Hải Dương quản lý tiền công đức tại các di tích như thế nào?

15/04/2023 16:40

Hải Dương có hàng nghìn di tích lịch sử văn hoá gắn với những lễ hội lớn. Lượng du khách đến tham quan, chiêm bái và công đức tại các di tích hằng năm khá lớn.


Người dân tự tay bỏ tiền công đức vào hòm tại Văn miếu Mao Điền (Cẩm Giàng)

Sau khi dâng hương tại Văn miếu Mao Điền (Cẩm Giàng), một nhóm du khách tới từ huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) phát tâm công đức. Sau khi ghi đầy đủ thông tin của du khách, nhân viên di tích hướng dẫn họ tự bỏ tiền vào hòm công đức là két sắt, có mã khoá, bên ngoài dán niêm phong của Phòng Kế hoạch - Tài chính huyện Cẩm Giàng. Nhiều nơi trong khuôn viên di tích, trong đó có nơi ghi nhận công đức đều được lắp camera giám sát. 

Ông Hà Quang Thành, Trưởng Ban Quản lý di tích huyện Cẩm Giàng cho biết không chỉ ở Văn miếu Mao Điền mà ở tất cả các di tích khác do huyện quản lý như đền Bia, chùa Giám, công tác quản lý tiền công đức cũng được thực hiện chặt chẽ như vậy. 

Cách đây gần 10 năm, tiền công đức tại di tích quốc gia đền Tranh ở xã Đồng Tâm (Ninh Giang) có giai đoạn nghi bị lấy trộm khi số tiền trong hòm công đức chỉ bằng, thậm chí thấp hơn số tiền ghi trong sổ công đức. Ban Quản lý di tích sau đó đã tăng cường camera an ninh, bố trí nơi ghi sổ công đức, hòm công đức tại nơi dễ quan sát. UBND xã yêu cầu trong quá trình niêm phong, mở két kiểm tiền, ngoài cán bộ Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện phải có lãnh đạo UBND, đại diện các ban, ngành, đoàn thể, công an xã, đại diện nhân dân các thôn. Cứ 2 năm, các thôn lại đổi người tham gia kiểm đếm tiền công đức. 

Tìm hiểu tại nhiều di tích lớn trong tỉnh cho thấy công tác quản lý, sử dụng tiền công đức được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ. Bà Nguyễn Thị Thùy Liên, Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cho biết Ban Quản lý di tích thành lập Tổ tiếp nhận công đức, xây dựng quy chế hoạt động rõ ràng. Khu vực ghi công đức có lực lượng bảo vệ thường trực, camera an ninh giám sát 24/24. TP Chí Linh còn thành lập tổ kiểm két (hòm công đức) gồm 10 thành phần, trong đó có lãnh đạo MTTQ, Văn phòng HĐND - UBND, Phòng Văn hoá - Thông tin, Công an, lãnh đạo chính quyền địa phương, đại diện nhân dân nơi có di tích… Quy chế quản lý, sử dụng tiền công đức được thông báo và niêm yết công khai. 

Việc quản lý, thu chi tiền công đức tại các di tích ở Hải Dương (ở những di tích có Ban Quản lý di tích, chủ yếu là cấp huyện và cấp tỉnh) vẫn đang được thực hiện theo công văn hướng dẫn về thu, chi nguồn công đức tại di tích của Sở Tài chính từ khoảng năm 2012. Tất cả tiền công đức được bỏ vào hòm công đức có niêm phong của chính quyền. Chính quyền thành lập Ban kiểm két hoặc Ban kiểm tiền công đức với sự tham gia của nhiều thành phần, trong đó phải có đại diện Sở Tài chính (đối với di tích do tỉnh quản lý) hoặc Phòng Tài chính (đối với di tích do huyện quản lý).


Tất cả các di tích lớn trong tỉnh đều đã lắp hệ thống camera giám sát tại khuôn viên di tích, nơi ghi công đức và đặt hòm công đức 

Để phòng chống thất thoát tiền công đức, những năm gần đây, Ban Quản lý các di tích đều gắn camera giám sát tại các khu vực ban thờ, bàn ghi công đức, hòm công đức. Việc kiểm đếm tiền công đức được thực hiện theo thực tế. Vào dịp đầu xuân do lượng khách đông nên cứ từ 2-7 ngày, Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc lại báo cáo mở két một lần, còn lại bình quân mỗi tháng mở một lần. Các Ban Quản lý di tích khác trong tỉnh cũng thực hiện việc mở két hoặc hòm công đức cơ bản như vậy. 

Theo tìm hiểu của phóng viên, các di tích lớn tại Hải Dương có nguồn thu công đức từ 2-11 tỷ đồng/năm. Theo quy định, Ban Quản lý các di tích được giữ lại tối đa không quá 15% tổng số tiền công đức để làm công tác chi thường xuyên như in ấn tài liệu, mua sổ sách, quảng bá về di tích, vệ sinh môi trường, trả lương cho lao động hợp đồng… Ban Quản lý các di tích gửi số tiền này vào ngân hàng, khi sử dụng đều phải có đầy đủ hoá đơn, chứng từ với sự hướng dẫn, giám sát của Kho bạc Nhà nước cùng cấp. 85% số tiền công đức còn lại gửi về ngân sách địa phương (di tích cấp tỉnh quản lý thì gửi về ngân sách tỉnh, di tích cấp huyện quản lý thì gửi về ngân sách huyện) để phục vụ việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trùng tu, bảo tồn và phát huy các giá trị di tích. 

Đại diện Thanh tra Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết hằng năm qua thanh tra cho thấy, việc quản lý, thu chi tiền công đức tại các di tích được thực hiện chặt chẽ, chưa phát hiện vi phạm nào.
Từ ngày 19.3.2023, Thông tư số 04/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội đã có hiệu lực. Các cơ quan liên quan của tỉnh đã và đang lấy ý kiến của các Ban quản lý di tích, các đơn vị để xây dựng, áp dụng quy chế quản lý, sử dụng tiền công đức mới trong thời gian tới.

BÌNH MINH

(0) Bình luận
Hải Dương quản lý tiền công đức tại các di tích như thế nào?