Chuyển đổi số

Hải Dương phát triển du lịch thông minh

VĂN NGHIỆP 22/09/2023 06:00

Ứng dụng các giải pháp công nghệ trong lĩnh vực du lịch giúp cơ quan nhà nước, doanh nghiệp lữ hành dễ quản lý, quảng bá sản phẩm và du khách thuận lợi tiếp cận dịch vụ du lịch ở Hải Dương.

00:00

W_thuc-te-ao1.jpg
Người dân trải nghiệm công nghệ thực tế ảo tham quan Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn-Kiếp Bạc tại sự kiện về trí tuệ nhân tạo ngày 18/8/2023 ở Hải Dương. Ảnh: Thành Chung

Xu hướng tất yếu

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển du lịch thông minh trở thành xu thế tất yếu với ngành "công nghiệp không khói". Thời gian qua, cùng với cả nước, Hải Dương luôn quan tâm ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động du lịch.

Từ tháng 3/2022, Tỉnh đoàn Hải Dương bắt đầu thực hiện Công trình thanh niên "Bản đồ số hóa các địa danh lịch sử" tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc (Chí Linh), đình Đinh Văn Tả (TP Hải Dương) và cây vải tổ (Thanh Hà). Du khách đến tham quan các di tích này có thể sử dụng điện thoại thông minh quét mã QR để nghe thuyết minh tự động, thông tin đầy đủ về di tích mình đang tham quan gồm cả tiếng Việt và tiếng Anh. Tính đến tháng 9/2023, các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã số hóa được hơn 100 điểm di tích, nhiều nhất ở TP Hải Dương, TP Chí Linh và các huyện Ninh Giang, Nam Sách.

Các điểm di tích, các doanh nghiệp lữ hành trong tỉnh cũng chủ động giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, dịch vụ du lịch trên website và các nền tảng mạng xã hội của đơn vị mình. Bà Nguyễn Thị Huê, Giám đốc Bảo tàng Hải Dương cho biết là điểm du lịch cấp tỉnh nên bảo tàng chú trọng giới thiệu các hoạt động trưng bày, trải nghiệm nghề truyền thống tại đây thông qua Fanpage "Bảo tàng Hải Dương", nhóm Facebook "Tôi yêu bảo tàng tỉnh Hải Dương" và các nhóm Facebook có nhiều thành viên khác. Qua đó thu hút đông đảo học sinh, du khách đến tham quan.

Khu du lịch sinh thái Đảo Cò, xã Chi Lăng Nam (Thanh Miện) là điểm du lịch đầu tiên ở Hải Dương bán vé điện tử cho khách tham quan thông qua phần mềm VNPT E-Ticket. Phần mềm này có giao diện đơn giản, dễ sử dụng, công khai, giúp địa phương quản lý tốt hoạt động bán vé tại khu du lịch. Ông Phạm Văn Hoàn ở TP Hải Dương đến tham quan tại đây cho biết: "Mua vé dịch vụ đi thuyền ra tham quan Đảo Cò tôi chỉ cần báo số lượng người trong đoàn, sau đó rất nhanh được nhân viên bán vé điện tử thao tác trên máy tính rồi in toàn bộ 37 vé cho đoàn".

W_mua-ve-dien-tu.jpg
Du khách mua vé điện tử tham quan Đảo Cò ở xã Chi Lăng Nam (Thanh Miện)

Xác định thế mạnh du lịch

Tuy nhiên, việc ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động du lịch của Hải Dương còn ít, nhỏ lẻ, chưa có hệ thống. Công tác tuyên truyền, quảng bá trên các nền tảng công nghệ, mạng xã hội chưa tương xứng với tiềm năng du lịch của tỉnh. Để phát triển du lịch thông minh trước hết Hải Dương cần xác định thế mạnh là du lịch tâm linh và du lịch trải nghiệm, từ đó xây dựng cơ sở dữ liệu du lịch đồng bộ và áp dụng giải pháp công nghệ phù hợp.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương sẽ tham mưu cho tỉnh triển khai Dự án "Xây dựng hệ thống du lịch thông minh" trong thời gian tới nhằm phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh tại Hải Dương, hỗ trợ kết nối hiệu quả giữa cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, doanh nghiệp lữ hành, khách du lịch và các chủ thể liên quan.

Theo Phòng Quản lý du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương), cốt lõi của dự án trên là xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành du lịch gồm khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú, doanh nghiệp lữ hành, doanh nghiệp vận tải khách, cơ sở kinh doanh các loại dịch vụ, hướng dẫn viên... Các cơ quan, đơn vị của ngành du lịch và các ngành liên quan cần số hóa dữ liệu du lịch và cung cấp dữ liệu đã được số hóa để làm giàu cơ sở dữ liệu du lịch. Từ đó xây dựng Cổng thông tin du lịch Hải Dương, app du lịch thông minh kết nối với cơ sở dữ liệu du lịch với thông tin đầy đủ về các điểm đến, sản phẩm và dịch vụ du lịch. Tích hợp các ứng dụng tư vấn cho du khách, đặt và thanh toán dịch vụ trực tuyến để du khách dễ dàng lựa chọn tour du lịch phù hợp...

Bà Nguyễn Thị Huê, Giám đốc Bảo tàng Hải Dương cho biết thêm, ngoài việc số hóa các hiện vật, di vật quan trọng, Bảo tàng tỉnh mong muốn xây dựng app du lịch trên điện thoại thông minh, tích hợp trình chiếu 2D, 3D giới thiệu tổng quan về bảo tàng để du khách và các em học sinh trải nghiệm, lựa chọn khu vực tham quan khi đến với bảo tàng.

VNPT Hải Dương đã xây dựng thử nghiệm hệ thống du lịch thông minh với trải nghiệm thực tế ảo tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn-Kiếp Bạc. Khi bước vào không gian của hệ thống, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những hình ảnh 360 độ từ trên cao bao quát toàn thể di tích. Dưới sự hướng dẫn của trợ lý ảo, du khách có thể lựa chọn các điểm đến theo sở thích hoặc theo lịch trình. Khi triển khai trong thực tế, du khách hoàn toàn có thể trải nghiệm công nghệ hiện đại này trên app du lịch.

VĂN NGHIỆP
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hải Dương phát triển du lịch thông minh