Tăng trưởng vốn ủy thác địa phương để thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh là mục tiêu Hải Dương đang phấn đấu.
Chiều 11/12, đồng chí Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì buổi làm việc của Thường trực Tỉnh ủy với đoàn công tác của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam do đồng chí Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng làm Trưởng đoàn.
Cùng dự buổi làm việc có các đồng chí: Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh; một số đồng chí lãnh đạo sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng cảm ơn sự đồng hành, hỗ trợ của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, chúc mừng những kết quả tích cực trong hoạt động của toàn hệ thống nói chung, chi nhánh tỉnh nói riêng.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội quan tâm những đề xuất, kiến nghị của Hải Dương tại buổi làm việc, với 3 nhóm nội dung chính: phân bổ nguồn vốn tăng trưởng hằng năm, nhất là nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay nhà ở xã hội; ưu tiên cân đối, bố trí vốn trung ương hằng năm đối ứng vốn ủy thác địa phương; nghiên cứu, báo cáo trình Chính phủ xem xét nâng mức cho vay tối đa chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường lên tối thiểu 25 triệu đồng/công trình (hiện ở mức 10 triệu đồng/công trình), bổ sung đối tượng cho vay.
Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng khẳng định Hải Dương quyết tâm phấn đấu đến cuối năm 2025, nguồn vốn ủy thác địa phương của tỉnh sẽ đạt mức tối thiểu 15% tổng nguồn vốn. Đề nghị UBND tỉnh xem xét, rà soát để chuyển nguồn vốn từ một số quỹ liên quan sang Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả cho vay tín dụng chính sách. Đề nghị UBND tỉnh, sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan và Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ tín dụng chính sách.
Tại buổi làm việc, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam Dương Quyết Thắng nhấn mạnh với khẩu hiệu của toàn hệ thống là “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, thời gian qua, tín dụng chính sách đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Đồng chí cam kết luôn đồng hành cùng Hải Dương trong thúc đẩy tín dụng chính sách, nhất là đối ứng vốn kịp thời khi tỉnh chuyển nguồn vốn ủy thác địa phương.
Nhân dịp này, Công đoàn Ngân hàng Chính sách xã hội trao tặng Hải Dương 1 tỷ đồng kinh phí xây nhà "đại đoàn kết".
Theo số liệu tại buổi làm việc, đến ngày 31/12/2023, tổng nguồn vốn hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Hải Dương ước đạt 4.880 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn nhận ủy thác đầu tư tại địa phương 267 tỷ đồng, tương đương 5,6% tổng nguồn vốn. Riêng năm 2023, vốn ủy thác địa phương đạt 138 tỷ đồng, tăng 109% so với năm 2022, trong đó vốn ngân sách tỉnh 130 tỷ đồng.
Tổng dư nợ đến ngày 31/12/2023 ước đạt 4.767 tỷ đồng, chủ yếu tập trung tại các chương trình tín dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm, học sinh sinh viên, nhà ở xã hội, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Dư nợ của các chương trình này chiếm 99,6% tổng dư nợ tín dụng chính sách toàn tỉnh.
Tính từ năm 2003, kể từ khi thành lập Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Hải Dương đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần tích cực giúp 106.694 hộ thoát nghèo; thu hút, tạo việc làm cho 46.215 lao động; giúp 118.518 học sinh, sinh viên hoàn cảnh khó khăn được vay vốn trang trải chi phí học tập; xây dựng 458.138 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, 3.788 căn nhà (2.878 căn nhà ở cho hộ nghèo, 910 căn nhà ở xã hội); cho 6.801 người lao động vay để đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; cho 13 người sử dụng lao động vay để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất đối với 1.011 người lao động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.