Người nước ngoài tới Hải Dương làm việc có xu hướng tăng nhanh đặt ra những thách thức không nhỏ trong công tác quản lý lực lượng lao động này.
Chặt từ cấp phép
Theo thống kê của Công an tỉnh, Hải Dương có khoảng 4.000 người nước ngoài, chủ yếu là các chuyên gia, lao động Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… đến làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.
Bà Đào Thu Hiền, Trưởng Phòng Lao động - Việc làm (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết để tạo điều kiện cho các chuyên gia, lao động nước ngoài tới Hải Dương làm việc, đơn vị đã rút ngắn 50% thời gian thực hiện các thủ tục hành chính liên quan. Giảm thời gian cấp giấy phép nhưng không buông lỏng. Các quy trình, thủ tục vẫn được kiểm soát chặt. Trong quá trình nộp hồ sơ cấp giấy phép lao động, các doanh nghiệp thường thiếu thành phần hồ sơ hoặc thành phần hồ sơ bị sai thông tin, thông tin chưa chính xác trong các tài liệu như công văn đề nghị cấp giấy phép lao động, giấy chứng nhận kinh nghiệm làm việc, tài liệu chứng minh là chuyên gia, nhà quản lý. Một số hồ sơ sai thông tin trong giấy khám sức khỏe, lý lịch tư pháp…
"Từ đầu năm đến ngày 15/11, trong tổng số gần 3.000 hồ sơ cấp phép cho lao động nước ngoài thì chúng tôi đã trả lại gần 700 hồ sơ do không đủ điều kiện”, bà Hiền cho biết.
Thường xuyên phải mời chuyên gia, lao động từ nước ngoài tới chuyển giao công nghệ, đào tạo lao động nên lãnh đạo, cán bộ Công ty TNHH Hàng tiêu dùng Kim Dương Việt Nam ở khu công nghiệp Cộng Hoà (Chí Linh) thấy rõ sự thay đổi trong công tác quản lý lao động nước ngoài của tỉnh. “Việc thực hiện các thủ tục hành chính, quy trình liên quan đến cấp phép cho lao động nước ngoài làm việc tại Hải Dương hiện khá nhanh chóng, thuận lợi. Hầu hết quy trình cấp phép được thực hiện chặt chẽ. Các điều kiện để người lao động là người nước ngoài được cấp phép cũng được kiểm tra rất kỹ”, ông Wang Yong Qiang, Giám đốc bộ phận kỹ thuật công trình của công ty nói.
Tăng cường quản lý
Lực lượng lao động là người nước ngoài có kinh nghiệm, trình độ vào làm việc tại các doanh nghiệp trong tỉnh đáp ứng phần nào sự thiếu hụt nhân lực cho những lĩnh vực mới, đòi hỏi công nghệ cao, dây chuyền sản xuất hiện đại.
Từ ngày 15/8, nhiều chính sách mới về thị thực tại Việt Nam có hiệu lực như cấp thị thực điện tử cho các công dân nước ngoài. Thị thực điện tử có thời hạn lên đến 90 ngày thay vì 30 ngày như trước đây. Công dân các nước được Việt Nam miễn thị thực được cấp tạm trú tới 45 ngày thay vì 15 ngày. Thủ tục xét duyệt nhập cảnh cũng dễ dàng hơn (không cần tổ chức, cá nhân mời bảo lãnh).
Đại diện Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an tỉnh Hải Dương) cho rằng do có những thông thoáng nhất định trong chính sách nhập cảnh nên việc quản lý cư trú của người nước ngoài, nhất là lao động là người nước ngoài càng phải được tăng cường, siết chặt hơn để kịp thời ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật.
Tháng 10/2022, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 13/2022/QĐ-UBND về quy chế phối hợp quản lý người lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Quy chế này áp dụng đối với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến công tác quản lý người lao động nước ngoài.
Tháng 7/2023, UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan tích cực phối hợp với chính quyền các địa phương trong việc quản lý người nước ngoài. Lực lượng công an các cấp tăng cường quản lý cư trú, hoạt động của người nước ngoài trên địa bàn tỉnh. Đây là cơ sở để Hải Dương quản lý hiệu quả, tạo điều kiện cho người nước ngoài làm việc tại Hải Dương thuận lợi nhưng vẫn tuân thủ các quy định liên quan.
Từ đầu năm đến hết tháng 11, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an tỉnh) đã kiểm tra việc chấp hành các quy định về xuất, nhập cảnh, cư trú của người nước ngoài tại 62 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đều chấp hành cơ bản tốt các quy định liên quan đến lao động nước ngoài làm việc và cư trú tại tỉnh. Trong quá trình kiểm tra, các doanh nghiệp cũng được tuyên truyền, phổ biến các quy định liên quan đến quản lý hoạt động của người nước ngoài tại Hải Dương để thực hiện đúng.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng bám sát và thực hiện nghiêm các quy định về quản lý, cấp phép, sử dụng lao động nước ngoài; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động Việt Nam với các hình thức phong phú, phù hợp để người sử dụng và lao động nước ngoài hiểu được quyền lợi, nghĩa vụ của họ theo đúng quy định.
Từ đầu năm đến đầu tháng 11, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hải Dương đã tiếp nhận và giải quyết gần 3.000 lượt hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài, trong đó có gần 1.500 lao động xin cấp giấy phép mới, gần 900 lao động xin gia hạn và hơn 200 người xin cấp lại.
BẢO ANH