Kinh tế

Hải Dương xác định cấu trúc phát triển không gian trong tương lai gần

PHAN ANH 10/01/2024 15:00

Hình thành các trục phát triển của tỉnh được xác định là một trong các khâu đột phá để thực hiện mục tiêu đề ra trong quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

img_4666-quy-hoach--fdfa1be1fc21b6d31e80d464acba73e9.jpeg
Cấu trúc phát triển không gian tỉnh Hải Dương

5 vùng không gian, 4 trục phát triển

Để hiện thực hóa mục tiêu đề ra đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hải Dương đã xác định rõ 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá phát triển trong giai đoạn này.

Một trong ba đột phá phát triển được tỉnh xác định là hình thành bốn trục phát triển không gian. Cụ thể là trục phát triển Bắc - Nam; trục phát triển theo hướng Đông Tây đi qua khu vực phía bắc của tỉnh; trục phát triển Đông - Tây trung tâm tỉnh và trục phát triển kinh tế dọc các tuyến sông. Không gian phát triển của tỉnh được tổ chức theo mô hình đa cực, tích hợp, phát triển theo định hướng “Đa dạng – Bản sắc – Tăng trưởng xanh và bền vững”.

Theo quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt, phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh được xác định 5 vùng không gian phát triển, 3 vùng động lực và 4 trục phát triển.

Trong đó, 5 vùng không gian phát triển gồm: Vùng đô thị dịch vụ tổng hợp trung tâm; vùng phát triển trọng điểm công nghiệp - đô thị phía tây; vùng đô thị du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hoá tâm linh phía bắc; vùng nông nghiệp tập trung, đặc sản, công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến liên kết và công nghiệp hỗ trợ và vùng công nghiệp - đô thị - dịch vụ phía đông bắc.

Tỉnh xác định 3 vùng động lực phát triển gồm: Vùng đô thị động lực gồm đô thị trung tâm TP Hải Dương, cụm đô thị động lực (TP Chí Linh - thị xã Kinh Môn - Bình Giang - Thanh Miện), cụm đô thị vệ tinh (Nam Sách - Cẩm Giàng - Gia Lộc - Thanh Hà - Tứ Kỳ). Vùng động lực về công nghiệp gồm vùng phát triển công nghiệp tập trung phía tây và vùng công nghiệp động lực gắn với khu kinh tế chuyên biệt. Vùng động lực về dịch vụ, du lịch, trong đó trọng điểm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm văn hóa, tín ngưỡng phía bắc tỉnh và trọng điểm du lịch sinh thái gắn với sản phẩm nông nghiệp đặc thù của địa phương.

4 trục phát triển của tỉnh gồm: trục phát triển Bắc - Nam theo tuyến quốc lộ 37, quốc lộ 38, đường vành đai 5 vùng Thủ đô, kết nối 2 đô thị lớn của tỉnh là TP Hải Dương, TP Chí Linh và các thị trấn trung tâm huyện, liên kết các đô thị trong tỉnh và các đô thị trong vùng Thủ đô. Trục phát triển Đông - Tây trung tâm tỉnh là trục phát triển dọc theo cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và quốc lộ 5, đi qua TP Hải Dương. Trục phát triển Đông - Tây khu vực phía bắc tỉnh qua địa bàn TP Chí Linh, có quốc lộ 18 kết nối với sân bay Nội Bài, tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Quảng Ninh. Trục phát triển kinh tế dọc các tuyến sông, trọng điểm là sông Thái Bình.

Giao thông đi trước mở đường

dji_0060.jpg
Nnhững năm qua, Hải Dương đã đầu tư nhiều tuyến đường giao thông chiến lược để tạo tiền đề phát triển. Trong ảnh: Dự án đường dẫn cầu Đồng Việt kết nối TP Chí Linh và huyện Yên Dũng (Bắc Giang) đang hình thành. Ảnh: Thành Chung

Để tăng tính kết nối giữa các vùng, tạo tiền đề phát triển, những năm qua, Hải Dương đã đầu tư nhiều tuyến đường giao thông chiến lược, không chỉ kết nối liên thông trong cùng một địa phương mà còn kết nối liên huyện, liên vùng, liên tỉnh nhằm kết nối các vùng kinh tế trọng điểm.

Trong giai đoạn 2015 – 2020, nhiều dự án, công trình hạ tầng giao thông được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp với quy mô đồng bộ, hiện đại, mang tính đột phá như đường trục Bắc - Nam, đường 62 m kéo dài đến nút giao cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cầu Mây, đường dẫn nối cầu Hàn với quốc lộ 37. Nhiều dự án kết nối Hải Dương với các tỉnh, thành phố lân cận cũng được triển khai nhằm tạo nền tảng phát triển kinh tế vùng như cầu Triều và đường dẫn nối quốc lộ 18 (thị xã Đông Triều, Quảng Ninh) với đường tỉnh 398B (Kinh Môn); dự án cầu Dinh kết nối quốc lộ 17B, đường tỉnh 389 (Kinh Môn) với đường tỉnh 352 (huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng); cầu Quang Thanh kết nối đường tỉnh 390 (Thanh Hà) với đường tỉnh 360 (huyện An Lão, Hải Phòng)…

Bước sang giai đoạn 2020 - 2025, Hải Dương xác định nhiệm vụ đột phá là huy động đa dạng các nguồn lực phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm.

khong-gian-do-thi.jpg
Việc chủ động kiến tạo, mở thêm không gian phát triển liên vùng sẽ tạo thêm động lực mới cho Hải Dương trong tương lai. Ảnh: Thành Chung

Từng bước hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông quan trọng giúp mở rộng không gian phát triển, tạo động lực, cơ hội mới để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó phải kể đến các dự án giao thông kết nối liên tỉnh như cầu Đồng Việt và đường dẫn kết nối TP Chí Linh và huyện Yên Dũng (Bắc Giang); cầu Kênh Vàng và đường dẫn kết nối huyện Nam Sách với huyện Lương Tài (Bắc Ninh); cầu Hải Hưng và đường dẫn kết nối trục Đông – Tây của tỉnh với đường tỉnh 386 huyện Phù Cừ (Hưng Yên). Bên cạnh đó, Hải Dương cũng có kế hoạch đầu tư nhiều dự án thuộc các trục giao thông quan trọng như 4 dự án thuộc trục giao thông nối đường Vũ Công Đán (TP Hải Dương) - thị trấn Kẻ Sặt (Bình Giang) kết nối với nút giao cao tốc Hà Nội – Hải Phòng tại đường tỉnh 392; 4 dự án thuộc nút giao lập thể với quốc lộ 5 tại xã Kim Xuyên (Kim Thành) nằm trên trục kết nối Hải Dương với tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng…

Với hàng loạt dự án có tính kết nối liên vùng, liên tỉnh đã, đang và sẽ được Hải Dương triển khai không chỉ đáp ứng yêu cầu đi lại của nhân dân, mà còn đi trước một bước, tạo cơ hội tăng cường thu hút đầu tư, thúc đẩy liên kết vùng bền vững.

PHAN ANH
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hải Dương xác định cấu trúc phát triển không gian trong tương lai gần