Chuyển đổi số

Hải Dương nỗ lực nâng hạng chuyển đổi số

VĂN NGHIỆP 03/09/2023 15:00

Hải Dương đã và đang tích cực thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, từng bước xây dựng chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, nhằm phát triển kinh tế-xã hội, tạo thuận lợi cho người dân.

00:00

Thứ hạng tăng

W_ai-tri-thue-nhan-tao.jpg
Người dân tham quan gian trưng bày, giới thiệu giải pháp, sản phẩm công nghệ số tại sự kiện về trí tuệ nhân tạo ngày 18.8. Ảnh: Mai Anh

Một trong những yếu tố quyết định đến thành bại của chuyển đổi số là vai trò quan trọng của người đứng đầu. Phát biểu tại Hội nghị cập nhật kiến thức về Fintech (công nghệ tài chính), AI (trí tuệ nhân tạo), Blockchain (công nghệ chuỗi khối), Cloud (công nghệ điện toán đám mây) cho nhà quản lý và hoạch định chính sách sáng 18/8, đồng chí Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Công nghệ thông tin tỉnh nhấn mạnh Hải Dương xác định triển khai chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức. Đề cập đến Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Nghị quyết 06 về chuyển đổi số cũng như Ngày Chuyển đổi số tỉnh 26.3 hằng năm, đồng chí Trần Đức Thắng nhấn mạnh Hải Dương xác định một số nhiệm vụ trọng tâm phát triển các nền tảng phục vụ chuyển đổi số, ưu tiên ứng dụng một số công nghệ cốt lõi có thể đi tắt đón đầu và có khả năng bứt phá mạnh mẽ như AI, Blockchain, Fintech, Cloud… Từ đó tạo ra các mô hình quản lý, kinh doanh mới, sản phẩm, dịch vụ mới có giá trị cao.

Hải Dương đã và đang từng bước xây dựng chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Từng bước ứng dụng công nghệ AI, Big data (dữ liệu lớn) để góp phần phát triển 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số, xã hội số nhằm chuyển đổi cách thức hoạt động, chỉ đạo, điều hành từ mô hình truyền thống sang môi trường số.

Theo công bố của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Hải Dương xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) năm 2022, tăng 1 bậc so với năm 2021. Đặc biệt, lần đầu tiên Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá cổng dịch vụ công các bộ, ngành, địa phương và Hải Dương là một trong 9 tỉnh, thành phố đạt mức A, xếp thứ 4 cả nước.

Ông Trần Quốc Khánh, Phó Giám đốc Trung tâm Kinh doanh VNPT Hải Dương cho rằng có 2 lý do chính giúp DTI năm 2022 tăng là tỉnh đã tăng cường triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến, nhất là dịch vụ công trực tuyến toàn trình (mức độ 4), thanh toán không dùng tiền mặt tăng lên và làm tốt Đề án Ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh (Đề án 06).

Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh đã kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia, cổng hỗ trợ thanh toán trực tuyến quốc gia, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ công tác giải quyết thủ tục hành chính. Trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh đang cung cấp 1.889 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 581 dịch vụ công trực tuyến toàn trình (mức độ 4); 630 dịch vụ công trực tuyến được tích hợp trên cổng dịch vụ công quốc gia. Tính đến cuối tháng 6 vừa qua, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của tỉnh đạt 89%, tăng 33% so với cuối năm 2022; xếp thứ 12 cả nước về thanh toán không dùng tiền mặt.

TP Hải Dương là một trong những địa phương đi đầu trong tỉnh về chuyển đổi số khi yêu cầu tất cả các xã, phường từ đầu năm 2023 thực hiện 100% thủ tục hành chính trực tuyến. Công an tỉnh được Bộ trưởng Công an biểu dương về hoàn thành chỉ tiêu cấp căn cước công dân trước thời hạn. Huyện Tứ Kỳ đi đầu trong cả nước tổ chức “Ngày hội công dân số”, điển hình về cách thức giúp người dân sử dụng dịch vụ chữ ký số để thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến, sử dụng các nền tảng thương mại điện tử...

Phấn đấu lọt top 10

W_f45ve3t4br.jpg
Đoàn viên thanh niên xã Tái Sơn (Tứ Kỳ) hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến (ảnh cơ sở cung cấp)

Trong 5 tiêu chí xếp hạng liên quan đến nền tảng chung, năm 2022, Hải Dương có 3 tiêu chí tụt hạng so với năm 2021 là thể chế số, hạ tầng số và an toàn thông tin mạng; 2 tiêu chí tăng hạng là nhận thức số và nhân lực số. Đây đều là các tiêu chí quan trọng trong đánh giá, xếp hạng chuyển đổi số.

Để cải thiện chỉ số DTI cần làm rất nhiều việc, trong đó rà soát lại các tiêu chí tụt hạng để tìm cách khắc phục, đồng thời tập trung nâng cao 3 tiêu chí trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Các trụ cột này đều có sự tương trợ lẫn nhau, khi chính quyền số phát triển, dịch vụ công trực tuyến được thực hiện nhanh chóng, tiện dụng thì sẽ thúc đẩy xã hội số, người dân thay đổi nhận thức, tự trang bị kỹ năng số để sử dụng những thành quả của chuyển đổi số mang lại.

Ông Nguyễn Cao Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hải Dương kỳ vọng DTI của tỉnh sớm lọt vào top 10 toàn quốc, trước mắt phấn đấu DTI năm 2023 xếp thứ 12 cả nước. Để làm được điều này, sở tham mưu cho tỉnh tiếp tục hoàn thiện hạ tầng cho chính quyền số, sớm xây dựng kho dữ liệu dùng chung của tỉnh, chia sẻ thành kho dữ liệu mở cho các sở, ngành, địa phương khai thác. Các sở, ngành cần tích cực ứng dụng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu ngành của các bộ, ngành trung ương để số hóa hồ sơ, kết nối liên thông dữ liệu.

Sở Thông tin và Truyền thông, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Công nghệ thông tin tỉnh cũng đang nghiên cứu, xây dựng Đề án "Chính quyền số và hạ tầng dịch vụ cho đô thị thông minh" trên cơ sở rà soát lại Đề án “Xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh tỉnh Hải Dương giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”. Tổ chức công bố xếp hạng DTI các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh. Xác định cấp độ an toàn thông tin của các hệ thống thông tin trên địa bàn tỉnh và nhiều nhiệm vụ cụ thể khác.

VĂN NGHIỆP
(0) Bình luận
Tin mới nhất
Hải Dương nỗ lực nâng hạng chuyển đổi số