Năm 2024, dự toán thu thuế nội địa trên địa bàn tỉnh Hải Dương là 16.920 tỷ đồng, tăng hơn 12% so với năm 2023. Để hoàn thành dự toán, ngay từ đầu năm, Cục Thuế tỉnh Hải Dương đã triển khai nhiều biện pháp tập trung thúc đẩy thu ngân sách nhà nước.
Bám sát kết quả thu thực tế
Tháng 1/2024, Chi cục Thuế khu vực Ninh Thanh đã thu ngân sách nhà nước đạt gần 82 tỷ đồng, đạt trên 10,3% dự toán năm và gấp gần 3 lần cùng kỳ năm trước. Nhiều sắc thuế có số thu đạt tỷ lệ cao so với dự toán năm như thu nhập doanh nghiệp đạt 34,8%, thu nhập cá nhân 32,3%, giá trị gia tăng 26,4%; phí, lệ phí 64,5%... và đều cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Riêng lệ phí môn bài đã vượt 10,5% dự toán cả năm.
Từ đầu năm đến ngày 16/2, số thu ngân sách trên địa bàn thị xã Kinh Môn và huyện Kim Thành do Chi cục Thuế khu vực Kim Môn quản lý đạt gần 151 tỷ đồng, bằng gần 14% dự toán cả năm và gấp hơn 3,4 lần cùng kỳ năm trước. Nếu không tính tiền sử dụng đất thì số thu còn trên 105 tỷ đồng, đạt 30% dự toán cả năm, đã vượt 11% dự toán cả quý I/2024 và gấp hơn 2,8 lần cùng kỳ năm trước. Riêng lệ phí môn bài đã vượt 5% dự toán cả năm và gấp hơn 13 lần cùng kỳ năm trước, chủ yếu thu từ hoạt động thương mại điện tử. Đây là năm thứ 4 liên tục kết quả thu ngân sách của Chi cục Thuế khu vực Kim Môn tăng trong tháng đầu.
Kết quả thu ngân sách chung trong toàn tỉnh cũng rất ấn tượng. Trong tháng 1/2024, tổng thu ngân sách nội địa toàn tỉnh do ngành thuế Hải Dương quản lý đạt hơn 3.691 tỷ đồng, bằng 69% kế hoạch quý I, đạt 22% dự toán pháp lệnh giao cả năm và tăng 52% so với tháng 1/2023. Có 4/15 khoản thu vượt mức 100 tỷ đồng và đều tăng cao so với tháng 1/2023. Trong đó thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cao nhất đạt trên 1.645 tỷ đồng, đạt 28% dự toán, tăng 24%. Số thu lớn thứ 2 là từ khu vực công thương nghiệp, dịch vụ ngoài quốc doanh với 755,4 tỷ đồng, đạt 28% dự toán, tăng 57%. Thứ 3 là tiền sử dụng đất thu được 727,2 tỷ đồng, đạt 12% dự toán cả năm và gấp hơn 3,1 lần cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, trong nửa đầu tháng 2/2024, tổng thu ngân sách nội địa toàn tỉnh do ngành thuế quản lý đạt gần 400 tỷ đồng, chỉ đạt thêm khoảng 2% dự toán cả năm…
Nguyên nhân số thu tháng 2 thấp không chỉ do kỳ nghỉ Tết. Theo phân tích của ngành thuế, một số bất cập vẫn tồn tại trong quản lý thu ngân sách nhà nước. Nhiều hành vi vi phạm pháp luật về thuế vẫn nảy sinh, biến tướng phức tạp. Thói quen tiêu dùng văn minh vẫn còn nhiều hạn chế, nhiều người dân chưa có thói quen lấy hóa đơn khi mua hàng hóa. Việc triển khai bản đồ số hộ kinh doanh còn chậm. Quản lý các hoạt động thương mại điện tử còn nhiều lỗ hổng…
Nhiều giải pháp đồng bộ
Lường trước những khó khăn trong thu ngân sách nhà nước, các chi cục thuế trên địa bàn tỉnh đều tăng cường quản lý chặt chẽ các đối tượng thu, theo dõi tiến độ nộp ngân sách; đánh giá, phân tích các yếu tố tác động đến số thu và có các giải pháp quản lý thu hiệu quả. “Đơn vị hiện bám sát kết quả thu ngân sách thực tế từng tháng, từng quý để chủ động hoàn thành nhiệm vụ được giao”, ông Phạm Quang Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực Kim Môn cho biết.
Ngay từ cuối tháng 12/2023, Chi cục Thuế TP Hải Dương đã đồng bộ ra quân trên các địa bàn phường xã, rà soát, kiểm đếm hộ, thu phát tờ khai thuế, tuyên truyền các chính sách nghĩa vụ thuế của hộ kinh doanh. Kết quả, lập bộ bổ sung năm 2024 thêm 569 hộ và 579 triệu đồng tiền thuế, tương đương tăng 7% về số hộ, tăng 28% về thuế so với năm 2023. Tiền thuế bình quân cũng tăng từ 552.000 đồng/hộ/tháng lên 613.000 đồng/hộ/tháng. Tổng rà soát đưa vào lập bộ năm 2024 là 6.393 hộ. Trong đó đến hết tháng 1/2024, có 4.358 hộ đến ngưỡng nộp thuế, với tổng mức thuế khoán đạt 2,67 tỷ đồng/tháng… Theo ông Dương Văn Hà, Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP Hải Dương: “Thực hiện chặt chẽ quản lý hộ là một biện pháp căn bản bảo đảm hoàn thành dự toán thu ngân sách. Đồng thời cũng tạo cơ sở dữ liệu để lập bản đồ số hộ kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thuế theo quy định”.
Ngay từ đầu năm, Cục Thuế tỉnh Hải Dương đã phát động thi đua giao chỉ tiêu thực hiện thu ngân sách cụ thể cho từng phòng nghiệp vụ và chi cục thuế địa phương… Từng đơn vị tập trung nguồn lực, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quản lý thu; chống thất thu ngân sách; thu hồi nợ thuế như phối hợp thực hiện cưỡng chế tài khoản, hóa đơn; tạm dừng xuất nhập khẩu... Tăng cường số hóa trong quản lý thuế, mở rộng các dịch vụ thuế điện tử...
Các biện pháp chuyên môn được tăng cường nhằm vận hành hiệu quả hệ thống hóa đơn điện tử; thúc đẩy mở rộng hóa đơn điện tử có mã khởi tạo từ máy tính tiền. Tiếp tục triển khai chương trình “Hóa đơn may mắn”, tạo thói quen tiêu dùng văn minh. Hoàn thiện bản đồ số hộ kinh doanh. Rà soát công tác quản lý hộ, tăng cường điều tra doanh thu tính thuế theo quy định, bảo đảm chỉ tiêu tăng trưởng về số hộ, thuế…
“Cục Thuế tỉnh tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cấp, ban, ngành liên quan để quản lý chặt chẽ các nguồn thu ngân sách; chú trọng nuôi dưỡng nguồn thu và mở rộng cơ sở thu. Chủ động đồng hành cùng hoạt động của doanh nghiệp, người nộp thuế để xây dựng các kịch bản thu ngân sách phù hợp từng tháng, từng quý; đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao về thuế và hóa đơn nhằm kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật”, ông Bùi Đức Thanh, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh khẳng định.
THÀNH LONG