Chiều 6/9, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Hiệp hội Du lịch tỉnh Hải Dương tổ chức tọa đàm “Liên kết phát triển tuyến, điểm du lịch tỉnh Hải Dương năm 2023”.
Hơn 100 đại biểu của các sở, ngành, Hiệp hội Du lịch tỉnh, các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, nhà hàng, Ban Quản lý di tích, khu, điểm du lịch, Phòng Văn hóa 12 huyện, thị xã, thành phố, các cơ sở đào tạo nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh… dự tọa đàm.
Tại buổi tọa đàm, đại diện Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc và Bảo tàng tỉnh cùng cho rằng, việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù là yếu tố quan trọng thu hút khách du lịch. Thời gian qua, Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đã xây dựng thành công sản phẩm trà sen Kiếp Bạc, trà hoa cúc Côn Sơn. Bảo tàng tỉnh đã phục dựng và đưa vào hoạt động trải nghiệm một số nghề truyền thống: làm gốm, làm cốm; các trò chơi dân gian như kéo co, bắt chạch trong chum, bịt mắt đánh trống, chơi ô ăn quan, chơi chuyền... Với các sản phẩm du lịch này, di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, Bảo tàng tỉnh đã thu hút đông đảo học sinh, du khách đến tham quan.
Tuy nhiên, việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù của các điểm di tích, du lịch còn nghèo nàn, hạn chế. Các đại biểu cho rằng, thời gian tới, cần tập trung phát triển hơn nữa về du lịch tâm linh, lễ hội, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chữa bệnh, du lịch vui chơi giải trí, trải nghiệm. Nâng cấp, xây dựng hoàn thiện bộ nhận diện thương hiệu du lịch Hải Dương từ logo, slogan, túi quà tặng. Ngoài ra, cần ứng dụng công nghệ, phát triển du lịch thông minh.
Một số ý kiến khác cho rằng Hải Dương cần thay đổi cách làm du lịch. Ngay từ khâu tiếp đón, bán vé, thuyết minh cần thân thiện, chuyên nghiệp hơn. Mỗi mùa lễ hội cần xây dựng chủ đề mang màu sắc khác biệt, mỗi di tích gắn với một câu chuyện hấp dẫn để lôi cuốn du khách. Công tác vệ sinh môi trường cần làm tốt hơn. Liên kết, mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào các di tích. Ngoài du lịch học đường, cần khai thác thị trường công nhân ở các khu, cụm công nghiệp tại Hải Dương. Cần tổng hợp tất cả các lễ hội ở Hải Dương thành dữ liệu ngắn gọn, cung cấp cho các tour, tuyến.
Các đại biểu cũng phân tích nhiều hạn chế, khó khăn, thách thức khác trong hoạt động du lịch như giao thông yếu kém, hệ thống bến bãi chật hẹp, các khu dịch vụ chưa được quy hoạch gọn gàng, khoa học. Việc liên kết giữa cơ quan nhà nước, doanh nghiệp lữ hành với các điểm đến, khu, điểm du lịch trong tỉnh và cơ sở lưu trú du lịch chưa hiệu quả. Các đại biểu đề ra nhiều giải pháp về đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ. Có cơ chế chính sách ưu tiên, phát triển du lịch, nhất là du lịch trải nghiệm ở nông thôn…
Tại buổi tọa đàm, 4 Ban Quản lý di tích: Côn Sơn - Kiếp Bạc, TP Chí Linh, huyện Cẩm Giàng và thị xã Kinh Môn, 3 Công ty TNHH: Du lịch Quốc tế Dòng Chảy Việt, Du lịch Xuyên Việt, Du lịch Thanh Lộc ký kết hợp tác phát triển du lịch.
LÊ HƯƠNG