Việc tử tế

Hải Dương “uống nước nhớ nguồn”

THANH NGA 27/07/2024 15:30

"Uống nước nhớ nguồn”, thời gian qua việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng luôn được cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở ở Hải Dương quan tâm, xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện chính sách an sinh xã hội của tỉnh.

00:00

layy.jpg
Ban Chỉ huy quân sự TP Hải Dương phối hợp khánh thành nhà "đại đoàn kết" cho ông Phạm Hồng Hải (đứng giữa), thương binh hạng 4/4 ở khu 8, phường Ngọc Châu, sáng 22/7

Bảo đảm tốt chế độ ưu đãi

Tri ân người có công với cách mạng, Đảng và Nhà nước ta đã có những chính sách hỗ trợ nhân văn, nhằm giúp người có công và thân nhân người có công bảo đảm cuộc sống. Thực hiện tốt các chính sách, thời gian qua, các cấp chính quyền ở Hải Dương luôn làm tốt việc chi trả chế độ trợ cấp, phụ cấp hằng tháng, trợ cấp 1 lần, các chế độ về bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe… cho người có công và thân nhân người có công. Đây cũng là tiền đề chính giúp Hải Dương không còn người có công thuộc diện hộ nghèo.

Việc hỗ trợ nhà ở cho người có công cũng được Hải Dương tích cực triển khai, giúp nhiều gia đình người có công cải thiện chất lượng cuộc sống. Tính đến tháng 6 năm nay, toàn tỉnh đã hoàn thành hỗ trợ 9.415 hộ người có công xây, sửa nhà ở (4.894 hộ xây mới và 4.521 hộ sửa chữa) theo Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở của Chính phủ. Từ năm 2022 đến nay, tỉnh còn triển khai hỗ trợ 512 hộ người có công với cách mạng thực sự khó khăn về nhà ở (gồm 179 hộ xây mới và 333 hộ sửa chữa) với mức hỗ trợ 60 triệu đồng/nhà xây mới và 25 triệu đồng/nhà sửa chữa, nguồn hỗ trợ từ tiền tăng thu từ đất năm 2021 cấp huyện được hưởng.

Công tác điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe đối với người có công và thân nhân được quan tâm. Năm 2023, HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND quy định mức chi thực hiện một số chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân của người có công với cách mạng, người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ của tỉnh, trong đó có quy định chi phí hỗ trợ đưa đón, ăn, ở với đối tượng điều dưỡng, phục hồi sức khỏe tập trung của tỉnh, qua đó góp phần nâng cao chất lượng công tác điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho người có công.

Trên cơ sở đó, hằng năm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tham mưu đưa khoảng 1.000 người có công và thân nhân đi điều dưỡng tập trung tại các trung tâm điều dưỡng ngoài tỉnh. Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Hải Dương bình quân mỗi năm đón từ 30 - 35 đợt điều dưỡng cho khoảng 3.500 - 5.000 lượt người có công trong tỉnh.

Ông Vũ Đức Khu (sinh năm 1953, xã Tân Việt, Thanh Hà) là bệnh binh mất 85% sức khỏe, mới đi điều dưỡng ở Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Hải Dương. Ông Khu phấn khởi cho biết: “Với những thương binh, bệnh binh nặng, hằng năm được đi điều dưỡng là vui lắm. Gặp lại đồng đội hàn huyên chuyện xưa, chuyện nay cảm thấy tinh thần phấn chấn hơn hẳn.”.

z5653790485229_f1016d0c3d7b1843f2fd55aab0ef65e0.jpg
Nhân viên Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Hải Dương chăm sóc sức khỏe cho thương binh, bệnh binh điều dưỡng tại đơn vị. Ảnh: Tuấn Anh

Chăm lo thiết thực

Ngoài chế độ ưu đãi theo quy định, hoạt động “uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa” ở Hải Dương cũng lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, với nhiều việc làm thiết thực. Nhiều năm nay, cứ đến dịp Ngày Thương binh, liệt sĩ 27/7, ngoài phần quà của Trung ương, tỉnh Hải Dương đều trích kinh phí tặng quà, thăm hỏi động viên người có công.

Năm nay, tỉnh trích hơn 33 tỷ đồng để tặng 56.181 suất quà đến người có công, thân nhân liệt sĩ, người thờ cúng liệt sĩ; tổ chức các đoàn thăm, tặng quà 36 người có công tiêu biểu, hoàn cảnh khó khăn; thăm, tặng quà 5 đơn vị nuôi dưỡng, điều dưỡng, điều trị cho người có công; tặng quà thương binh, bệnh binh nặng quê Hải Dương đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh) và Trung tâm Điều dưỡng thương binh Lạng Giang ( tỉnh Bắc Giang).

Mỗi dịp kỷ niệm Ngày Thương binh, liệt sĩ hằng năm, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đều phối hợp cùng các sở, ban, ngành, đoàn thể tổ chức thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại các đền, đài tưởng niệm, các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh. Thời gian gần đây, các tổ chức đoàn cơ sở còn hỗ trợ, tạo điều kiện cho một số tổ chức, cá nhân hảo tâm triển khai dự án phục dựng ảnh liệt sĩ. Kết quả, đến nay đã phục dựng được hàng trăm tấm ảnh liệt sĩ, mang đến niềm vui tinh thần to lớn cho các gia đình liệt sĩ.

z5655970493117_684218fa9f69fd373b252874e62728a4.jpg
Thành đoàn Hải Dương phối hợp tổ chức tư vấn, khám chữa bệnh miễn phí cho người có công ở phường Bình Hàn. Ảnh: Phương Linh

Theo Ủy ban MTTQ tỉnh Hải Dương, từ năm 2019, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” các cấp trong tỉnh đã nhận được khoảng 20 tỷ đồng, triển khai các hoạt động chăm lo cho người có công, thân nhân liệt sĩ, gia đình chính sách… Cả tỉnh hiện còn 36 Bà mẹ Việt Nam anh hùng đều đã được các đoàn thể, đơn vị nhận phụng dưỡng chăm sóc. Ngoài ra, nhiều tổ chức, đơn vị cũng chung tay chăm lo người có công với cách mạng thông qua các hoạt động như tặng quà, hỗ trợ kinh phí xây, sửa nhà ở, khám chữa bệnh…

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hải Dương luôn mãi khắc ghi, biết ơn những hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, thân nhân người có công với cách mạng trong công cuộc bảo vệ và dựng xây đất nước.

Đến tháng 6/2024, toàn tỉnh Hải Dương có 38.941 liệt sĩ; 226 người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; 767 người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến trước Cách mạng Tháng Tám; 22.684 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, 10.473 bệnh binh; 4.125 người được phong tặng, truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; 38 anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến; 10.527 người hoạt động kháng chiến và con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; 3.645 người hoạt động cách mạng bị địch bắt tù, đày; 88 người có công giúp đỡ cách mạng; 139.073 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc được tặng thưởng huân, huy chương.

THANH NGA
(0) Bình luận
Hải Dương “uống nước nhớ nguồn”