Hải Dương là một trong 33 tỉnh, thành phố có mức sinh cao ( trên 2,2 con)
Các đại biểu dự hội thảo
Sáng 11.11, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình (DS - KHHGĐ) tổ chức hội thảo cung cấp thông tin định hướng mới của Chương trình Dân số Việt Nam cho khoảng 130 nhà báo, phóng viên đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương, Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, một vấn đề nổi cộm là mức sinh giữa các vùng miền vẫn còn chênh lệch khá cao.
Hiện cả nước có 33 tỉnh, thành phố có mức sinh cao ( trên 2,2 con), chiếm 42% quy mô dân số; 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp ( dưới 2 con), chiếm 39% quy mô dân số. Hải Dương thuộc nhóm những địa phương có mức sinh cao.
Việc chênh lệch mức sinh này ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, đồng thời tác động trực tiếp tới sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Trong khi các địa phương có mức sinh cao gặp khó khăn trong việc giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe nhân dân, chất lượng giáo dục… thì các địa phương có mức sinh thấp kéo dài dẫn đến hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội…
Thực trạng này đặt vấn đề cấp thiết phải giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng miền. Trước mắt, Tổng cục DS - KHHGĐ định hướng đối với các địa phương có mức sinh cao cần xác định chỉ tiêu giảm mức sinh hằng năm, đặt mục tiêu mức sinh của mỗi tỉnh, thành phố đến năm 2025 và năm 2030. Tiếp tục thực hiện, nâng cao hiệu quả của các biện pháp hỗ trợ, khuyến khích người dân sinh ít con, khuyến khích các cặp vợ chồng không sinh con thứ 3. Đề xuất, ban hành các chính sách hỗ trợ, khuyến khích để thực hiện cuộc vận động “Dừng lại ở hai con để nuôi, dạy cho tốt”…
Đối với các địa phương có mức sinh thấp, cần bãi bỏ các quy định lên quan đến mục tiêu giảm sinh; sửa đổi, bổ sung và triển khai đồng bộ, hiệu quả chính sách khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con.
HUYỀN ANH