Camera giám sát hữu ích không có nghĩa là cần luật hoá, bắt buộc lắp trên xe.
Thiết bị giám sát hành trình (hộp đen), được gắn trên xe, có thể lưu lại lộ trình xe đã di chuyển kèm theo nhiều thông tin khác như vận tốc, vị trí, trạng thái hoạt động của xe, sự thay đổi tài xế...
Còn các thiết bị thu thập thông tin, hình ảnh về hành trình của xe (camera hành trình) có chức năng ghi lại hình ảnh, âm thanh (trong và ngoài xe, hoặc cả hai) trong quá trình xe di chuyển hoặc đang đỗ.
Thông tin thu thập được từ hai dạng thiết bị này đều có thể được lưu trữ, phát sóng tới người có quyền truy cập.
Về lý thuyết, đối với việc cho thuê xe dịch vụ, lắp đặt thiết bị giám sát hay camera hành trình giúp công ty cho thuê kiểm soát quãng đường di chuyển của người thuê và giám sát người lái. Dù vậy, khi tôi hỏi tại sao không có, họ đều nói làm vậy là xâm phạm quyền riêng tư của người thuê xe.
Camera hành trình là bất hợp pháp ở Áo - nơi chính quyền có thể phạt người sử dụng tới 10.000 euro và 25.000 euro nếu tái phạm. Thiết bị này cũng bị cấm ở Luxembourg, nơi bất kỳ ai bị phát hiện quay phim ở khu vực công cộng đều có thể đối mặt với án phạt. Bồ Đào Nha cũng đã đặt camera hành trình ra ngoài vòng pháp luật, khiến việc sở hữu hoặc sử dụng nó là bất hợp pháp.
Một số quốc gia EU cho phép người lái xe quay phim đường đi nhưng áp đặt các hạn chế khi chia sẻ và sử dụng cảnh quay. Đức cho phép sử dụng camera hành trình nhưng cấm đăng bất kỳ cảnh quay giao thông nào lên mạng xã hội vì vi phạm quyền riêng tư. Cả Pháp và Bỉ đều quy định dữ liệu này chỉ được "sử dụng riêng", nghĩa là cảnh quay không thể được chia sẻ công khai và người sở hữu cần thông báo cho những lái xe khác trước khi chia sẻ video với cảnh sát nếu có va chạm.
Nhiều quốc gia như Đan Mạch, Italy, Hà Lan, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Anh, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ... chấp nhận camera hành trình nhưng không nước nào bắt buộc sử dụng thiết bị này. Đây hoàn toàn là quyền cá nhân của mỗi chủ xe. Tại Mỹ, các xe cảnh sát buộc phải lắp camera hành trình vì họ phải thu thập bằng chứng khi ở tuyến đầu vụ việc hoặc hiện trường vụ án. Nếu không phải là xe chuyên dụng, việc lắp hay không lắp thiết bị giám sát này hoàn toàn là quyền lựa chọn cá nhân.
Tuy nhiên, camera hành trình vẫn phố biển bởi tính hữu ích về nhiều mặt. Khi xảy ra tai nạn, thiết bị này giúp người bị nạn và cảnh sát phân định lỗi. Ở nhiều nước, những cảnh quay này đều được coi là bằng chứng nộp lên tòa nếu xảy ra tranh chấp không thể giải quyết dân sự. Các công ty bảo hiểm nước ngoài còn trả thêm tiền để chủ xe lắp camera, bởi có quá nhiều trường hợp cố tình va chạm vào các xe đi chậm để trục lợi bảo hiểm. Một số camera hành trình còn tích hợp cảnh báo áp suất lốp, cảnh báo quá tốc độ, thậm chí cảnh báo nếu tài xe ngủ gật. Đây là những tính năng phụ trội mang thêm giá trị cho thiết bị này.
Với nhiều lợi điểm như vậy, nên trái ngược với sự thận trọng của các quốc gia tôi vừa đề cập ở trên, tại nhiều nơi khác, như Hàn Quốc, camera hành trình gần như là một phụ kiện "bắt buộc" khi sắm ôtô mới. Người lái xe nào không có thiết bị giám sát hành trình sẽ cảm thấy "thiệt thòi", thiếu tự tin.
Mới đây, tại Dự thảo lần 4 của Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đề xuất xe cơ giới, xe máy tham gia giao thông cần có "thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe...".
Đề xuất trên gây nghi ngại ở hai điểm quan trọng: tính bắt buộc của thiết bị đối với xe cá nhân, và yêu cầu giám sát hình ảnh không chỉ ngoài mà cả trong cabin. Nếu không thể lý giải thuyết phục các câu hỏi xung quanh hai vấn đề này, tôi cho là đề xuất trên thiếu hợp lý, thậm chí xung đột với các quy định pháp luật hiện hành.
Lo ngại đầu tiên liên quan tới quyền riêng tư. Nghị định số 13/2023 về bảo vệ dữ liệu cá nhân có hiệu lực thi hành từ 1/7/2023. Quy định bắt buộc các ôtô kinh doanh vận tải lắp thiết bị giám sát hành trình (hộp đen), thu thập hình ảnh tài xế cũng đã áp dụng từ 1/7/2023. Dữ liệu từ các phương tiện này được yêu cầu truyền về hệ thống phần mềm của Cục Đường bộ Việt Nam, phục vụ công tác quản lý nhà nước.
Dự thảo hiện tại chưa có quy định cụ thể về cách thức quản lý dữ liệu thu thập được từ xe cá nhân: Khi nào và cơ quan nào được phép yêu cầu truy xuất dữ liệu đó? Dữ liệu cá nhân được bảo mật ở mức độ nào? Nhưng kể cả trong trường hợp, dữ liệu thuộc sở hữu cá nhân, cơ quan quản lý không được truy nhập khi chưa được phép, thì việc bắt buộc lắp thiết bị giám sát cũng gây ra nhiều rủi ro về mặt bảo mật dữ liệu, xâm phạm quyền riêng tư cá nhân.
Ở điểm này, tôi cho rằng, dù thiết bị giám sát có những lợi ích đáng kể, không chỉ cho chủ xe, mà còn cho công việc điều tra sai phạm, xử lý tranh chấp của nhà chức trách, thì quyền riêng tư cá nhân phải được đặt lên cao hơn hết. Sử dụng hay không thiết bị giám sát trên xe là lựa chọn cá nhân, không nên luật hóa.
Điểm cốt yếu thứ hai là tính hợp lý, khoa học làm cơ sở cho quy định này. Việc lắp đặt thiết bị giám sát đòi hỏi can thiệp vào hệ thống điện, có thể mất an toàn nếu bên lắp đặt thiếu kinh nghiệm. Ngoài ra, quy định bắt buộc sẽ cần đi kèm với tiêu chuẩn kỹ thuật của thiết bị như: độ phân giải, thời gian lưu trữ, các tính năng bổ sung... Nếu không, các chủ xe có thể chỉ lắp loại không đạt tiêu chuẩn để đối phó, dẫn tới nguy cơ cháy nổ.
Vì vậy, nếu áp đặt chính sách bắt buộc thiết bị giám sát hành trình cho xe cá nhân, tốt hơn hết là áp dụng ngay từ khi xe xuất xưởng, tức là yêu cầu bắt buộc đối với nhà sản xuất hay nhà nhập khẩu, thay vì với chủ xe. Nhưng việc này, tôi cho là khó khả thi.
Không xác định được điểm dừng của pháp luật sẽ dẫn tới việc ban hành nhiều quy định không cần thiết, thiếu khả thi, thậm chí khiến luật bị lạm dụng.
Theo VnExpress