ và Bùi Văn Tân cầm đầu tại Tứ Kỳ cùng đồng bọn của chúng ở nhiều nơi. Mặt khác, ta bắt giam hàng trăm tên thuộc các tổ chức Việt Quốc, Việt Cách. Ngày 12.7.1946, phối hợp với đợt tổng quét lực lượng phản động ở Hà Nội, công an và tự vệ Hải Dương đã tấn công vào sào huyệt bọn Quốc dân Đảng tại nhà in Hoàng Sin, bắt 10 tên, thu 10 súng ngắn và nhiều vũ khí, tài liệu khác.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Chiến khu 3 đã cải tổ, đổi tên các chi đội Vệ quốc đoàn thành 3 trung đoàn Vệ quốc đoàn. Trung đoàn 44 Vệ quốc đoàn đóng tại Hải Dương, Hưng Yên. Mặt khác, Tỉnh ủy chỉ đạo kiện toàn đại đội cảnh vệ cấp tỉnh và các trung đội cảnh vệ cấp huyện. Tuy nhiên, do tỉnh cung cấp những chiến sĩ tốt cho cấp trên nên chất lượng các đơn vị cảnh vệ của địa phương không cao, chưa có khả năng độc lập tác chiến. Cùng với việc củng cố, xây dựng lực lượng cảnh vệ tỉnh, huyện thì lực lượng tự vệ chiến đấu ở các xã cũng được phát triển, cả tỉnh có hàng chục nghìn người tham gia.
Tháng 9.1946, Ủy ban Hành chính tỉnh ra quyết định thành lập công binh xưởng, trên cơ sở xưởng cơ khí mỏ Mạo Khê làm nòng cốt. Ngay từ đầu, tỉnh đã tập hợp được những công nhân cơ khí có tay nghề khá, tập trung sản xuất lựu đạn, mìn, sau sản xuất được cả súng cối. Điều quan trọng lúc này là chỉ huy quân sự các cấp đã hình thành. Cấp tỉnh có Ủy ban Bảo vệ, cấp huyện, thị có Ban Bảo vệ, trực tiếp chỉ huy trung đội cảnh vệ làm nhiệm vụ bảo vệ công sở. Ủy ban Bảo vệ tỉnh tuy chưa thực sự làm vai trò cơ quan chỉ huy các lực lượng vũ trang nhưng là cơ quan được Tỉnh ủy giao nhiệm vụ chăm lo công tác quân sự địa phương. Ủy ban Bảo vệ cấp tỉnh và Ban Bảo vệ cấp huyên, thị chỉ tồn tại cho đến khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ thì đổi tên là Ủy ban Kháng chiến các cấp.
Theo Lịch sử Đảng bộ quân sự tỉnh Hải Dương